Bắt chồng nắm "tay hòm chìa khóa"

Ngọc Duyên,
Chia sẻ

Ức chế vì bị chồng suốt ngày cằn nhằn việc chi tiêu hoang phí, tốn kém…, chị quyết định thuyết phục chồng đảm nhiệm việc nắm giữ “tay hòm chìa khóa”.

Từ ngày cưới nhau về, mặc dù tháng nào anh Năm - chồng chị Hải (TP.HCM) cũng “nộp quỹ” đầy đầy đủ nhưng chị vẫn rất khó chịu mỗi khi anh cằn nhằn rằng sao tháng nào chi tiêu cũng hao hụt, tốn kém hay chị tiêu hoang phí thế này thế kia và anh bắt đầu có biểu hiện lập quỹ đen. Ức chế vì chồng không hiểu rằng vật giá ngày càng đắt đỏ và chi phí sinh hoạt ngày tăng và tránh những xung đột nhỏ nhặt trong nhà vì chuyện tiền nong. Chị liền nảy sinh ý định thuyết phục anh làm thủ quỹ chi tiêu cho cả nhà. Hàng tháng sau khi nhận lương, chị sẽ “cống nạp” tất cả cho anh và mặc anh quản lí.

Lúc đầu anh Năm chồng chị có vẻ hứng khởi vì có thể nắm được tiền trong tay, phen này thoát khỏi ách thống trị của vợ. Nhưng từ ngày giữ tiền, anh không còn hứng thú gì nữa với quỹ đen hay quỹ đỏ, tiền hàng tháng vợ đưa đầy đủ. Tiền chợ và tiền sinh hoạt cả nhà mỗi ngày anh phát cho vợ và vợ anh cũng chẳng mảy may muốn lấy thêm. Thế nhưng từ ngày giữ quỹ, anh không còn thiết tha gì đến chuyện tụ tập ăn nhậu vì túi tiền cứ vơi đi dần, ra đường mua thêm cái gì cũng thấy xót tiền và lo lắng làm sao để sống tới cuối tháng với số lương ít ỏi ấy.
 

Mặc dù không còn là thủ quỹ của gia đình nữa nhưng chị Hải chẳng những không thấy buồn mà còn cảm thấy rất nhẹ nhõm. Ngày trước, mỗi ngày đi chợ chị phải tính toán chi li sao cho hợp lí và không thâm quỹ, mọi sinh hoạt chi phí gia đình đều phải cắt xén, chỗ này bù chỗ kia sao cho đỡ tốn kém. Có những tháng gần hết tiền chị phải thức cả đêm để tính toán suy nghĩ làm sao có thể sống hết cuối tháng, rồi còn các khoản tiền hiếu, hỷ… nhưng từ khi chồng nắm quyền tài chính, mọi gánh nặng lo toan của chị như được trút bỏ và chị cũng an tâm hơn khi thấy chồng đã biết lo toan cho kinh tế gia đình chứ không còn phó mặc cho vợ như trước.

Còn chị Minh (Đồng Nai) thì tính vốn phóng khoáng và thích cùng bạn bè đi mua sắm nên tháng nào cũng thâm hụt vào tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, có tháng còn phải vay mượn để bù vào phần thiếu. Thấy tình hình trong nhà có vẻ nguy cấp, mặc dù thương vợ nhưng anh Dũng chồng chị không thể buông xuôi cho vợ giữ tiền nữa. Sau nhiều lần phân tích và tâm sự, chị Minh cũng quyết định “đề bạt” chồng lên chức thủ quỹ.

Những ngày đầu thật sự khó khăn với chị, vì muốn mua cái gì hay thích thứ gì chị cũng phải xin anh, chờ anh ứng chi. Thứ gì vượt quá mức cho phép của anh, anh sẽ không cho chị mua. Mỗi ngày đi chợ bao nhiêu, mua gì anh đều viết ra giấy, cân nhắc kĩ lưỡng để đưa tiền cho vợ, điều đó nhiều lần khiến chị cảm thấy anh keo kiệt, ki bo, đong đếm với vợ con.

Toan đòi bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng thấy anh cũng phờ phạc vì lo cho kinh tế gia đình nên chị cùng anh cố gắng tiết kiệm, tiêu xài đúng chỉ tiêu mà anh đặt ra. Dần dần không những thói quen thích tiêu pha, mua sắm của chị giảm đi mà chị còn biết cân nhắc nên mua cái gì không mua cái gì cho gia đình. Chị chia sẻ: “Nhiều khi tôi tự ngạc nhiên rằng mình đã biết mặc cả khi ra chợ. Có lần anh đưa tôi tiền để mua sắm, nhưng tôi đã không cảm thấy phấn khởi khi cầm nó và đã đưa lại anh để tích góp cho cả hai vợ chồng. Có chồng giữ tiền, cuộc sống có phần dễ thở hơn nhiều.”

Nếu chồng của bạn muốn làm thủ quỹ, đừng ngần ngại, vì biết đâu bạn sẽ kiếm được “một trạm ATM” phát sinh lãi lí tưởng, vừa tránh căng thẳng vì lo toan tiền bạc vừa có thể kìm hãm được bản tính chi tiền vô tội vạ của mình. Tuy nhiên các ông chồng trong trường hợp này phải hết sức tâm lí để tránh nảy sinh mâu thuẫn và đảm bảo kinh tế gia đình vững mạnh.

Chia sẻ