Vào buổi chiều một ngày cuối năm, Sam Trần bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng kỉ niệm đáng nhớ qua giọng kể vô cùng hài hước khi lần đầu nhận sao Michelin - một danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực.

Rồi đến khi trở về nhà ăn cơm cùng bố mẹ, đang định trổ tài nấu nướng thì Sam Trần nhận ngay cái khua tay kèm theo điệu cười đắc chí và câu nói:

“Mày nấu ăn như dở hơi ý, để tao nấu!”

Nữ bếp trưởng của Gia Restaurant khiến tôi bất giác suy ngẫm về hai tiếng "Gia Đình" và cảm giác "thuộc về". Đúng là dù có tiến xa bao nhiêu, thành công rực rỡ thế nào, nhận được giải thưởng cao sang ra sao thì với bố mẹ, những bữa cơm ngon - canh ngọt chính là lời động viên khen thưởng đáng giá, là một thứ ngôn ngữ tình yêu đặc biệt mà họ dành cho con cái.

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 1.

Giữa tiết trời se lạnh, phảng phất sương mù kèm mưa bay đậm hơi xuân, mai đào đã trổ đầy búp. Ngoài đường, mọi người đang nô nức kéo nhau đi sắm sửa, đám sinh viên xa quê tất bật bắt xe trở về nhà. Ở khắp các ngã năm, ngã bảy, biển hiệu quảng cáo hàng Tết nhấp nháy sáng rực...

Sam Trần khiến tôi có phần bất ngờ so với tưởng tượng về hình dung của một nữ bếp trưởng nhà hàng fine-dining cao cấp ở Hà Nội khi sở hữu ngoại hình giản dị, gần gũi: Một chiếc áo phông đen kết hợp với quần jeans tối màu, kèm theo một đôi giày thể thao năng động, tóc buộc đuôi gà và gương mặt không make-up, cùng một phong thái nghiêm túc.

Nhưng không dừng lại ở đó, cảm giác về một nữ bếp trưởng yêu văn hoá truyền thống càng thêm rõ ràng qua lời chia sẻ từ Sam Trần về định nghĩa của hương vị Tết Nguyên đán.

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 2.

"Mình còn nhớ những ngày Tết khi vẫn đang ở nước ngoài, mỗi lần đi làm xong là phải tranh thủ về nhà thật nhanh để chạy ra chợ mua đồ chuẩn bị mâm cơm đón Tết. Dù không thể nào đầy đủ hương vị như ở Việt Nam, nhưng đó là khoảnh khắc giúp mình ý thức được rằng, bản thân cần phải chuẩn bị một cái gì đó cho năm mới. Và đó chính là mâm cơm Tết.

Khi ấy mình còn chưa biết nấu nướng nhiều, cũng chẳng biết phải bày biện một mâm cỗ như thế nào. Thế là đành phải lên Google tìm công thức chế biến. Cái nào khó, cần nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm mới có thể thành công ngay lúc thực hành như buộc gà thì mình gọi điện về hỏi bố.

Thời gian dần trôi, đến khi trở về Việt Nam, việc chuẩn bị mâm cơm Tết trở thành một điều hiển nhiên, một thói quen không thể bỏ. Và cũng có thể, khi con người ở độ tuổi này rồi, người ta sẽ trở nên chững chạc hơn trong suy nghĩ và biết tôn trọng cũng như trân quý những văn hóa truyền thống của người Việt" - Sam trải lòng.

Giống như nhiều đứa trẻ ngoài kia, Sam từng rất thích Tết cho tới khi lớn dần, bước vào lứa tuổi bị dựng dậy dọn nhà, phụ bố mẹ nấu cơm.

"Thực ra bố mình khá kỹ tính. Kỹ trong việc mâm cơm Tết có thể không quá nhiều món nhưng những gì bắt buộc là phải có, và nhất định phải tự làm. Đơn cử có thể kể đến: Nem rán, canh bóng, gà luộc, xôi nếp, bánh chưng, giò lụa, giò xào, thịt đông…

img
img
img
img
img

Ở nhà mình, cứ đến Tết là việc ai nấy làm. Mẹ và mình giúp bố đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng, phụ vài việc vặt. Còn lại bố lo tất!

Dần dà, mình cũng không nhớ được chính xác từ bao giờ mà mình rất thích những mâm cỗ truyền thống của người Việt. Đến khi tự tay làm hết ăn tất, mình mới cảm nhận rõ sự đáng quý, đáng trân trọng của mâm cỗ. Nó rất thiêng liêng, hệt như giây phút mình chuẩn bị hết đồ ăn ra và cùng cả nhà thưởng thức trước thềm năm mới”.

Dứt lời, Sam cũng cởi mở chia sẻ thêm về những gì đã nghĩ. Cô cho rằng, dù thời gian sau có hiện đại hay đổi thay thế nào thì bát canh bóng, đĩa nem rán, giò xào, thịt đông hay hũ dưa hành cũng sẽ chẳng bao giờ mất đi trên mâm cơm ngày Tết của người Việt. Đó là những món ăn đơn giản nhưng chắt lọc biết bao tinh túy, chứa đựng tất thảy tinh hoa ẩm thực của người Việt. 

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 4.

“Mình trân trọng giá trị truyền thống và chỉ có thể suy nghĩ tới việc mượn mâm cỗ ngày Tết làm nguồn cảm hứng đặc biệt cho sự sáng tạo thôi” - Kể từ khi có ý thức về việc tận hưởng mâm cỗ ngày Tết và thưởng trọn vị ngon của các món ăn, nữ bếp trưởng của Gia biết rằng, cảm giác ngon không chỉ đến từ hương vị, mà còn xuất phát bởi tình yêu thương và phút giây đoàn tụ bên gia đình.

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 5.

Khi miêu tả lại các món ăn ngày Tết dưới góc nhìn của người đầu bếp, Sam Trần không ngần ngại khẳng định: “Một món ăn mà năm nào mình cũng làm thì chắc chắn là nó phải ngon. Làm một lần có thể không ngon nhưng lặp đi lặp lại trong suốt hàng chục năm liền thì nó không thể nào dở được. Chưa kể nó còn là thứ đúc kết qua bao đời của các thế hệ trước, chắt lọc bao nhiêu tinh tuý trong ẩm thực và chứa đựng biết bao tâm huyết, công sức của người nấu…

Nếu có chăng thì sự khác biệt nằm ở cách nêm nếm gia vị của các gia đình. Nhưng mình lại tin, chính điều đó làm nên sự đa dạng trong các món ăn truyền thống”.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói về mâm cơm Tết qua lăng kính của những người - con - bình - thường, hạnh phúc đủ đầy khi mỗi dịp Tết đến xuân về lại được quây quần bên người thân, Sam Trần cho rằng:

“Thực ra với mình, món ăn ngon không đơn thuần chỉ ở hương vị. Và mâm cơm Tết ngon là bởi giây phút cả gia đình đoàn tụ với nhau, cùng ngồi ăn, cùng nói chuyện về một năm qua trong không khí xuân ngập tràn. Bởi thế nên mình nghĩ, không tự nhiên mà những món ăn ngày Tết chỉ dành cho những dịp đặc biệt.

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 6.

Ai cũng biết, để chuẩn bị được những món ăn đó là cả một quá trình bận rộn, vừa dọn nhà, vừa chuẩn bị mâm cơm, vừa sắp đồ lễ cúng,... Điều đó giống như việc tất cả mọi người trong gia đình cùng nhau trải qua nốt những ngày vất vả cuối cùng của năm cũ để có thể ngồi xuống, cùng ăn với nhau một bữa cơm… Khi đó, mâm cơm nào cũng trở nên có ý nghĩa và rất ngon”.

Tại giây phút đó, tôi tin, không riêng Sam Trần mà bất cứ ai cũng đều cảm thấy, bữa ăn ngon nhất chính là mâm cơm được nấu ngay trong bếp nhà, với trọn vẹn yêu thương.

Điều đó gợi nhắc Sam chia sẻ về một món ăn đặc biệt mà cô thích nhất trong ngày Tết - đó chính là “canh bóng”.

“Mình không hiểu tại sao nhưng hồi bé mình không hề thích canh bóng chút nào, còn bây giờ lại rất thích. Mình thích lắm! Thích tới nỗi mình chủ động tìm hiểu tất tần tật mọi thứ về canh bóng.

Rồi mình nhận ra rằng, ngay từ những thứ nhỏ nhất các cụ cũng đã chọn lọc tinh tuý. Canh bóng là tổ hợp của rất nhiều thứ, được làm từ đủ các nguyên liệu khác nhau như: Thịt, nước dùng gà, bóng, mọc, các loại rau, thậm chí bây giờ còn có cả sườn… Một vài nơi như chợ Hàng Bè lại có thêm cả trứng cút”.

Đầu bếp Sam Trần, canh bóng và mâm cơm Tết cổ truyền: “Tết tròn đầy khi sum vầy thành viên - Ảnh 7.

Quả thực, có đôi khi, ta gắn bó với một thứ gì đó, yêu thích một món ăn nào đó - không phải vì nó là thứ tốt nhất, món ngon nhất, mà vì trong đó gìn giữ vẹn nguyên một bầu trời ký ức và chứa đựng tình thương của cả gia đình.

“Với mình, gia đình là cái (luôn luôn) ở bên trong, là ‘safety zone’. Mình trở về nhà, là con của bố mẹ, được thoải mái cởi bỏ vỏ bọc đẹp đẽ để quay về bản thể tự nhiên nhất và lại thoả thích nũng nịu hệt như những đứa trẻ. Để dù có là bếp trưởng nhận sao Michelin đi chăng nữa thì về tới nhà vẫn cứ ăn cơm bố mẹ nấu, chứ chẳng phải do mình làm. Hứng lên thì đi ăn ngoài và rất thích đặt đồ ăn sẵn về nhà, thậm chí coi đó như một cách thể hiện sự quan tâm thiết thực với bố mẹ”.

Nói đến đây để chúng ta đều thấy, ở với bố mẹ, ta chỉ cần là ta. Dù tròn dù méo, ta cũng vẫn chỉ là đứa trẻ thơ của bố mẹ. Còn Tết tròn đầy, là mâm cơm sum vầy thành viên.

img
img
img
img
img