Báo quốc tế: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng chống dịch Covid-19, tất cả là nhờ 3 yếu tố sau

JD,
Chia sẻ

Thậm chí, khả năng xử lý dịch bệnh của Việt Nam được đánh giá là tốt hơn cả New Zealand - quốc gia đứng top 1 danh sách chống dịch Covid-19 thành công của thế giới.

* Lược dịch theo bài viết của phóng viên Bre'Anna Grant, đăng tải trên Business Insider

Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cho thấy mỗi quốc gia có cách đối phó của riêng mình, và có những nước đã làm tốt hơn phần còn lại. Những quốc gia và vùng lãnh thổ như New Zealand, Úc, Đài Loan (Trung Quốc) là các ví dụ điển hình.

Tại New Zealand, từ trước khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, họ đã tiến hành lệnh hạn chế nhập cảnh với những người đến từ Trung Quốc đại lục từ ngày 3/2/2020. Úc thậm chí còn đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn, chỉ cho phép công dân di chuyển trong phạm vi chưa đầy 5km quanh nhà mình. Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), trải nghiệm đau thương từ dịch SARS vào năm 2003 đã khiến họ trở nên cảnh giác cao độ ngay từ đầu đại dịch.

Và còn Việt Nam nữa - hiện tại mới ghi nhận dưới 2.400 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong. Vấn đề là quy mô dân số của Việt Nam lên tới 97 triệu người, lại có địa thế khá "phức tạp" khi chung đường biên giới với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Vậy mà ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 2 về khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chỉ sau New Zealand - theo chỉ số do Viện Lowy công bố mới đây.

 - Ảnh 1.

Ảnh: Getty

Lần vết và chống dịch quyết liệt ngay từ sớm

Tháng 1/2020, Việt Nam đã tiến hành bản đánh giá rủi ro đầu tiên ngay sau khi ổ dịch tại Vũ Hán được công bố. Guy Thwaites, một chuyên gia dịch tễ làm việc tại Việt Nam đã bình luận, phản ứng của chính phủ là "rất nhanh chóng và quyết liệt".

"Các trường học lập tức đóng cửa, số chuyến bay từ quốc tế chỉ còn rất giới hạn," - Thwaites cho biết. "Chính phủ đã giải quyết những điều đơn giản nhất một cách nhanh chóng."

Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp Quốc (UN) tại Việt Nam cho biết thành công của quốc gia này đến từ 3 yếu tố: lần vết nhanh, xét nghiệm chiến lược, và đặc biệt là thông điệp rất rõ ràng.

 - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Thay vì xét nghiệm toàn dân, Việt Nam chỉ xét nghiệm những ai nằm trong dây tiếp xúc với ca bệnh - nghĩa là có nguy cơ lây nhiễm. Biên giới cũng đóng cửa, và bất kỳ ai nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung tại các cơ sở của chính phủ, hoàn toàn miễn phí.

Kate Taylor - phóng viên của Insider đã ở Việt Nam hồi tháng 2/2020, thời điểm đất nước chỉ có dưới 20 ca nhiễm. Taylor cho biết cô đã chứng kiến các quy định phòng dịch được nhấn mạnh trong xã hội, bao gồm đeo khẩu trang, trang bị kiến thức về triệu chứng nhiễm virus, và kiểm tra thân nhiệt nơi công cộng.

Chưa từng phong tỏa toàn quốc

Trong một bài viết cho LHQ, Malhotra cho biết hồi tháng 2/2020, Việt Nam từng ban hành lệnh phong tỏa với một ngôi làng. Biên giới đóng cửa, các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Anh Quốc, châu Âu, và rồi trên phạm vi quốc tế lần lượt bị hủy bỏ.

 - Ảnh 3.

Ảnh: Getty

Bất kỳ đâu có ca nhiễm xuất hiện, khu vực xung quanh sẽ bị phong tỏa cục bộ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Và thay vì phong tỏa cả đất nước, Thủ tướng chính phủ chỉ ban hành lệnh giãn cách xã hội trong 2 tuần, vào tháng 4/2020.

Đến thời điểm đầu tháng 5, gần như cả xã hội trở lại cuộc sống bình thường.

"Chính phủ đã sử dụng cách tiếp cận không khoan nhượng để giải quyết virus," - Thwaites cho biết. "Những quy định phòng dịch được đưa ra là rất đơn giản, nhưng áp dụng thì không dễ. Chỉ là khi người dân tin tưởng vào chính phủ, họ sẽ làm mọi thứ."

Xứng đáng được ghi nhận

Việt Nam thực chất hoàn toàn có rủi ro trở thành điểm nóng của dịch bệnh vì quy mô dân số và địa thế. Nhưng bằng cách áp dụng những mô hình ít chi phí và các biện pháp an toàn cơ bản (rửa tay, khẩu trang), họ có thể kiểm soát virus chỉ trong vòng vài tháng ít ỏi.

Không có bất kỳ quốc gia nào với quy mô dân số tương đương xử lý tốt được như cách Việt Nam đã làm. Ai Cập - đất nước 102 triệu dân - đã ghi nhận hơn 178.000 (số liệu từ Worldometer). CHDC Congo - quốc gia nằm giữa châu Phi ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm. Dân số của họ là 89 triệu.

 - Ảnh 5.

Với việc chia sẻ đường biên giới với Trung Quốc - đất nước nơi dịch bệnh khởi phát, thành công của Việt nam xứng đáng được ghi nhận. Thậm chí theo Malhotra, cách Việt Nam phản ứng với dịch bệnh còn tốt hơn cả New Zealand.

"Để so sánh với New Zealand thì thật không công bằng," - ông nhận định. "Chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức hơn."

Người dân tại Việt Nam đang dần học cách sống chung với những điều bình thường mới. Nhưng sau tất cả, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích áp dụng.

Nguồn: Business Insider

Chia sẻ