61 triệu trẻ em Trung Quốc phải sống xa cha mẹ

Lê Minh ,
Chia sẻ

Hậu quả ngoài ý muốn của sự đô thị hóa và di cư hàng loạt ở Trung Quốc đã khiến 61 triệu trẻ em đang "bị bỏ rơi" mỗi năm, dù các em vẫn có cha mẹ đầy đủ.

Cậu bé 6 tuổi Lu Yiming đang chơi pháo hoa trong ngôi nhà hai tầng của mình. Đang chơi thì cậu bé bị trượt xuống một con hẻm. “Quay lại đây ngay”, bà nội cậu bé hét lên. “Tôi cảm thấy đau đầu khi nuôi đứa trẻ này”, bà Tang Xinying, 72 tuổi, tâm sự.

Mẹ của bé Lu bỏ em đi khi em sinh ra và cha cậu bé đang làm việc như một thợ mộc ở tỉnh Sơn Đông, cách nhà hàng trăm dặm. Ông trở về nhà thăm con một lần một năm.

Lu là một trong 61 triệu trường hợp trẻ em “bị bỏ rơi” hàng năm ở Trung Quốc, một con số đáng kinh ngạc với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Những em bé rơi vào trường hợp này thường gặp khó khăn khi đến trường, có tỷ lệ cao mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi bất thường so với những đứa trẻ cùng lứa.

61 triệu trẻ em Trung Quốc phải sống xa cha mẹ 1
Lu Yiming cùng bà nội Tang Xinying

Ở Chao Hu, một ngôi làng bên trong tỉnh An Huy, có một khu vực có dự án nhà ở vẫn còn xây dang dở. Một đám mây màu vàng treo lơ lửng trong không khí để lại vị kim loại trong miệng những người sinh sống quanh đấy. Ô nhiễm công nghiệp của Trung Quốc đã khiến khu vực này biến thành như vậy, điều quan trọng hơn, dân làng không có việc làm ở nơi này. Hầu hết mọi người trong độ tuổi lao động ở Chao Hu đều đến các thành phố để tìm việc làm, bỏ lại những đứa trẻ sau lưng.

“Chúng tôi không có cánh đồng để làm ruộng, nếu bạn không ra ngoài làm việc, làm thế nào mà kiếm được thu nhập chứ”, bà Tang cho biết. “Cha mẹ chúng phải đi làm việc ở các thành phố lớn và họ không thể mang theo con cái bên mình”.

61 triệu trẻ em Trung Quốc phải sống xa cha mẹ 2
Thống kê về tình hình trẻ em phải sống xa cha mẹ ở Trung Quốc. Theo đó, 75% đứa trẻ gặp bố mẹ 1 lần/năm, 20% gặp 2 lần/năm và 5% gặp bố mẹ mỗi hai năm lần hoặc lâu hơn. Trong khi 92% bố mẹ nhận biết nuôi con là trách nhiệm của họ nhưng 80% cặp bố mẹ cảm thấy họ không hoàn thành vai trò của mình. 62% cho biết họ đối mặt với áp lực tài chính và 30% thường xuyên mắc lỗi khi làm việc vì lo cho con cái ở quê.

Liên đoàn Phụ nữ ở Trung Quốc đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho những em bé bị bỏ rơi. “Tình trạng này có tác động rất lớn đối với xã hội và thế hệ của những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ”, Ines Kaempfer, thuộc Trung tâm Quyền trẻ em và Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nói. “Sẽ có một thế hệ của Trung Quốc thiếu an ninh và cảm giác an toàn”.

Hầu hết những người di cư không thể đăng ký hộ khẩu của họ khi họ di chuyển. Họ đấu tranh để có thể tham gia vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác trong khu vực đô thị. Con cái của họ không thể đến các trường công lập ngay cả khi chúng được sinh ra trong thành phố.

“Hệ thống hộ khẩu vẫn còn là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Người nhập cư không đủ khả năng đưa con cái họ đến ở các thành phố lớn vì giá thuê nhà cao và lương thấp, họ cũng không thể trả tiền học phí cho các trường tư”, giáo sư Fan Bin, thuộc Viện Công nghệ Huadong nói.

Trong làng Chao Hu, bà Tang đang nấu cơm và rau chân vịt cho cháu nội, bé Lu. “Tôi không thể dạy cháu trai tôi tốt được. Nó cần sự giáo dục của cha mẹ. Tôi không thể bắt kịp thằng bé khi nó cứ chạy nhảy lung tung. Tôi không thể trừng phạt thằng bé khi nó cư xử sai”.

Dù không thể dạy cháu theo ý muốn như bà Tang cho biết: “Chúng tôi không có lựa chọn nào cả, nếu tôi không chăm sóc nó, ai sẽ làm thay tôi chứ”.

Theo CNN

Chia sẻ