300 triệu trẻ em trên thế giới không được đến trường và những lớp học kiểu mới trong mùa Covid-19

Negroni,
Chia sẻ

Các trường học có chức năng hỗ trợ gia đình, cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế, vì thế việc đóng cửa trường học trong nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng có thể gây hệ quả lớn cho trẻ em và xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, để tránh việc lây lan khó kiểm soát, nhiều nước trên thế giới đã quyết định đóng cửa các trường học. Theo báo cáo, 22 quốc gia ở 3 châu lục đã tuyên bố đóng cửa các trường học ở các mức độ khác nhau, điều này khiến Liên Hiệp Quốc lo ngại đến tình hình giáo dục trên toàn cầu.

Hiện nay, không chỉ có Trung Quốc, học sinh tại các nước như Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Pháp, Pakistan đã nghỉ học nhiều tuần liền. Tại Ấn Độ, vào thứ Năm vừa qua, tất cả các trường công lập và tư thục đến lớp 5 đều được lệnh đóng cửa, điều này khiến hơn 2 triệu trẻ em không được đến trường.

300 triệu trẻ em không được đến trường và những lớp học kiểu mới khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu - Ảnh 1.

Tại Ý, chính quyền nước này cho biết họ sẽ quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học trên toàn quốc đến ngày 15/3 thay vì chỉ tập trung vào khu vực phía bắc như trước đó.

Los Angeles, Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày thứ Tư vừa qua, chính quyền khuyên phụ huynh nên để con cái ở nhà thay vì đến trường. Tiểu bang Washington, nơi đã báo cáo có ít nhất 10 trường hợp tử vong vì Covid-19, cũng đã quyết định đóng cửa một số trường học.

Theo Liên Hiệp Quốc, tình trạng gián đoạn giáo dục này đang ảnh hưởng đến hơn 290,5 triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Các trường học có chức năng hỗ trợ gia đình, cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế, vì thế việc đóng cửa trường học trong nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng có thể gây hậu quả lớn cho trẻ em và xã hội.

Những lớp học kiểu mới mùa Covid-19

Gao Manhxian, một nhân viên bảo vệ ở Hồng Kông 48 tuổi, cho biết hai cô con gái của mình liên tục hỏi khi nào thì chúng được ra ngoài chơi hoặc khi nào thì chúng được đến trường. Cô hiện đã phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc hai con gái 8 và 10 tuổi, đồng thời tìm cách thắt chặt chi tiêu. Cô Gao chỉ ra ngoài một lần một tuần và dành nhiều thời gian nhất cho các cô con gái với các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, dò dẫm công nghệ khiến cô trở nên bối rối và các con của cô cảm thấy thất vọng.

Tại Nhật Bản, chính phủ đang cung cấp các khoản trợ cấp để giúp các công ty bù đắp chi phí cho thời gian nghỉ của cha mẹ. Chính phủ Pháp cũng quyết định cho các bậc cha mẹ thêm 14 ngày nghỉ với những trường hợp không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghỉ để chăm sóc con em.

300 triệu trẻ em trên thế giới không được đến trường và những lớp học kiểu mới trong mùa Covid-19 - Ảnh 2.

Julia Bossard, một bà mẹ 2 con 39 tuổi ở Pháp đã buộc phải từ bỏ những thói quen của mình kể từ khi trường học của con trai lớn của cô bị đóng cửa. Một ngày của cô bây giờ bao gồm việc giúp con cái làm bài tập về nhà, đi siêu thị mua mì ống, gạo và thực phẩm đóng hộp. 

Chính phủ và nhà trường ở nhiều nước đang tìm cách để trẻ em không đến trường nhưng vẫn theo kịp giáo trình học tập. Chính phủ Ý tạo ra một trang web để giáo viên có thể giảng dạy trực tuyến và lên kế hoạch cho bài giảng. Truyền hình Mông Cổ đã phát sóng lớp học qua vô tuyến. Chính phủ Iran đăng tải tất cả các nội dung trẻ em lên internet miễn phí.

Học sinh thậm chí còn được học giáo dục thể chất tại nhà. Ít nhất một trường học ở Hồng Kông đã yêu cầu học sinh mặc đồng phục thể dục và tuân theo lời giáo viên qua màn hình. Mỗi webcam của học sinh sẽ được ghi hình lại làm "bằng chứng".

Tuy vậy, học trực tuyến là một thách thức lớn. Những rào cản công nghệ và những phiền nhiễu xung quanh khiến cho việc học trở nên khó khăn hơn. Thira Pang, một học sinh trung học 17 tuổi ở Hồng Kông đã nhiều lần vào điểm danh trễ vì kết nối mạng internet bị lỗi. Giờ đây, Thira phải đăng nhập vào lớp học trước 15 phút mỗi tiết. Thira nói: "Chỉ là kiểm tra xem bạn có may mắn hơn chút nào không thôi."

300 triệu trẻ em không được đến trường và những lớp học kiểu mới khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu - Ảnh 3.

Chương trình đào tạo giáo dục kiểu mới này cũng đặt ra nhiều rào cản cho những học sinh nhỏ tuổi và những phụ huynh lớn tuổi. Ruby Tan, một giáo viên ở Trùng Khánh cho biết nhiều ông bà đã thay bố mẹ chăm sóc trẻ em để bố mẹ có thể đi làm, nhưng nhiều người lớn tuổi không phải ai cũng biết về công nghệ. Họ khó có thể giám sát việc học của trẻ, thay vào đó, chúng có thể sẽ phát sinh ra những thói quen xấu và không thể tập trung học hành.

Đường truyền internet cũng là một rào cản lớn. Các bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc cho thấy giáo viên và học sinh phải leo lên mái nhà hoặc lơ lửng bên ngoài nhà hàng xóm để tìm tín hiệu sóng internet. Một gia đình ở Nội Mông thậm chí đã "cắm trại" trên đồng cỏ để có kết nối mạnh hơn.

Đóng cửa trường học làm thay đổi cuộc sống của cả phụ huynh và học sinh

Ở Nhật Bản, năm học thường kết thúc vào tháng 3. Nhiều trường học giờ đây chỉ tổ chức lễ tốt nghiệp với phạm vi giới hạn là giáo viên và học sinh.

Khi con trai của Satoko Morita tốt nghiệp vào ngày 1/3, cô đã không thể tham dự buổi lễ. Cô cũng không thể tham dự buổi lễ tốt nghiệp ở trường tiểu học của con gái, vì thế con gái cô đã nói rằng: "Bài phát biểu còn ý nghĩa gì nữa khi không có bố mẹ tham gia?"

300 triệu trẻ em không được đến trường và những lớp học kiểu mới khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu - Ảnh 4.

Còn với Chloe Lau, một học sinh Hồng Kông, chương trình giáo dục trung học của em đột ngột kết thúc. Ngày học cuối cùng của em là 2/4 trong khi các trường học ở Hồng Kông nhiều khả năng sẽ đóng cửa đến 20/4. 

Khi đóng cửa trường học, các gia đình phải tính toán và phân chia trách nhiệm. Gánh nặng này được đặt nhiều lên vai những người phụ nữ, người thường được coi là chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc trẻ em.

Cô Lee Seong-yeon làm quản lý thông tin y tế tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc không biết phải làm thế nào khi trường học của con trai 11 tuổi đóng cửa. Làm việc tại nhà không phải là một lựa chọn tốt của cô Lee. Cô và chồng đều là nhân viên bệnh viện và giữa mùa Covid-19 họ lại càng trở nên bận rộn hơn. Vì thế, con trai cô Lee thường phải ăn cơm và ở nhà một mình. 

Cô Lee nói: "Tôi nghĩ rằng mình sẽ nghỉ việc nếu con trai tôi còn nhỏ, vì tôi không thể để nó ở nhà một mình."

Tuy nhiên, nếu nghỉ ở nhà, sự nghiệp của Lee sẽ bị ảnh hưởng. Cô nói: "Tôi cố gắng nghỉ làm lúc 6 giờ tối, ngay cả khi những người khác vẫn ở văn phòng để chạy về nhà với con trai, nấu cơm và chăm sóc con. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ được ghi nhận trong công việc."

Anastasia Moschos, 47 tuổi, sống tại Athens cho biết cô đã gặp may mắn khi ông ngoại tới thăm đúng lúc trường của con trai đóng cửa. Vì thế, cô đã để con trai 6 tuổi lại cho ông ngoại chăm sóc. Tuy nhiên, nếu trường học đóng cửa lâu hơn, cô sẽ phải chật vật tìm người giúp đỡ. Cô nói: "Mọi người thường có ai đó hỗ trợ nhưng tôi thì không. Vì tôi là một bà mẹ đơn thân."

300 triệu trẻ em không được đến trường và những lớp học kiểu mới khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu - Ảnh 5.

Ngay cả những người thoát khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng gặp khó khăn trong việc tìm người chăm sóc trẻ em. Cristina Tagliabue, một doanh nhân truyền thông người Milan, đã chuyển đến Rome cùng con trai 2 tuổi. Tuy nhiên, tại Rome không có một cơ sở chăm sóc ban ngày nào chấp nhận con trai cô vì các bậc phụ huynh không muốn bất cứ ai đến từ Milan lại gần con cái họ.

Cô Tagliabue buộc phải từ chối nhiều công việc vì cô không thể tập trung làm việc tại nhà mà không có người giữ trẻ. 

Những vấn đề khác tưởng như không liên quan đến giáo dục

Trước quyết định đột ngột cho đóng cửa các trường học tại Nhật Bản, các nhà quản lý đã vội vã hủy đơn đặt hàng cho các bữa trưa tại nhà ăn, các nhà cung cấp bị "bỏ bom" với đống thực phẩm và các nhà cấp dưỡng tạm thời không còn cần thiết nữa.

Kazuo Tanaka, Phó Giám đốc Trung tâm bữa trưa của trường Yachimata ở miền trung Nhật Bản cho biết họ đã phải hủy nguyên liệu để làm 5000 bữa trưa cho 13 trường học. Điều này khiến trung tâm bị tổn thất khoảng 20 triệu yên (khoảng 4,3 tỉ đồng).

300 triệu trẻ em không được đến trường và những lớp học kiểu mới khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu - Ảnh 6.

Yuzo Kojima, tổng thư ký của Hiệp hội Bữa trưa Trường học Quốc gia cho biết: "Nông dân chăn nuôi bò sữa và trồng rau cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các nhân viên tại trung tâm bữa trưa cũng sẽ bị thất nghiệp một thời gian dài."

Tại Hồng Kông, nhiều người giúp việc đã thất nghiệp vì những gia đình giàu có đã gửi con đi nước ngoài du học. Nhu cầu về vú em đã giảm 1/3 khi Covid-19 bùng phát, một trong những lý do đó là nhiều công ty cho phép cha mẹ làm việc tại nhà. 

Ông Felix Choi, giám đốc của Babysitter.hk, một dịch vụ bảo mẫu cho biết: "Bây giờ, một số gia đình người nước ngoài đã rời khỏi thành phố. Hơn 30% khách hàng của chúng tôi là các gia đình người nước ngoài và tôi không thấy nhiều người trong số họ trở lại Hồng Kông vào thời điểm này. Hầu hết các khách hàng đều thông báo với chúng tôi là họ sẽ chỉ quay lại khi các trường học mở cửa lại."

(Theo NYTimes)

Chuyên gia y tế Trung Quốc: Kỳ vọng đến cuối tháng 3 không còn phát sinh ca nhiễm virus corona mỗi ngày ở Vũ Hán - Ảnh 5.
Chia sẻ