Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn nặng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Bé trai người dân tộc Raglai bị tai nạn giao thông nặng suốt 2 tháng trời nhưng không có điều kiện chuyển lên tuyến trên. Nếu không được chữa trị kịp thời, bé có nguy cơ tàn phế.

Đó là trường hợp của em B.B.M.Đ. (15 tuổi, quê Khánh Hòa, dân tộc Raglai).

Theo bệnh sử, cách đây gần 2 tháng B. bị tại nạn lưu thông nặng, gãy hở mất đoạn xương đùi, gãy 2 xương cẳng chân.

Bệnh nhân đã được mổ cắt lọc đặt cố định ngoài tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng cần phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật. Nếu không điều trị kịp thời, khả năng bé B. sẽ tàn phế.

Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Cậu bé bị thương nặng ở chân sau tai nạn giao thông.

Giữ lúc mọi thứ tưởng chừng bế tắc, các bác sĩ tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM từ Sài Gòn trực tiếp về miền Trung để chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật chấn thương chỉnh hình theo đề án vệ tinh giữa 2 BV.

Nhờ vậy, B. được nhiều chuyên gia trực tiếp đảm nhận.

Sau khi hội chẩn, bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn cùng các cộng sự từ 2 BV quyết định sẽ phẫu thuật cho B. trực tiếp tại BV.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 2.

Bệnh nhân được mổ ghép xương và cố định 2 xương đùi.

Bệnh nhân được mổ ghép xương và cố định 2 xương đùi, cẳng chân bằng nẹp thành công. Hậu phẫu, bé đã ngồi dậy đi nạng được và vận động gối tốt.

Bác sĩ Phan Hữu Chính, Giám đốc BV đa khoa Khánh Hòa cho biết từ ngày 26-28/6/2020, đoàn chuyên gia Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM phối hợp với bác sĩ tại BV đã điều trị thành công nhiều ca chấn thương chỉnh hình phức tạp.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 3.

Chân của cậu bé 15 tuổi sau khi được bắt nẹp.

Các ca mổ là hoạt động chuyển giao kỹ thuật điều trị thường niên theo đề án "BV vệ tinh" giữa 2 đơn vị.

Qua hơn 10 năm tiếp nhận các kỹ thuật, 1.100 ca thay khớp, 320 ca điều trị nội soi một số bệnh lý về khớp, gần 400 ca vi phẫu được thực hiện thành công.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 4.

Các bác sĩ 2 BV cùng nhau phối hợp phẫu thuật trong lần chuyển giao kỹ thuật này.

Ngoài ra, 2 BV đã phối hợp phẫu thuật hơn 450 ca mắc các bệnh lý khó về cơ, xương, khớp cho người dân ngay tại địa phương.

Các bác sĩ chuyên gia từ TP.HCM đã giúp cho bác sĩ tại địa phương học tập kinh nghiệm tại chỗ. Bệnh nhân không cần tốn kém chi phí để di chuyển đến tuyến trên mà vẫn được hưởng những phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 5.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh (bìa trái) thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Đình Thành, trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình tổng quát, BV đa khoa Khánh Hòa cho chia sẻ thêm, lần chuyển giao này sau khi khám sàng lọc hơn 100 ca, ekip của 2 BV đã chọn lọc 42 ca khó, có nhiều chấn thương phức tạp để điều trị.

Theo đó, các bác sĩ đã tiến hành thay khớp háng, khớp gối 9 ca, nội soi khớp 10 ca, thực hiện 7 ca chỉnh hình nhi, vi phẫu tạo hình 10 ca, phẫu thuật kết hợp xương phức tạp 6 ca.

Bác sĩ Sài Gòn cứu bé trai nhà nghèo ở Khánh Hòa thoát viễn cảnh tàn phế sau 2 tháng bị tai nạn giao thông - Ảnh 6.

Việc chuyển giao kỹ thuật giúp các bệnh nhân có thêm hi vọng điều trị mà không phải lên tuyến trên.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, vì là BV chuyên khoa hạng I tuyến cuối của tất cả các tỉnh phía Nam, BV luôn chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho các BV bạn.

Điều này ngoài để giúp đỡ chuyên môn cho các bác sĩ vùng xa, giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị thì cũng để giảm quá tải tại tuyến trên.

Chia sẻ