Rắn lục đuôi đỏ vào trường đại học ở TP.HCM cắn người

Bài - Ảnh: Thiên Kim,
Chia sẻ

Đang phát quang dọn dẹp cây cỏ ở trong khuôn viên trường, nhân viên bảo vệ bị rắn lao ra tấn công.

Sự việc trên xảy ra vào ngày 31/7 tại một trường đại học trên địa bàn thành phố có cơ sở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP.HCM).

Nạn nhân tên T.M.T (64 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 9) là nhân viên bảo vệ tại trường.

Vào khoảng 9 giờ sáng ngày xảy ra sự việc, trong lúc đang phát quang dọn dẹp cây cỏ ở trong khuôn viên trường thì ông bị rắn cắn vào tay, lại không mang đồ bảo hộ.

Biết mình bị rắn lục đuôi đỏ cắn nên ông đã gọi người ứng cứu và đưa vào Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức cấp cứu ngay sau đó.

Rắn lục đuôi đỏ vào trường đại học ở TP.HCM cắn người - Ảnh 1.

Một con rắn lục đuôi đỏ được gia đình bệnh nhân mang đến BV.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng còn tỉnh, tiếp xúc được, vết thương rắn cắn ở ngón áp út bàn tay phải đã sưng to.

Sau khi sơ cứu và truyền huyết thanh, thuốc kháng sinh, đồng thời làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển tiếp sang khoa Hồi sức tích cực chống độc A để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Rắn lục đuôi đỏ vào trường đại học ở TP.HCM cắn người - Ảnh 2.

Nhân viên bảo vệ điều trị tại BV Quận Thủ Đức.

Hơn một ngày điều trị tại đây, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, vết thương do rắn cắn đã không còn sưng. Dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó vào cuối 11/2017, khi chị L.T.T (53 tuổi, ngụ tại phường An Phú Đông, quận 12) vừa mở cửa định ra ngoài mua đồ dùng cá nhân thì con gì đó trong góc cửa lao đến cắn vào chân.

Chị liền đi lấy đèn pin chiếu vào góc cửa để xem thì tá hỏa khi nhìn thấy con rắn nằm trong góc, liền gọi cho chồng đến bắt rồi tự buộc dây ga rô ở cổ chân để ngăn chất độc lây lan. Sau đó, chị được đưa đến bệnh viện quận Thủ Đức để cấp cứu.

Rắn lục đuôi đỏ vào trường đại học ở TP.HCM cắn người - Ảnh 3.

Ngón tay bệnh nhân sưng đỏ sau khi bị rắn lục cắn.

Tại BV, sau khi thăm khám vết thương và theo dõi con rắn người nhà mang heo, chị T. được xác định bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bàn chân trái có vết rắn cắn bị sưng nề, không chảy máu.

Bệnh nhân được truyền 2 lọ huyết thanh kháng độc rắn, tiêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và làm xét nghiệm đông cầm máu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc A cho đến khi qua cơn nguy hiểm.

Rắn lục đuôi đỏ vào trường đại học ở TP.HCM cắn người - Ảnh 4.

Nữ bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn ngay tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A cho biết từ đầu năm tới nay, BV ghi nhận có nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Thủ Đức và khu vực giáp ranh. Đáng chú ý, không phải bệnh viện nào cũng có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn để kịp thời điều trị.

"Bà con phải hết sức đề phòng để không bị rắn cắn. Nên thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn. Khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu - cổ - mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ, giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ" – bác sĩ Dũng phân tích.

Với trường hợp khi đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân chỉ nên rửa sạch vết thương, có thể nẹp cố định chi bị cắn sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt.

Không nên tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn vì việc này có thể làm cho chỗ tổn thương sưng nề nặng hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau.

Chia sẻ