Bao nhiêu độ là sốt?

Lam Nguyn/VTC News,
Chia sẻ

Dưới đây là những điều bạn cần biết về hiện tượng bị sốt và cách giảm sốt nhanh, hiệu quả.

Sốt là gì?

Sốt là hiện tượng khi mà thân nhiệt cơ thể tăng cao so với mức bình thường. Hiện tượng sốt xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em với những triệu chứng khác nhau. Vậy, bao nhiêu độ là sốt ở người lớn, và bao nhiêu độ là sốt ở trẻ em?

1. Sốt ở trẻ em

Nếu trẻ sốt 37,5 độ C vẫn hoạt động và vui chơi bình thường thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao trên 38.5 độ C và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

Bé sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.

Khó thở, buồn nôn, li bì.

Sốt cao co giật.

Nổi ban khắp người.

Đi ngoài phân lỏng, có lẫn máu.

Sốt cao trên 40 độ C. Lúc này nên đưa bé đi bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Bao nhiêu độ là sốt? - Ảnh 1.

Sốt ở trẻ nhỏ

2. Sốt ở người lớn

Ở người trưởng thành, nhờ sức đề kháng cao và hệ miễn dịch tốt hơn trẻ nhỏ nên nếu thỉnh thoảng bị sốt cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên bạn cũng không nên chủ quan khi sốt cao, vẫn có nguy cơ biến chứng nếu không tích cực chữa trị. Các trường hợp cần gặp bác sĩ đó là:

Sốt cao trên 38.5 độ C dù đã dùng nhiều thuốc hạ sốt nhưng vẫn không thuyên giảm.

Sốt cao kéo dài 48 giờ trở lên.

Người mắc bệnh nền về tim, phổi.

Đau họng, ho nhiều không dứt.

Da phát ban hay xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể.

Bao nhiêu độ là sốt? - Ảnh 2.

Sốt ở người lớn

Vậy làm sao để giảm sốt nhanh và hiệu quả?

3. Cách giảm sốt nhanh và hiệu quả

Về cách điều trị :

Để người bệnh nằm ở nơi thông thoáng, không có gió lùa và hạn chế nhiều người vây quanh. Cơ thể không nên mặc quá nhiều quần áo, đắp nhiều chăn. Nên để người bệnh ở trạng thái thoải mái nhất có thể.

Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của cơ thể. Có thể đặt nhiệt kế ở dưới nách hoặc ở hậu môn của bệnh nhân. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của bệnh nhân áp sát vào ngực.Cứ 3 - 4 tiếng nên kiểm tra nhiệt độ một lần.

Trong quá trình hạ sốt nên tích cực cho người bệnh uống nhiều nước để bù lượng nước mất đi. Với trẻ nhỏ còn bú mẹ thì mẹ cần tăng cữ bú nhiều hơn. Có thể cho bé uống oresol để bù điện giải.

Về dinh dưỡng:

Người bị sốt vẫn cần hấp thu đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục nhanh. Nên ăn những loại thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo, súp, canh hầm… đồng thời uống các loại nước trái cây giàu vitamin C như cam, chanh…

Sốt uống nước dừa được không? Nước dừa chứa nhiều dinh dưỡng cũng như giúp bù điện giải rất tốt, do đó rất phù hợp với người bị sốt.

Khi bị sốt do nhiễm virus thì không nên uống kháng sinh, việc điều trị sốt tập trung vào giảm mức độ của các triệu chứng.

Khi những cách hạ sốt trên không hiệu quả, tốt nhất nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế thăm khám và các bác sĩ sẽ đưa ra những hướng điều trị phù hợp nhất.

Trên đây là những thông tin về sốt mà bạn cần biết và cách hạ sốt an toàn. Mong rằng qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về cách xác định sốt cũng như biết phải làm gì khi bị sốt rồi nhé!

Chia sẻ