Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 1.

Cắm cúi gõ nốt đoạn cuối cùng trong bài phóng sự, màn hình điện thoại của An vừa nhảy pop up báo tin nhắn trao đổi của đồng nghiệp, tiện báo luôn đã quá 1 giờ sáng. Giờ này ở một căn phòng khác, chồng và con gái cô đang chìm vào giấc ngủ trong những hơi thở nhẹ.

An nhấp một ngụm cafe để chống lại đôi mắt đang bắt đầu biểu tình. Trên màn hình điện thoại, những tin nhắn nhảy liên tục, vẫn là những công chuyện bài vở cần trao đổi, đôi khi là vài câu bông đùa để lũ cú đêm động viên nhau vượt qua bão tố. An biết, ở rất nhiều ngôi nhà khác trong cùng thành phố, thậm chí là thành phố khác, kha khá đồng nghiệp của cô cũng đang như mình, còn thức và đang dồn tâm trí cho những bài viết, mẩu tin cho kịp thời sự. Làm cái nghề đưa tin cho cộng đồng, An, hay bao đồng nghiệp ngoài kia phải chấp nhận các cô không có khái niệm “một ngày thong thả”.

Hành trình gắn bó với nghề “phụ nữ không nên chọn” - như cách mà chồng An đôi khi cằn nhằn - của mỗi người, mỗi khác.

Như Nga, người chị thân thiết của cô ở tòa soạn là 8 năm, Trang, cô phóng viên thời sự cô rất quý cũng gắn bó đến 6 năm. Còn An? Cô đã gắn bó với nghề năm nay vừa tròn 11 năm, từ khi bắt đầu là một cô sinh viên vừa mới ra trường.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 2.

- Lớn lên An làm gì?

- Con không biết

- Phải nghĩ từ bây giờ lớn lên còn tính chứ!

Con muốn làm phóng viên! Sau bữa cơm sinh nhật tuổi 22 của mình, An chắc nịch nói với bố mẹ về ước mơ công việc. Cô gái trẻ vừa trở về từ Hòa Bình sau một chuyến công tác 1 tuần cùng một tổ chức phi chính phủ để tìm hiểu về những hoàn cảnh khó khăn nhằm lên kế hoạch giúp đỡ họ. An đã làm cộng tác viên cho vài đầu báo từ năm 2 đại học, nhưng chủ yếu là bài dịch, tin ngắn trong thành phố. Cô vẫn tin đó chỉ là nghề làm thêm của mình cho đến chuyến đi dài ấy.

Chuyến đi cho An được nhìn thấy hoàn cảnh của mẹ con chị Hạnh, thu nhập mỗi tháng nếu chăm, chẳng thiếu ngày công nào cũng chỉ được hơn 1 triệu để lo cho 2 cô con gái. Một cô đang học lớp 12 và ước ao được vào đại học, một đang tiểu học. Bản thân cả chị Hạnh lẫn cô con gái lớn đều mắc bệnh về máu, mỗi tháng đều cần xuống Hà Nội một lần để lấy thuốc điều trị.

Hay An từng nhìn ngôi nhà đã xiêu vẹo như thể nếu mưa to gió lớn vài hôm cầm chắc đến cả vách đất cũng chẳng còn của bà Bình, ông Phong, khiến cô thấy nghề phóng viên, làm báo nhất định là nghề mình phải chọn. Cô muốn mình sẽ góp được một phần nào đó, như bằng ngòi bút của mình để giúp đỡ những cảnh đời khốn khó được sống bớt khổ hơn.

An nói với bố mẹ, sự quả quyết, tự tin ngập tràn trong ánh mắt cô, nhưng ông Dũng lên tiếng phản đối kịch liệt. Ông đã xin cho An một chân nhân viên truyền thông trong một công ty lớn, lương cao, lại có người thân nên việc chắc chắn nhàn. Chẳng phải ông ghét bỏ nghề báo, mà ông thừa hiểu, cái nghề này nó vất. Càng vất hơn với mấy cô con gái như An. Thân làm cha, đương nhiên ông không muốn cô con gái độc nhất của mình phải nắng mưa, vất vả, đặng sau này còn chồng, còn con.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 3.

Vậy là bữa tiệc sinh nhật tan tành. Lần đầu tiên trong đời, cô con gái luôn “gọi dạ bảo vâng” không nghe lời bố mẹ, từ chối một công việc truyền thông an nhàn lương cao được sắp sẵn cho mình để theo nghề báo, chỉ bởi cô chọn đam mê.

Một ngày tháng 6, sau gần 3 tháng đấu tranh với bố mẹ, An danh chính ngôn thuận xuất hiện ở một tòa soạn với tư cách phóng viên. Tờ báo của cô mới mở, chuyên dành cho phụ nữ. Họ nhận An khi bài phóng sự ở Hòa Bình của cô được đăng tải.

Tòa soạn của An nhỏ xíu, tất cả chỉ có chưa đầy 15 người, đa phần đều là phụ nữ, trẻ và thân thiện. Nhưng công việc của An lại không "thân thiện" như thế. Thời gian còn làm CTV, cô có thể làm theo cảm hứng, nhưng khi coi đây là công việc chính thức, An không nhàn như thế. Tin tức thì luôn vận động chứ nào nó nghỉ ngơi đợi mình cơm nước, hay đợi mình có hứng thì mới xuất hiện đâu. Chính thức làm báo, An buộc phải chấp nhận việc mình phải hoạt động gần như 24/7, kể cả lúc đang buồn hay vui tươi bất ngờ.

Đã vài lần An bật khóc vì công việc. Lần thì nhân vật bỏ bom để cô chờ suốt 2 tiếng dù đã hẹn trước rất rõ ràng. Tuy không nói huỵch toẹt nhưng người ta chê báo của cô chưa đủ cái gọi là danh tiếng.

Lần gần đây nhất là cô bị sếp mắng vì bài viết ngô nghê như một đứa trẻ. Tại sao đi làm bao lâu vẫn mắc lỗi sơ đẳng này. Sau lần bị bố mẹ mắng vì kiên quyết theo nghề báo, đây là lần đầu tiên cô gái trẻ bị mắng nặng nề đến thế.

Nhưng nỗ lực và sự nghiêm khắc có cái giá của nó. Những bài báo của An bắt đầu được sếp khen. Một số bài rất viral trên mạng xã hội, và quan trọng hơn, những gì cô và đồng nghiệp làm đã đem lại một số biến chuyển tích cực dù ít hay nhiều. Một bài viết sau khi được đăng tải đã giúp gia đình nọ - đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ - quyết định hàn gắn lại với nhau.  

Với người làm báo, điều hạnh phúc nhất không hẳn là đưa tin nhanh nhất nhưng chắc chắn những bài báo ý nghĩa, có tác động tích cực sẽ khiến bất cứ tác giả nào được tự hào và nó chính là nhiên liệu đắt giá nhất cho lửa đam mê.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 4.

Quy mô Tòa soạn ngày càng rộng mở, công việc của An ngày càng bận rộn. Áp lực đề tài, KPI cũng khiến cô và đồng nghiệp hoa mắt. Rồi theo thời gian, lộ trình cuộc sống của từng con người cũng phải đến những mốc thay đổi. Người kết hôn, người nghỉ thai sản, người đã tới kỳ sinh. Có những người nghỉ xong không quay lại làm việc nữa. Có người sau 6 tháng thai sản, quay trở lại đã là một phiên bản hoàn toàn khác: đôi phần mệt mỏi hơn thời son sắc độc thân.

Đam mê của những người từng đắm say công việc, từng cày đêm cày ngày, nắng mưa chẳng ngại dường như bị chia bớt nhiều cho câu chuyện bỉm sữa. Thời gian không dành hết cho công việc được, tâm trí cũng vậy. Ngay cả những người từng sống chết với nghề như cô cũng bị giảm lửa. Bùng cháy làm sao nổi khi xung quanh nhiều sự dầm dề.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 5.

Không giảm sao được, khi đang đi lấy tin nghe cuộc điện thoại ở nhà báo con sốt, đang cố gắng cày khuya, ngồi gõ chữ mà chồng lượn ra lượn vào cằn nhằn cắn cảu. Khi cuối tuần, lễ Tết cũng chẳng khác ngày dưng. Giỗ chạp người ta lăn vào bếp, sắp xếp bàn ghế cùng gia đình đón tiếp khách khứa, còn An lục đục ngồi bên máy tính, hoặc khá hơn là ôm điện thoại check dòng tin tứ phương đổ về.

Bố mẹ hai bên dằn sự hờn mát “bận thế này chắc kiếm nuôi cả họ". Mẹ chồng mách “ở nhà nó chẳng làm gì ngoài tắm cho con, cho con ăn, ngủ với con và việc cơ quan, tôi làm hết như con osin già”. Bố mẹ đẻ cũng chả khá hơn “đấy tao bảo làm việc nhàn thân không làm, lại cứ thích đam mê cơ”.

Lại một tháng 6 tới, An đã vật vã trôi qua giai đoạn không tiến - không lùi ấy được 2 năm. Những bài viết của cô không dở, nó vẫn đọc được và vẫn được xuất bản lên trang đều. Nhưng nó cũng chẳng hay đến mức An yêu thương gọi nó là “tác phẩm”, là đứa con tinh thần mình từng chăm chút kỹ càng nữa. Cô không thăng tiến, không học thêm được nhiều điều từ nghề, cũng không thất nghiệp, vì những kinh nghiệm sống và kỹ nghệ chữ nghĩa vẫn khiến cô được việc.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 6.

An vẫn kiếm được tiền, nhưng những bữa cơm do cô tự tay nấu gần như không xuất hiện, những buổi tối con ôm chân nài nỉ “mẹ đừng xem máy tính nữa, chơi với con đi” trong khi chồng lang thang đi chơi đâu chẳng rõ. Những buổi đêm cô bật cười vì những dòng chat của hội cú đêm, chồng đeo headphone nghe nhạc, quay lưng về phía vợ, cho đến khi An tạm xong việc của một ngày, quay sang thì chồng đã ngủ từ lâu.

Rồi sáng nào An cũng đến tòa soạn với gương mặt phờ phạc, nhàu nát vì thức đêm, vì check camera xem con trên lớp học hành thế nào, vì đã từ lâu, cô không có một ngày nghỉ thật sự… Tất cả quấn vào nhau trong một sự rối bời, cũ mòn, chẳng ra bế tắc cũng chẳng hẳn là thông suốt, nó làm An hoang mang vào lựa chọn của chính mình. Đồng nghiệp từ những ngày đầu, nhiều người đã rời đi để chọn nơi khác, nghề khác nhàn hơn. An cũng bị dao động mạnh và bắt đầu nghĩ đến chuyện, nếu bỏ việc, cô sẽ làm gì.

Người ta hay bảo: “Nghề báo là cái nghề bạc hơn cả vôi”. Và đôi khi trong lúc yếu lòng, An thấy cái nghề cô chọn nó bạc thật. Nó bạc với cô, với gia đình cô. Nhưng nó không bạc với xã hội. Thế nên, An tặc lưỡi tiếp tục công việc, nghiên cứu tìm cho mình phương án cân bằng giữa cuộc sống và cái bàn phím.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 7.

Hôm ấy, An về quê giỗ ông ngoại. Con đường cô thuộc làu từ bé và đi hàng trăm lần bằng xe máy, hôm nay đổi bằng đi xe bus vì chồng đã đưa con về trước. Ngồi trên xe bus, không phải lái xe, An thong thả ngắm con đường quen thuộc và phát hiện ra, nó đã thành đường lạ từ bao giờ. Những dãy nhà mạnh ai nấy xây nay được quy hoạch lại sau giải tỏa trông rất ra dáng đô thị mới. Những ổ voi, thay bằng đường nhựa.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 8.

Chưa đầy 1 năm, mọi thứ đã khác. Trong một tích tắc, An nhận ra chỉ có cô là đã quá lâu không… có gì khác.

An đi quen một con đường đến nỗi không nhận ra nổi mình đã cũ nhàm từ bao giờ. Cô sợ thay đổi và đôi khi khó chịu với cái mới theo đúng tâm lý số đông luôn cảnh giác. Nhưng đến chính cô cũng bức bối với cái sự nửa nạc nửa mỡ của mình, thế là cô đòi phải thay đổi đủ thứ, nhưng dường như lại quên thay đổi chính mình.

An đòi chồng phải đưa con đi học sớm, đón con về sớm cho đỡ nhớ bố mẹ, nhưng cô vẫn ôm việc ngày đêm. An muốn hóa điên vì chồng cứ tối là bỏ đi chơi để cô vừa làm vừa xoay sở với con nhỏ, đêm thì xem phim, nghe nhạc gì đó mà không nói với vợ câu nào, nhưng cô quên khuấy bấy lâu cô cũng chẳng dành thời gian cho anh, ngoài việc than thở bận bịu, hay cáu bẳn mỗi khi ai đó trong nhà xen vào mối quan hệ giữa mình và cái máy tính.

An phát quạu với đồng nghiệp vì teamwork kém, làm việc không có tâm, nhưng rồi An nhận ra, cô cũng không khác họ là mấy, khi ngày ngày vẫn kể những câu chuyện A, A’, A’’... na ná nhau rồi chê cuộc đời nhạt thế. Sau đó mặc kệ, chả có gì khác biệt hay đổi thay.

Cô nhớ An nhiệt huyết xông pha ngày mới vào tòa soạn, nhớ việc mình đã đấu tranh với bố mẹ, với gia đình mạnh mẽ thế nào để được theo nghề. An nhìn sâu vào trái tim mình, tự hỏi mình thực sự muốn gì, đam mê gì. An thích nấu nướng một chút, thích làm vườn một chút, thích kinh doanh một chút, thích viết sách một chút, cũng hơi tiếc việc mình từ chối suất ở lại trường làm giảng viên trẻ mà cô đã bỏ qua 10 năm trước.

Nghĩ một hồi, An phát hiện ra cô không đến với nghề báo như một "chọn lựa nông nổi", như có lần cô nói với bạn bè mình - những người cùng khóa giờ đã thành đạt cả; không làm báo vì cuộc đời xô đẩy như chồng cô đôi lần gièm pha… 

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 9.

Cô say mê nghề này vì cô ham viết, thích lắng nghe những tâm tư của người lạ, thích là người kể chuyện… An hiểu rằng, đây chính là thời điểm cô cần thay đổi, đổi mới phương pháp làm việc khoa học hơn, nhìn nhận vấn đề rộng và mới hơn để được sống chính là mình và có ý nghĩa với sự nghiệp.

Điều mệt mỏi nhất, chính là cuộc đấu tranh nội tại với chính mình. Bạn không thể là người chiến thắng nếu luôn nghĩ như kẻ thua cuộc, khi chưa gì đã ngại khó, khổ, gạt phăng đi cái mới chỉ vì nó lạ. Bạn luôn ở 1 chỗ? Cũng không sao, thậm chí còn rất an toàn, ngoại trừ việc bạn đứng yên còn xung quanh bạn mọi thứ đều chuyển động.

Có thể tiến lên, có thể thụt lùi, nhưng ít nhất là đã dịch chuyển và thay đổi. Quan trọng hơn là dám thử. Như cung đường về quê mà An đã đi suốt bao nhiêu năm. Nhưng nếu ngày nào cô cũng mải lái xe, có lẽ An không bao giờ biết đằng trước, đằng sau thế nào. Và nếu không có lần đi xe bus, chậm rãi ngắm nghía, có lẽ An cũng chẳng nhận ra, cung đường này nó rất khác từ lâu rồi.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 10.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 11.

Có một người bạn thân đã kể An nghe câu chuyện về sự “lột xác” của đại bàng. Chuyện rằng, “chúa tể bầu trời” sẽ bắt đầu lão hoá ở năm 40 tuổi. Khi đó, móng vuốt đại bàng dài ra và không còn linh hoạt để có thể quắp mồi được nữa. Chiếc mỏ dài và sắc bén của nó cùn đi, cong lại. Đôi cánh già nua, nặng nề, bộ lông mọc dài, bết dính khiến cho nó không thể bay cao, không lượn chính xác để săn mồi. Lúc này, nó đứng trước hai lựa chọn: Chịu chết hoặc vượt qua một quá trình biến đổi đau đớn kéo dài 150 ngày để tái sinh.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 12.

Trong tiến trình "lột xác" đó, đại bàng bay lên một đỉnh núi cao, trú ẩn trong tổ và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra. Đại bàng phải chờ mỏ mới mọc ra, cọ mỏ non vào vách đá hay thân cây để thêm cứng và sắc hơn, sau đó dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn.

Sau đó nữa, con chim dùng mỏ và vuốt nhổ hết lớp lông đã già trên mình như một hình thức "lột da", chờ đợi lông mới trổ ra. Đó sẽ là thời gian đại bàng phải chịu đói vì không thể bay lượn hay săn mồi. Quá trình nhổ lông cũng khiến đại bàng phải chịu nhiều tổn thương, đau đớn, thậm chí có thể khiến nó mất mạng vì chảy máu hay nhiễm trùng. Nhưng nếu vượt qua được, 150 ngày sau, đại bàng có thể bay lượn với bộ cánh mới, chào mừng cuộc đời một lần nữa và sống thêm 30 năm.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 13.

Để sống tiếp, đại bàng phải bỏ qua ý niệm về những ngày tháng làm chủ bầu trời. Giống như An phải quên đi hào quang cũ khi mới vào nghề, như chúng ta muốn phát triển, bước sang một trang cuộc đời mới thì phải thay đổi, dám dấn thân và mạo hiểm. Cuộc sống vận động mỗi ngày. Nếu ta chỉ ở nguyên trong lớp vỏ an toàn, sớm muộn ta sẽ “cũ” đi, dù có thể chưa thực sự già lắm. Ta cũng quên mất việc mỗi người đều có nguồn nội lực và tiềm năng phát triển cao hơn rất nhiều những gì chúng ta nghĩ.

Câu chuyện là, chúng ta đôi khi phải loại bỏ những ký ức, thói quen và lối mòn cũ, phải thoát khỏi gánh nặng của quá khứ để có thể sống hết mình với hiện tại. Đại bàng yêu bầu trời, yêu vị thế thống trị của nó, nhưng phải trải qua một quá trình tái sinh cận tử để tìm lại bản sắc của mình. An yêu công việc, nhưng cứ ôm mãi hào quang của ngày hôm qua, hoặc làm-việc-để-duy-trì như cô đang làm, chẳng chóng thì chày cô sẽ bị đào thải.

Cái An cần làm ở đây là tự mình mài móng nhổ lông của chính mình. An chấp nhận trong một vài tháng tới, những dự định của cô sẽ không đem lại kết quả như mong muốn, thu nhập của cô cũng chẳng ổn định như năm tháng nhạt nhoà đã qua. An muốn làm cái mới, và muốn người khác tiếp nhận cái mới của cô. Nhưng chẳng việc gì bắt đầu mà lại suôn sẻ cả, ai cũng e dè cái mới, phải mất thời gian, công sức, mồ hôi, thậm chí là nước mắt cho sự ấm ức bản thân. Tuy nhiên, ít nhất, An sẽ được vẫy vùng.

Vì gông cùm đã xích An lại quá lâu trong cái gọi là thoải mái an toàn. Phụ nữ hiện đại như An, sao lại ngại khó, ngại khổ?

Cái khó khổ nhất, An cũng đã vượt qua để được đến với nghề.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 14.

Học đại bàng cách đối diện với giông bão cuộc đời: Tự đập mỏ, giật lông để tái sinh hay là chết trong vô vị?  - Ảnh 15.


Hà Trang
Hồ Nhật Anh
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ