5 tin đồn thất thiệt sau vụ thảm sát đẫm máu tại Paris

Vân Anh,
Chia sẻ

Ngay sau đêm xảy ra vụ khủng bố tại Paris, đã có rất nhiều hình ảnh, thông tin không chính xác tràn lan trên mạng.

Bức ảnh tháp Eiffel tắt đèn để tương nhớ nạn nhân

Ngay sau khi xảy ra những vụ tấn công, Rurik Bradbury đã đăng lên Twitter của mình (nickname ProfJeffJarvis) một tấm ảnh chụp tháp Eiffel tối om và cho rằng đây là hành động để tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng. Bradbury còn nhấn mạnh đây là lần đầu tiên tháp Eiffel tắt đèn kể từ năm 1889.

Bức ảnh sau đó được hàng chục nghìn tài khoản Twitter khác đăng lại. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Bức ảnh này được chụp từ tháng 1/2015 chứ không phải tháng 11. Ngoài ra, tháp Eiffel vẫn tắt điện vào lúc 1:00 đêm mỗi ngày.

Bradbury nói rằng, anh là một người thích đưa thông tin giả lên Twitter để “lừa” những người cả tin, tạo cơn sốt ảo trên mạng. Nếu người nào suy nghĩ kỹ một chút họ sẽ thấy rằng chia sẻ của Bradbury là sai sự thật vì phải đến năm 1925, tháp Eiffel mới được lắp hệ thống đèn chiếu sáng.
 
Bức ảnh “fake” của Bradbury được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội.

Bình luận của tỷ phú Donald Trump

Đại sứ Pháp tại Mỹ, ông Gerard Araud, đã lên mạng chỉ trích tỷ phú Donald Trump vì những phát ngôn của ông trên Twitter sau khi thảm kịch Paris xảy ra.

Cụ thể, tỷ phú người Mỹ đã lên Facebook và có lời mỉa mai về thảm kịch Paris. Ông Araud đã nhắn lại: “Tin nhắn này quá phản cảm bởi nó quá thiếu tôn trọng. Đồ tham lam!”. Tuy nhiên, sau đó ông Araud nhận ra đoạn Twitter của tỷ phú Donald Trump đã đăng từ tháng 1/2015.

Còn thực tế, đoạn tweet của ông Trump nhắc đến thảm kịch Paris rất lịch sự, lễ độ.


Đoạn tweet thật của ông Trump hoàn toàn không hề có ý mỉa mai.

Những kẻ khủng bố dùng Playstation 4 để giao tiếp

PlayStation 4 cho phép người dùng có thể giao tiếp bằng giọng nói và văn bản thông qua hệ thống PlayStation Network. Đó là lý do trên mạng xuất hiện thông tin những kẻ khủng bố đã dùng thiết bị của Sony để liên lạc.

Tuy nhiên, trang mạng Kotaku đã tìm hiểu và chứng minh được nguồn tin trên là sai. Báo Forbers, cũng phải gỡ bài và lên tiếng đính chính.

Đây là một sai lầm của tôi. Tôi sẽ sửa lại cho chính xác. Tôi đã hiểu nhầm. Mặc dù đã có ý kiến xác nhận việc IS dùng PS4 để giao tiếp nhưng hiện tại bằng chứng cụ thể chưa được công khai. Tôi đã chỉnh sửa bài phản ánh và nó sẽ chủ yếu thảo luận về cái mà IS sử dụng để giao tiếp. Đó là lỗi của tôi!”, tác giả bài báo trên Forbes phản hồi với Kotaku.


Hiện chưa có bằng chứng để chứng minh IS dùng PS4 giao tiếp.

Uber tăng giá xe sau thảm kịch

Nhiều người dân tại Paris cho biết họ nhận được thông tin Uber sẽ tăng mạnh giá dịch vụ sau vụ thảm kịch xảy ra vào tối thứ 6, ngày 13/11 tuần trước. Đặc biệt, trước đó, sau vụ bắt cóc con tin tại Sydney năm ngoái, Uber đã từng tăng giá dịch vụ khiến nhiều người càng thêm tin tưởng vào những tin nhắn này. Tuy nhiên, Uber đã lên tiếng phản bác lại toàn bộ thông tin và khẳng định không hề tăng giá tại Paris.


Một người dùng chia sẻ tin nhắn Uber tăng giá tại Paris.

Hình ảnh đầu tiên về nghi phạm tấn công Paris

Một người Sikh sống tại Canada có tên là Veerender Jubbal đã vô tình trở thành “nghi phạm” trong vụ tấn công tại Paris sau khi hình ảnh anh mặc áo chống đạn, cầm sách kinh Koran chụp ảnh trước gương được tung lên Twitter. Ngay lập tức, các báo đăng lại hình ảnh và đặt ra nghi vấn đây có phải là một kẻ khủng bố?

Jubbal đã phải vội vàng khẳng định ông không tham gia khủng bố tấn công Paris. Ông cũng không phải người Hồi giáo và hình ảnh đăng trên Twitter đã bị chỉnh sửa.


Bức ảnh bên trái khiến Jubbal điêu đứng vì bị nghi là khủng bố.

Nguồn: NPR
 
Chia sẻ