Ấm nồng hương vị chuối xiêm nướng

,
Chia sẻ

Hai má con kề sát bên nhau bên bếp lửa hồng ấm áp, phảng phất mùi thơm của chuối nướng.

Vì sinh kế, gia đình ba má tôi rời quê lên thành phố. Với đồng lương công nhân “ba cọc ba đồng” phải nuôi 4 đứa con trong độ tuổi ăn học, nên cuộc sống gia đình khá chật vật. Để có đồng ra đồng vào, má tôi đi bán chuối xiêm nướng vào ban đêm.

Tôi còn nhớ, chị Hai tôi lúc bấy giờ đang học lớp Nhất (tương đương lớp 5 ngày nay). Nhận thức được sự vất vả, cơ cực của ba má, chị đành nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhìn đứa con gái đầu lòng còn nhỏ tuổi phải dang dở việc học, ba má chỉ biết cúi mặt, nuốt nước mắt vào trong vì “lực bất tòng tâm”! Riêng tôi, lúc nầy đang học lớp Nhì (tương đương lớp 4 ngày nay).

Chuối xiêm nướng. Ảnh: Tương Tâm
 
 
Cứ mỗi tuần vào sáng chủ nhật, ba chở má vượt hơn 3 km đường quốc lộ về quê đốn chuối cho má bán. Tuy là món ăn vặt rất bình dân, vốn liếng ít nhưng má vẫn phải chuẩn bị quần quật trước cả buổi chiều.

Má phân công chị Hai phụ trách phần thắng nước cốt dừa, làm mỡ hành và rang đậu phộng. Má dặn đi dặn lại chị phải làm món nước cốt dừa sao cho sệt, béo, ngọt đậm đà và thêm bột báng vào.

Má lại chỉ dẫn chị làm thế nào khi bỏ bột báng vào nước cốt dừa không bị vón cục hay tan ra. Theo má, bột báng phải ngâm trước với nước ấm ít phút cho mềm, dùng vợt vớt ra để ráo. Chờ nước cốt dừa sôi bùng mới thả bột báng vào, nhớ dùng vá đảo đều cho đến khi bột báng có màu trắng trong, nước cốt dừa sền sệt là chín.

Khi các thứ đã chuẩn bị xong (nước cốt dừa, mỡ hành để sẵn ra keo; đậu phộng giã giập để sẵn ra chén); phần việc còn lại của má là sắp xếp dĩa, muỗng, lá chuối tươi lau sạch, cắt từng miếng vuông (kích cỡ khoảng 6 x 6 cm) xếp sẵn, cùng những nải chuối xiêm chín hườm cho vào quang gánh thứ nhất. Đầu gánh còn lại, má đặt chiếc thau nhôm cũ đựng cát phía dưới, phủ ít tro lên phía trên làm bếp nướng, cùng với một túi nylon đựng than đước vụn.

Tôi tò mò hỏi má tại sao có lá chuối nữa, má ôn tồn giải thích: “Muốn chuối nướng chín ngọt, không chát, có màu vàng nâu trông phát thèm, ta phải bọc lá chuối trước khi nướng, chuối chín đều mới ngon!”…

Mỗi chiều đến, khi cả nhà ăn cơm xong, má chuẩn bị quang gánh ra ngồi nơi vỉa hè dưới ánh đèn đường để bán. Tôi lẽo đẽo theo sau má, tay xách những chiếc ghế cóc cho khách ngồi và tiếp má những công việc lặt vặt…

Lửa hồng đã chuẩn bị, tay má thoăn thoắt cắt những trái chuối xiêm hườm ra lột vỏ và quấn xung quanh bằng miếng lá chuối để lên bếp than với độ lửa nhỏ, đến khi phần lá chuối phía dưới cháy trèm trèm, má nhanh tay trở phần trên xuống, và khi thấy hai phần cháy xém đều nhau, má gỡ lá chuối ra tiếp tục nướng đến khi trái chuối chuyển sang màu vàng nâu là xong.

Sau đó, má đặt trái chuối đã nướng chín lên tấm thớt, ép nhẹ chuối xuống cho hơi dẹp, và xếp những trái chuối đã nướng chín ra bên rìa vỉ để giữ nóng. Có khách đến mua, má nhanh tay lấy dĩa gắp chuối, chan nước cốt dừa lên mặt chuối cùng ít đậu phộng rang giã giập, đôi khi khách thích ăn với mỡ hành thì chan mỡ hành.

Công việc hàng ngày của má cứ thế trôi qua đều đặn, và chắc cũng nhờ trời Phật phò hộ, gánh chuối nướng của má hàng đêm ít khi bị ế hàng. Và sáng ra, anh em chúng tôi có một ít tiền quà vặt trước khi đi học.

Nhớ có những đêm mưa tầm tã, má cùng tôi phải dọn dẹp quang gánh tá túc dưới mái hiên nhà của người dân bên đường. Hai má con kề sát bên nhau bên bếp lửa hồng ấm áp, phảng phất mùi thơm của chuối nướng. Hồi tưởng những ký ức này khiến tôi không ngăn được dòng nước mắt tuôn trào, những trái chuối xiêm nướng trên vỉ kia là những vòng tay nồng ấm, yêu thương vỗ về của má, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn con – trong đó có tôi – được khôn lớn và thành đạt như ngày hôm nay.
 
 
Bài và ảnh Tương Tâm
SGTT
Chia sẻ