Khoa học phát hiện: mỗi năm có 2 tháng nguy hiểm nhất các cặp đôi rất dễ chia tay

Luna,
Chia sẻ

Bạn chắc chắn sẽ bất ngờ khi biết 2 thời điểm dễ gây chia tay này, nhưng rồi sẽ cảm thấy rất dễ hiểu lý do tại sao, từ kinh nghiệm của chính mình.

Người ta thường nói lý trí và tình cảm tồn tại độc lập với nhau, khó thống nhất được khi bộ não bảo điều này nhưng con tim lại muốn lắng nghe điều khác. Tuy nhiên, do “chúng” cùng “sống” trong một cơ thể nên không thể nào tách bạch hoàn toàn, và các nhà nghiên cứu ở Mỹ vừa phát hiện ra 1 minh chứng cho thấy lý trí đã tác động đến mùa yêu đương, hay đúng hơn là mùa kết thúc yêu đương thế nào.

Nghiên cứu này trình bày tại kỳ họp thường niên của Hội Xã hội học Hoa Kỳ, công bố kết quả được thực hiện tại Đại học Washington trong vòng 15 năm thấy rằng trong năm có 2 thời điểm mà tỷ lệ chia tay, ly hôn tăng cao nhất: là tháng Ba và tháng Tám. Đây là mô hình kết quả mà các nhà nghiên cứu ghi nhận được đều đặn sau mỗi năm, từ những dữ liệu thu thập được về tình hình kinh tế, xã hội và tỷ lệ nộp đơn ly hôn tại nhiều bang khác nhau ở Mỹ. 

Tháng Ba và tháng Tám, hai tháng này thì có điểm gì đặc biệt? Câu trả lời: đó chính là thời điểm sau nghỉ hè và nghỉ đông (ở các nước châu Á là tương ứng với sau dịp Tết truyền thống). “Mọi người có xu hướng gia tăng kỳ vọng trong những dịp nghỉ lễ, dù những năm trước đó có bị thất vọng đến thế nào,” thành viên nhóm nghiên cứu, giáo sư xã hội học Julie Brines chia sẻ. “Có những giai đoạn trong năm dành cho sự mong mỏi, dự liệu, hoặc cơ hội cho một khởi đầu mới, cho những sự thay đổi, chuyển giao sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Nó giống như một chu kỳ lạc quan, về cảm giác.”

Nhưng, như kinh nghiệm của hầu hết mọi người, những dịp nghỉ càng nhiều sự kiện tuy có thể mang đến nhiều háo hức và niềm vui bao nhiêu thì cũng có thể kéo theo càng nhiều căng thẳng và những điều phát sinh bấy nhiêu. Chúng có thể khiến các cặp đôi hiểu và thông cảm với nhau hơn nhưng cũng có thể gây ra những thất vọng vì vỡ mộng. Vậy nên đây trở thành khoảng thời gian nhạy cảm và căng thẳng nhất đối với các mối quan hệ, bất chấp các yếu tố ngoại cảnh tưởng cũng rất quan trọng như tình trạng việc làm hay kinh tế, xã hội.

chia tay
(Ảnh: Internet)

Không chỉ ở Mỹ, nhà tâm lý học, giám đốc Học viện Nghiên cứu về Gia đình Australia, bà Anne Hollonds, cho biết hiện tượng suy nghĩ lại về một mối quan hệ sau kỳ nghỉ này cũng không phải hiếm gặp tại Australia. “Mọi người thường suy nghĩ về cuộc sống mà mình mong muốn trong những ngày lễ, và việc ở gần người khác mà không bị những chuyện thường tình cuộc sống như chuyện học hành hay công việc làm xao nhãng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng. Ngoài ra, do vào dịp lễ, như Giáng Sinh, kỳ vọng về một gia đình hạnh phúc tăng cao hơn nên nếu mối quan hệ của bạn đã căng thẳng, nó sẽ có thể căng thẳng hơn bao giờ hết.”

Nghiên cứu của đại học Washington được thực hiện trên quy mô dài, và cũng không phải là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này nhưng có một điểm cần bàn lại là ngày nộp đơn không đồng nghĩa với ngày mà một mối quan hệ kết thúc - thực tế, mối quan hệ giữa hai con người đã phải phai nhạt đi từ trước đó khá lâu trước khi họ chính thức chia tay, kết thúc với nhau bằng pháp luật. Vậy nên vẫn cần có thêm những nghiên cứu độc lập khác, với những mẫu kết quả mang tính phổ quát và thuyết phục hơn nhằm củng cố lập luận cho những nghiên cứu chỉ được tiến hành ở Mỹ, hay Asutralia này. Nhưng trong thời gian đó, với những gì đọc được, có lẽ cẩn thận vẫn hơn phải không nào?

Theo smh
Chia sẻ