Bắt đầu từ năm 2021, nhiều nội dung mới trong giáo dục sẽ chính thức áp dụng: Thay đổi chương trình học, thay 3 môn Lý Hóa Sinh

Hoàng Hà (t/h),
Chia sẻ

Năm 2021 sẽ ghi nhận một số nội dung trong chương trình dạy và học được thay đổi.

Thay thế ba môn Lý Hóa Sinh bằng một môn duy nhất

Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định cụ thể về các môn học tích hợp mới là môn Khoa học tự nhiên (gộp 3 môn Lý, Hóa, Sinh); môn Sử và Địa (gộp môn Sử, Địa) ở bậc THCS. Chương trình sẽ được áp dụng bắt đầu ở lớp 6 từ năm học 2021 – 2022.

Trong đó, Khoa học tự nhiên là môn học phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4, 5 (cấp tiểu học), được dạy ở các lớp 6, 7, 8 và 9, tổng số 140 tiết/ năm học. Đây là môn tự chọn 2 ở các lớp 10 và lớp 11 của THPT.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:

Lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%).

Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%).

Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%).

Lớp 9: Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%).

Bắt đầu từ năm 2021, nhiều nội dung sẽ chính thức áp dụng: Thay đổi chương trình học, thay 3 môn Lý Hóa Sinh bằng một môn duy nhất - Ảnh 1.

Nhiều nội dung thay đổi bắt đầu từ năm 2021.

Lớp 2 và 6 học chương trình mới

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội.

Sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung SGK tiếng Việt lớp 1, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông.

Một trong những nội dung quan trọng là Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK, thay vì giao quyền chủ động hoàn toàn cho nhà xuất bản như trước. Bên cạnh đó, Bộ sẽ công bố bản mẫu để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt. Bộ cũng đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT đề nghị tổ chức cho GV dạy các môn học, hoạt động giáo dục trên cả nước tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6.

Học sinh lớp 10 sẽ được học về an ninh mạng

Đó là yêu cầu được đưa ra trong Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Thông tư này áp dụng đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THPT và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 và thay thế cho Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường THPT.

Học các kỹ năng phòng chống thiên tai

Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, Quyết định 3162/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 chính thức có hiệu lực và thay thế Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08/9/2011. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhiều nội dung sẽ được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó chú trọng đến việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung trong các nhà trường.

Cụ thể, theo lộ trình 2021 - 2025: Đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các tài liệu hiện lưu hành liên quan đến phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong nhà trường ứng với từng cấp học phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức rà soát kiến thức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Tổ chức dạy thí điểm, lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Các hoạt động, chương trình, đề án liên quan. Tổ chức dạy đại trà ở các mức độ khác nhau…

Học sinh được tham gia hoạt động thể thao

Từ ngày 15/2/2021, Thông tư quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao theo kế hoạch của nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục các cấp; tham gia câu lạc bộ các môn thể thao theo sở thích, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.

Học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động thể thao trong nhà trường; được tuyển chọn, cử tham gia thi đấu các giải, đại hội thể thao cấp cơ sở, toàn quốc, quốc tế. Học sinh có năng khiếu thể thao được tuyển chọn đào tạo tại các trường năng khiếu thể thao theo quy định.

Học sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước cấp toàn quốc do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức và học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự các giải, đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh THPT, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng theo các quy định hiện hành.

Công nhận dạy học trực tuyến

Năm 2020, vì đại dịch Covid-19, gần 24 triệu học sinh - sinh viên của khoảng hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT cả nước không thể đến trường. Xác định chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH tăng cường hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình.

Bắt đầu từ năm 2021, nhiều nội dung sẽ chính thức áp dụng: Thay đổi chương trình học, thay 3 môn Lý Hóa Sinh bằng một môn duy nhất - Ảnh 2.

Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, Việt Nam có gần 80% học sinh được học trực tuyến. Dựa vào kinh nghiệm và đòi hỏi thực tiễn của hình thức dạy học này, Bộ đã xây dựng dự thảo thông tư ban hành quản lý dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.

Bỏ quy định về kỷ luật, khen thưởng học sinh

Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh trong quy định hiện hành về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông là việc phê bình trước lớp, trước toàn trường; quy định đuổi học học sinh…

Chính vì vậy, dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông dự kiến ban hành trong năm 2021 sẽ bãi bỏ các quy định này. Thay vào đó, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là "kỷ luật tích cực" với từng học sinh.

Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là "tạm dừng học tập trên lớp", thay thế cho cụm từ "đuổi học" trong quy định hiện hành. Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng "lạm phát" giấy khen học sinh giỏi như thời gian qua, dự thảo thông tư mới dự kiến việc tặng giấy khen của hiệu trưởng cho học sinh sẽ chỉ tiến hành vào cuối mỗi năm học, thay vì cuối học kỳ như hiện nay. Chỉ tặng giấy khen với những học sinh thực sự xuất sắc, không có giấy khen cho học sinh tiên tiến (khá) hay giấy khen từng mặt... như hiện nay.

Giảm đầu điểm kiểm tra

Năm 2021 cũng là năm đổi mới mạnh mẽ trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt với cấp THCS và THPT bằng việc Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT có hiệu lực thi hành cùng các văn bản hướng dẫn kèm theo. Nhiều thay đổi cụ thể như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra...

Học sinh có trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè

Năm học 2020-2021, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 01/9, khai giảng ngày 05/9, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021.

Như vậy, theo như kế hoạch thời gian năm học trên đây, thì năm học 2020-2021, học sinh sẽ có thời gian nghỉ hè kéo dài ít nhất trong 3 tháng.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch thời gian năm học đảm bảo số tuần thực học của bậc mầm non, giáo dục phổ thông ít nhất 35 tuần, trong đó học kỳ I ít nhất 18 tuần và học kỳ II ít nhất 17 tuần; đối với bậc giáo dục thường xuyên, thời gian thực học ít nhất 32 tuần, mỗi học kỳ ít nhất 16 tuần thực học; riêng thời gian nghỉ lễ, Tết thực hiện theo Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hàng năm.

Chia sẻ