Những điều bạn cần biết về lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan

Thu Hằng (T/h),
Chia sẻ

Lãi suất thẻ tín dụng là mức phí mà người dùng phải trả khi sử dụng số tiền vay qua thẻ tín dụng và không thanh toán toàn bộ số dư nợ trước ngày đáo hạn. Mức lãi suất này thay đổi tùy thuộc vào ngân hàng và loại thẻ.

1. Lãi suất thẻ tín dụng là gì?

Lãi suất thẻ tín dụng là khoản tiền chủ thẻ tín dụng phải trả cho ngân hàng khi thực hiện rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc thanh toán không đúng hạn toàn bộ dư nợ tín dụng của kỳ sao kê trước. Lãi suất sẽ phụ thuộc vào quy định của ngân hàng áp dụng với từng sản phẩm thẻ tín dụng tại từng thời kỳ.

2. Cách tính lãi suất thẻ tín dụng

2.1- Đối với giao dịch rút tiền mặt tại ATM

Thẻ tín dụng thực chất là một phương thức cho vay của ngân hàng để người tiêu dùng chi tiêu, mua sắm, tính năng rút tiền mặt chỉ là bổ trợ. Khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ phải chịu lãi suất và mức phí ngay tại thời điểm giao dịch hoàn thành cho đến ngày thanh toán đủ dư nợ tín dụng. 

Vì thế, người tiêu dùng chỉ nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng trong trường hợp thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, khi mở thẻ tín dụng, người dùng cũng nên lưu ý đến thẻ tín dụng miễn lãi.

Công thức tính lãi suất rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng như sau:

Tiền lãi = Số tiền rút x Lãi suất/365 x Số ngày rút

Nếu trong một kỳ sao kê phát sinh nhiều lần rút tiền mặt thì khách hàng tính tiền lãi của từng giai đoạn, sau đó cộng lại với nhau để ra tổng số tiền lãi cần đóng vào cuối kỳ.

Ví dụ: Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng có chu kỳ thanh toán từ ngày 1/4 đến 30/4, ngày đến hạn thanh toán là 15/5, lãi suất rút tiền mặt là 30%/năm, phí rút tiền là 4% tối thiểu là 100.000 VND. Trong tháng 4, chủ thẻ thực hiện các giao dịch như sau:

- Ngày 10/4 chủ thẻ rút tiền mặt 5 triệu đồng.

- Ngày 20/4 chủ thẻ rút tiếp 4 triệu đồng. Lúc này, tổng nợ tín dụng là 9 triệu đồng.

Vậy tiền lãi và phí rút sẽ được tính như sau:

- Tiền lãi (từ 10/4 đến 15/5) là: 5.000.000 x 30%/365 x 35 = 143.835 VND

- Tiền lãi (từ 20/4 đến 15/5) là: 4.000.000 x 30%/365 x 25 = 82.191 VND

- Phí rút tiền mặt 2 lần là: 9.000.000 x 4% = 360.000 VND

Trong đó, phí rút tiền mặt sẽ được trừ trực tiếp vào hạn mức tín dụng như một khoản thanh toán hóa đơn tại thời điểm rút tiền. Như vậy, tổng số tiền còn lại mà chủ thẻ phải thanh toán cho ngân hàng khi đến ngày 15/5 (hạn thanh toán) sẽ là:

9.000.000 + 143.835 + 82.191 = 9.226.026 VND

Nhìn chung, do phí rút và lãi suất cao nên ngân hàng cũng cảnh báo khách hàng không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời khi rút tiền, khách hàng cũng cần phải dự trù nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán dư nợ tránh dẫn đến nợ xấu.

Những điều bạn cần biết về lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan - Ảnh 3.

2.2 - Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ

Khi thanh toán toàn bộ dư nợ tín dụng vào đúng hạn, chủ thẻ sẽ không bị ngân hàng thu lãi. Trong trường hợp ngược lại, chủ thẻ sẽ bị tính lãi trên toàn bộ dư nợ của kỳ sao kê cho dù trả lại cho ngân hàng bằng khoản thanh toán tối thiểu. Số tiền lãi suất này sẽ được thể hiện trên sao kê của tháng tiếp theo.

Dư nợ tối thiểu là khoản tiền tối thiểu mà khách hàng cần chi trả khi đến hạn thanh toán tín dụng. Thông thường, số dư nợ tối thiểu sẽ bằng khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê vừa qua.

Trong thời gian miễn lãi 45 - 55 ngày (tùy từng ngân hàng), khách hàng có thể chọn thanh toán dư nợ tối thiểu cho toàn bộ chi tiêu trong kỳ sao kê vừa qua nếu không đủ khả năng hoàn trả hết số dư nợ trong 1 lần.

Việc thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn sẽ giúp khách hàng không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20 - 40%/năm và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.

Cách tính lãi thẻ tín dụng khi chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu như sau:

Tiền lãi = Dư nợ x Lãi suất/365 x Số ngày vay

Ví dụ: Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng có chu kỳ thanh toán từ ngày 1/4 đến 30/4, ngày đến hạn thanh toán là 15/5, lãi suất là 20%/năm, mức thanh toán tối thiểu là 5%. Trong tháng 4, chủ thẻ thực hiện các giao dịch như sau:

- Ngày 10/4 chủ thẻ thanh toán hóa đơn 5.000.000 VND. Vậy "dư nợ 1" là 5.000.000 VND (tương ứng với tiền lãi 1).

- Ngày 20/4 chủ thẻ chi tiêu mua sắm 4.000.000 VND. Vậy "dư nợ 2" là 9.000.000 VND (tương ứng với tiền lãi 2).

- Ngày 15/5 chủ thẻ thanh toán tối thiểu 5% tổng dư nợ là 450.000 VND, tức số tiền chủ thẻ còn nợ ngân hàng là 8.550.000 VND. Vậy "dư nợ 3" là 8.550.000 VND (tương ứng với tiền lãi 3).

Suy ra, số tiền lãi khi khách hàng thanh toán vào 15/6 (chưa kể dư nợ chi tiêu vào chu kỳ mới) là:

- Tiền lãi 1 (từ 10/4 đến 19/4) là: 5.000.000 x 20%/365 x 10 = 27.397 VND.

- Tiền lãi 2 (từ 20/4 đến 14/5) là: 9.000.000 x 20%/365 x 24 = 118.356 VND.

- Tiền lãi 3 (từ 16/5 đến 15/6) là: 8.550.000 x 20%/365 x 30 = 140.548 VND.

Như vậy, chưa kể dư nợ của chu kỳ mới, tổng số tiền mà khách hàng cần thanh toán (dư nợ còn lại của kỳ trước + tiền lãi) vào ngày 15/6 là:

8.550.000 + 27.397 + 118.356 + 140.548 = 8.836.301 VND

Nhìn chung, nếu chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu, khách hàng sẽ không được tiếp tục hưởng thời gian miễn lãi suất ở các kỳ sao kê sau, cho đến khi trả hết số dư nợ. Đồng thời, khoản dư nợ còn thiếu sẽ bị tính lãi và cộng dồn vào các kỳ thanh toán tiếp theo.

Do đó, ngân hàng khuyến cáo các chủ thẻ nên đảm bảo thanh toán dư nợ đầy đủ, đúng hạn và chỉ nên thực hiện thanh toán tối thiểu trong trường hợp bất đắc dĩ.

3. Những điều cần lưu ý để tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng

Để trở thành người tiêu dùng thông minh và tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng. Khi sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần lưu ý một số phương pháp sau:

3.1 - Chọn dòng thẻ có lãi suất quá hạn thẻ thấp nhất

Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định về lãi suất thẻ tín dụng. Khi quyết định đăng ký mở thẻ tín dụng, người dùng nên chọn ngân hàng hoặc dòng thẻ có lãi suất ưu đãi nhất. Điều này sẽ giúp chủ thẻ tận hưởng nhiều lợi ích từ thẻ tín dụng mà không cần lo đến vấn đề lãi suất và tài chính.

Những điều bạn cần biết về lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan - Ảnh 5.

3.2 - Thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn

Thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn là phương pháp tốt nhất giúp người tiêu dùng không bị tính lãi suất thẻ tín dụng. Khi nhận sao kê, chủ thẻ cần chú ý đến thời gian thanh toán mà ngân hàng nhắc nhở. Đồng thời thường xuyên kiểm tra tin nhắc nhở và email thông báo từ ngân hàng để tránh tình trạng quên thời hạn thanh toán dư nợ. 

Bên cạnh đó, chủ thẻ có thể đăng ký chương trình trích nợ tự động, đến hạn thanh toán ngân hàng sẽ tự động trích nợ thanh toán. Giúp loại bỏ nỗi lo lãi suất do quên hoặc quá hạn thanh toán.

3.3 - Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Không lạm dụng việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chỉ sử dụng tính năng này khi thực sự cần thiết. Bởi nếu rút càng nhiều, phí rút tiền cộng dồn càng nhiều và lãi suất thẻ tín dụng phải trả càng lớn.

3.4 - Thanh toán dư nợ tín dụng càng sớm càng tốt

Có nhiều trường hợp người tiêu dùng không có khả năng thanh toán đầy đủ dư nợ tín dụng. Lúc này, chủ thẻ có thể chia nhỏ số tiền nộp theo các đợt và cố gắng trả lại sớm nhất có thể để giảm thiểu số tiền lãi phải chi trả. Nhiều ngân hàng sẽ tính lãi suất thẻ tín dụng dựa trên số dư nợ giảm dần. Chủ thẻ cần thanh toán tối thiểu 5% tổng dư nợ tín dụng để tránh bị ngân hàng báo cáo lên hệ thống CIC. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch của ngân hàng với chủ thẻ sau này.

3.5 - Chi tiêu hợp lý trong mức có thể chi trả được

Trước khi quyết định sử dụng thẻ tín dụng để mua một món đồ nào đó, chủ thẻ cần cân nhắc thật kỹ càng rằng trong tương lai có đảm bảo thanh toán được hay không. Từ đó, có kế hoạch chi tiêu phù hợp. Bên cạnh đó, nếu chưa thanh toán đủ dư nợ tín dụng của tháng trước thì chủ thẻ nên hạn chế mua sắm, chi tiêu bằng thẻ tín dụng của tháng này. Điều này sẽ gia tăng gánh nặng tài chính cho chủ thẻ.

Cách tính lãi suất thẻ tín dụng thường dựa trên các yếu tố sau:

Số dư nợ trung bình hàng ngày: Lãi suất được tính trên số dư nợ trung bình hàng ngày trong kỳ sao kê.

Lãi suất hàng năm (APR): Đây là mức lãi suất hàng năm mà ngân hàng áp dụng cho số dư nợ của thẻ tín dụng.

Cách tính lãi hàng ngày: Để tính lãi suất hàng ngày, bạn chia lãi suất hàng năm cho 365 (hoặc 366 trong năm nhuận) để có được lãi suất hàng ngày.

Kỳ sao kê: Là khoảng thời gian giữa các lần gửi sao kê, thường là hàng tháng.

Lưu ý rằng một số ngân hàng có thể tính lãi theo cách khác nhau hoặc có thêm các phí, vì thế bạn cần xem xét chính sách cụ thể của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng của bạn.

Những điều bạn cần biết về lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan - Ảnh 7.

Chia sẻ