"Ba ơi, mình đi đâu?" - tình yêu vĩ đại của người cha không hoàn hảo

Libra,
Chia sẻ

Một câu chuyện chạm đến sâu thẳm trái tim của những người làm cha, làm mẹ; khiến bạn phải bật khóc trong những dòng chữ hài hước nhưng xót xa.

Ba ơi, mình đi đâu?” là một trong những cuốn sách hiếm hoi mang đến cho tôi những cảm xúc trái ngược đến độ khiến tâm can day dứt, dù rằng những trang viết ấy, khi mới đọc lướt qua lại rất nhẹ nhàng.  

Jean-Louis Fournier là một nhà văn, một đạo diễn truyền hình người Pháp. Gặt hái được thành công với nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng mãi đến năm 70 tuổi, ông mới dành thời gian viết một cuốn sách kể lại về hành trình làm bố của chính mình như một món quà dành tặng riêng cho hai người con trai đã mất. Đó là những đứa trẻ sinh ra với cơ thể tật nguyền, những đứa trẻ đã mang đến cho Jean-Louis Fournier “hai ngày tận thế” trong cuộc đời. 

ba-oi-minh-di-dau-4

Đôi lúc tôi đặt mình vào vị trí của ông, để tự hỏi lòng: còn gì thất vọng và buồn hơn khi sinh linh mình hoài thai lúc chào đời mạnh khoẻ nhưng khi đứa trẻ khác bi bô tập nói, tập đi thì con mình vẫn chẳng khác gì lúc chúng vài tháng tuổi? Khi đứa trẻ khác phát triển trong một cơ thể khỏe mình thì đứa con mình lại mềm nhũn, èo ọt trong hình hài dị dạng như một con búp bê không xương sống? 

Nếu nuôi dưỡng một đứa bé bình thường, bạn cần kiên nhẫn một, thì nuôi đứa trẻ tật nguyền, bạn phải kiên nhẫn mười. Mà Jean-Louis Fournier tự thừa nhận: “Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần!”. 

ba-oi-minh-di-dau-1

Khi nói về những đứa trẻ tật nguyền, người ta thường tỏ vẻ nghiêm trọng hưng với Jean-Louis Fournier, ông đã dùng tất cả tấm lòng yêu thương lẫn sự trân trọng của một người cha, để kể về những đứa con khiếm khuyết bằng một giọng văn nhẹ nhàng, thậm chí là hài hước. Ông không muốn phủ một màn đêm u ám, tê tái, đầy thương hại lên bóng hình những đứa trẻ đã khuất. Nhờ vậy hình ảnh hai cậu bé Mathieu và Thomas hiện ra qua ngòi bút miêu tả của cha mình ngây thơ và đáng yêu đến lạ!

Mathieu mất khả năng tư duy, luôn lảng tránh và cô độc với thế giới. Điều duy nhất cậu có thể làm là ném một quả bóng nhỏ đi thật xa và nhìn ai đó khẩn cầu lấy giúp. Thomas cũng giống anh trai, không có cơ hội lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần. Cậu bé ngày ngày già nua, còm cõi trong lớp áo định hình mạ crom do không thể đứng thẳng trên đôi chân. Từ lúc bước chân lên chiếc Camaro, nó chỉ luôn miệng hỏi: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Dù lặp lại cả trăm lần, thậm chí khi người cha mất kiên nhẫn, mệt mỏi trả lời: “Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục” thì Thomas vẫn ngơ ngẩn: “Ba ơi, mình đi đâu?”. 

ba-oi-minh-di-dau-2

Một câu hỏi triền miên không lời đáp. Jean-Louis Fournier và đứa con của mình dành cả cuộc đời để nghi vấn về một hành trình không điểm xuất phát và cũng không có hồi kết. Thật ra, “ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à”. “Ba ơi, mình đi đâu?”, một câu hỏi tưởng chừng giản đơn nhưng khi thốt ra hàng trăm lần từ ngày này sang tháng khác của đứa trẻ thiểu năng cho đến khi cậu bé từ giã cõi đời khiến người đọc day dứt mãi khôn nguôi… 

Vốn là một nhà văn trào phúng bậc thầy, Jean-Louis Fournier có tài năng thiên bẩm trong việc “biến nước mắt thành nụ cười”. Ông hồi tưởng lại ký ức bằng những điều giản dị, bằng những hạnh-phúc-kỳ-lạ mà các con mang lại. Ông và vợ nhìn nhận “mình có lợi thế hơn so với những bậc phụ huynh có con cái bình thường”. Họ không phân vân định hướng ngành học cho con, không lo lắng về nghề nghiệp sau này của chúng, lại được miễn phí giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô vì là cha mẹ của những đứa trẻ tật nguyền. “Nhờ các con, ba đã có thể phóng trên những chiếc ô tô cỡ lớn của Mỹ”. 

ba-oi-minh-di-dau-3

Những trang viết của Jean-Louis Fournier đọc qua có thể khiến người ta mỉm cười nhưng cuối cùng nó lại khiến người ta rơi nước mắt. Tác phẩm cho người ta thấy một khía cạnh rất khác của tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý: Đó là cha cũng chỉ là một người bình thường, hành động của cha có lúc lạnh lùng, tình yêu của cha có lúc chẳng hoàn hảo, nhưng cha vẫn sẵn sàng nhẫn nại với con từng chút, từng chút một, cho dù con chẳng phải đứa trẻ bình thường, cha vẫn luôn đối xử với con bằng một tình yêu bình thường. Và đó thực sự là một thứ tình cảm vĩ đại và đáng quý nhất trên đời.

Chiến dịch “Bàn tay của bố” – một chiến dịch đầy cảm hứng và yêu thương của We are family 2015.

Bạn cũng có thể đồng hành cùng chúng tôi bằng cách:

- Tham gia hoạt động “Ngàn cam kết – Triệu sẻ chia” một hoạt động kêu gọi đàn ông Việt, đặc biệt là các ông bố cùng ký cam kết tham gia chia sẻ việc nhà và việc nuôi dạy con cùng với vợ mình.

- Chờ đợi tham gia một cuộc thi với tổng giá trị giải thưởng lên tới 100.000.000 đồng khởi động từ ngày 11/7/2015.

- Chào đón một cuốn sách vô cùng thú vị và đặc sắc phác họa hình ảnh của một ông bố Việt trẻ hiện đại và đầy tình yêu thương.

- Kêu gọi, chia sẻ trên facebook cá nhân của mình chiến dịch “Bàn tay của bố” để lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp ngọt ngào và ý nghĩa của chương trình.

Mọi thông tin về chiến dịch sẽ liên tục được cập nhật trên trang web http://waf.afamily.vn/

Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những chia sẻ bài viết, hình ảnh và thông tin của tất cả các bạn.

Chia sẻ