Bác sĩ tiết lộ sự thật chuyện "nhổ răng khôn bị méo miệng, liệt mặt"

HN,
Chia sẻ

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua rất nhiều lần câu nói "không nhổ răng khôn đâu, nhổ xong bị méo mồm đấy", vậy sự thật thế nào?

"Răng khôn" là từ chúng ta vẫn thường dùng để gọi những chiếc răng mọc ở phía sau cùng của cả hai hàm. Chúng là những chiếc răng cuối cùng trong số tất cả các răng mọc ra. Răng khôn thường mọc khi chúng ta đã trưởng thành, khoảng độ tuổi từ 17 đến 25. 

Một số người có đủ chỗ cho răng khôn mọc mà không gây ra vấn đề, nhưng trong nhiều trường hợp, hàm không đủ chỗ để răng khôn mọc thẳng thì có thể gây ra đau nhức, nhiễm trùng và các vấn đề khác. Trong các trường hợp này, đa phần là phải nhổ bỏ răng khôn.

Bác sĩ tiết lộ sự thật chuyện "nhổ răng khôn bị méo miệng, liệt mặt" - Ảnh 1.

Trong nhiều trường hợp, hàm không đủ chỗ để răng khôn mọc thẳng thì có thể gây ra đau nhức, nhiễm trùng và các vấn đề khác.

Thế nhưng, có luồng ý kiến cho rằng việc nhổ bỏ răng khôn là không nên vì làm vậy sẽ dẫn đến méo miệng (méo mồm), liệt mặt nguy hiểm.

Chia sẻ về vấn đề "nhổ răng khôn có bị méo miệng không"BS Hải Anh, Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện 198 Bộ Công An, cho biết như sau:

Nhổ răng khôn có méo miệng không?

Theo BS Hải Anh, trên 90% dân số có răng khôn mọc lệch và hầu hết các trường hợp này phải nhổ đi để loại bỏ các nguy cơ biến chứng. Thế nhưng, có người lại cho rằng nhổ răng khôn sẽ ảnh hưởng đến thần kinh - tức là bị lơ ngơ hay mất trí nhớ.

Thực tế, ở vùng hàm mặt, răng miệng có dây thần kinh số 5, chi phối cảm giác cho các răng vùng hàm mặt. Ví dụ, dây thần kinh số 52 chi phối cảm giác cho dây thần kinh số 8, hay dây thần kinh số 53 chi phối cảm giác cho các răng hàm dưới. Nếu nhổ răng mà vô tình làm tổn thương nhánh thần kinh răng dưới (số 53) thì khi chạm vào sẽ gây ra tình trạng tê môi và tê cằm. Tình trạng này sẽ hết sau một thời gian. Nếu chẳng may làm đứt dây thần kinh này có thể dẫn đến tình trạng tê môi, tê cằm vĩnh viễn. Chính vì thế, trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ chụp phim để xem vị trí dây thần kinh có gần chân răng hay không và khi nhổ biết để tránh.

Bác sĩ tiết lộ sự thật về việc "nhổ răng khôn bị méo miệng" - Ảnh 2.

Nếu nhổ răng mà vô tình làm tổn thương nhánh thần kinh răng dưới (số 53) thì khi chạm vào sẽ gây ra tình trạng tê môi và tê cằm.

BS Hải Anh cũng nhấn mạnh, không có chuyện nhổ răng khôn sẽ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ hay ảnh hưởng thần kinh nhận thức.

Nói thêm về trường hợp bị méo miệng sau khi nhổ răng, BS Hải Anh cho biết: Méo miệng là do tổn thương dây thần kinh số 7, có thể do nhiễm lạnh ở bên ngoài. Và việc nhiễm lạnh dẫn đến méo miệng lại tình cờ xảy ra sau khi nhổ răng nên bị quy kết cho là có liên quan đến việc nhổ răng khôn. Thực tế đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau và mọi người có thể loại bỏ lo lắng cũng như băn khoăn về chuyện "nhổ răng khôn có gây méo miệng không?".

Bên cạnh đó, BS Hải Anh cũng khuyên mọi người nên chọn bác sĩ uy tín trước khi thực hiện nhổ răng để được thực hiện các quy trình cần thiết, đảm bảo an toàn cao nhất!

Chia sẻ