9 cách ứng xử với "lính mới"

,
Chia sẻ

Không phải đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, nhất là việc đi học. Không ít trẻ cảm thấy sợ hãi vì cảm giác bị bỏ rơi và lạ lẫm.

Vậy bí quyết dành cho các mẹ là gì?

1. Những ngày đầu đưa "lính mới" đến "doanh trại", mẹ chỉ nên ngồi nán lại một lúc, không nên để bé đeo bám lâu rồi đâm ra quyến luyến. Có thể cho bé mang theo một món đồ chơi bắt mắt để thu hút những đứa trẻ khác đến kết bạn với bé.

2. Đừng vì sợ bé khóc đòi mà mẹ thả vội bé cho cô rồi... tháo chạy hoặc lừa bé để trốn đi. Làm vậy sẽ khiến bé haong mang lo lắng suốt buổi học và chiều về sẽ bám riết lấy mẹ, sợ mẹ lại "bỏ rơi" mình. Bạn có thể nói với con rằng bạn để quên món gì đó ở cửa hàng và phải đi lấy ngay kẻo mất rồi sẽ quay lại.

3. Khi tạm biệt, hãy ân cần, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, quả quyết, đừng dùng giằng để rồi hai mẹ con lại rơi vào tình cảnh bịn rịn. Và bạn cũng đừng quên nịnh bé rằng khi đi học trông bé chững chạc hẳn ra, xinh gái (đẹp trai) hẳn ra.

4. Những ngày đầu chỉ nên gửi bé chừng 2-3 tiếng, rồi từ từ tăng lên để bé có thể thích nghi dần với việc phải ở giữa những người xa lạ.

5. Có thể xài chiêu dụ dỗ thực dụng kiểu như: "Bây giờ con phải đi trẻ để mẹ đi làm kiếm tiền. Có tiền rồi mẹ con mình sẽ đi siêu thị để mua siêu nhân cho con".

6. Nếu bé có vẻ bất an quá, trước khi "tòng quân" có thể cho bé uống một loại thảo dược an thần (theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa). Bản thân bạn cũng cố gắng không tỏ ra bồn chồn, kẻo bé sẽ cảm nhận được và cũng bồn chồn theo.

7. Hàng ngày, nhớ hỏi han bé về cuộc sống ở nhà trẻ và thể hiện sự quan tâm đến mọi chuyện dù là tầm phào nhất mà bé kể với bạn. Bạn cũng nên ghi nhớ tên các bạn cùng nhóm với con và thường xuyên hỏi thăm cô giáo về tình hình lớp để tối tối có chuyện mà "buôn" với con.

8. Ngược lại bạn cũng nên kể cho bé biết hôm nay bố mẹ đã bận bịu ra làm sao, vì bé đã đi học rồi nên bố mẹ đã làm được bao nhiêu là việc.

9. Có thể đưa cho cô giáo một chiếc máy ảnh rồi nhờ cô chộp vài kiểu để sau đó về nhà cùng con mở ra ngắm nghía và bình phẩm.

Cuối cùng, cần lưu ý bạn rằng khi chọn "doanh trại" cho con đừng nên a dua chen chân vào những nơi "hot". Dù cho cơ sở ở đó có hoành tráng, cô giáo ở đó có chất lượng đến mấy đi nữa thì với "mật độ kiến cỏ", con bạn khó mà có hy vọng được hưởng thụ tất cả những gì gọi là "ưu việt" ở đấy.

Đối với bé, quan trọng nhất là được sống trong môi trường thoáng đãng, yên bình, được chăm sóc bởi những cô giáo từ tâm chứ không phải là vẻ ngoài sáng loáng hay bề dày thành tích của nhà trường.

Chúc bạn tìm được "doanh trại" đáng tin cậy và chúc cho những ngày đầu của con trong "quân ngũ" sẽ có nhiều nụ cười hơn là nước mắt.

Mẹo nhỏ giúp con chuẩn bị tinh thần tốt hơn khi vào "quân ngũ"

1. Thường xuyên đưa bé đến chơi nhà bạn bè, người quen, đặc biệt là những gia đình có đông trẻ cùng lứa với bé.

2. Hãy cho bé một hình dung về nhà trẻ bằng cách kể chuyện: "Ở trường cô sẽ dạy con hát, dạy con vẽ. Sẽ có nhiều bạn gái bạn trai cùng con chơi nhiều trò..." và nhớ "gài" thêm một câu mang tính nhem thèm: "Nhưng mà cô giáo nghiêm lắm, cô chỉ nhận những bé nào đã lớn và ngoan thôi...". Bạn cũng có thể đọc cho bé nghe những mẩu truyện mô tả về vườn trẻ, cho bé xem những hình ảnh về cuộc sống ở nơi đó.

3. Thỉnh thoảng hãy đưa bé đi ngang qua các trường mầm non để bé được tận mắt nhìn thấy cảnh lũ trẻ đang nô đùa vui vẻ thế nào. Khung cảnh ấy dần dần "mê hoặc" bé đến mức bé sẽ xung phong được "tòng quân" đấy. Tuy nhiên, lúc ấy bạn lại phải vờ vịt mà rằng: "Không được đâu, con còn bé, chưa đi được" để nhà trẻ càng trở nên hấp dẫn với bé (trái cấm bao giờ cũng ngọt mà!).

4. Hãy tập cho bé quen dần với việc phải xa nhà bằng cách thỉnh thoảng lại gửi bé ở nhà ông bà một buổi. Còn mẹ, nhân cơ hội ấy có thể tung tẩy shopping, làm đẹp, thậm chí tham gia hẳn một khoá yoga. Thế là nhất cử tam tiện nhé!

5. Nhiều bà mẹ hay lôi chuyện đi trẻ ra để hù dọa con, coi đó như là một hình phạt: "Sắp đến tháng chín rồi, mẹ sẽ cho con đi trẻ, rồi cô giáo sẽ rèn cho con biết thế nào là ăn chậm!" và kết cục là sau này bé sợ đi học như sợ.. ngáo ộp vậy. Cho nên bạn hãy làm ngược lại, thi thoảng lại tuyên bố với bé: "Nếu con ăn chậm (nghịch bẩn, tè dầm...) như thế này thì con không được cô giáo nhận vào lớp đâu!". Chiêu này rất  hiệu nghiệm, vừa khuyến khích bé cố gắng hoàn thiện mình hơn, vừa không gây cho bé tâm lý thù ghét nhà trẻ.

6. Có thể nói với bé rằng bạn đã gọi điện cho cô giáo, kể với cô là bé lớn rồi, ngoan rồi nên cuối cùng cô đã đồng ý cho phép bé đến lớp. Khi biết mình được cô giáo tin tưởng, mong đợi như vậy, bé sẽ háo hức với chuyện đi học lắm.

7. Khi bé đã nhập ngũ rồi, mẹ vẫn phải "bơm" tiếp những câu kiểu như: "Cô giáo quý con lắm, cô nhớ con và mong con đến nữa đấy, trong khi em Bầu nhà cô Huyền chưa được cô cho đến đâu, vì em còn bé, hay khóc nhè...".

9. Nên cho bé đến trường trước khi mùa tựu trường bắt đầu để trong thời gian hè bé được làm quen với đám "ma cũ" dạn dĩ, nhờ đó mà tránh được chuyện a dua khóc lóc với lũ "ma mới" trong những ngày đầu tựu trường.

10. Trước khi gửi bé đi, mẹ cần luyện cho bé biết tự xúc ăn, tự uống nước bằng cốc cũng như tự ngồi bò được. Tốt nhất là chờ bé được hai tuổi hãy cho "nhập ngũ", bởi tuổi đó bé mới có thể nói năng rõ ràng, biết đòi uống nước hay đi tè. Khi về nhà bé cũng biết... mách mẹ mọi chuyện để  mẹ còn xử lý kịp thời.

Theo Gia đình trẻ

Chia sẻ