Bé gái bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa: BS khuyến cáo việc tuyệt đối không được làm khi con uống nhầm xăng dầu

TL,
Chia sẻ

Sau khi tiến hành thăm khám, chụp Xquang, xét nghiệm máu trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa.

Vào hồi 18h40 phút ngày 14/10/2019, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Trung tâm Sản Nhi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Nguyễn Ngọc Anh (sinh ngày 1/6/2016 tại Đoan Hùng – Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng bị viêm phổi nặng do uống phải dầu hỏa.

Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Hà (mẹ bé Ngọc Anh), gia đình chị làm nông nghiệp, cả nhà 5 người chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên vợ chồng anh chị phải đi làm thuê kiếm thêm tiền vừa lo trang trải cho cuộc sống vừa để chạy chữa cho con. Khi xảy ra sự việc, vào khoảng 4 tiếng trước khi vào viện, chị đang đi làm thuê, bé Ngọc Anh được hàng xóm trông hộ và có thể con ngủ trưa dậy khát nước nên uống nhầm chai dầu hỏa, tuy nhiên không rõ số lượng, dẫn đến bị ngộ độc. Sau đó, thấy bé xuất hiện tình trạng nôn, kích thích, gia đình đã đưa đến Trung tâm y tế địa phương rồi được chuyển tuyến đến Trung tâm Sản Nhi.

Bé gái bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa: BS khuyến cáo việc tuyệt đối không được làm khi con uống nhầm xăng dầu - Ảnh 1.

Khi vào viện, bé Ngọc Anh trong tình trạng kích thích, tăng tiết đờm dãi, tim nhịp nhanh (160 lần/phút), phổi thông khí kém... Sau khi tiến hành thăm khám, chụp Xquang, xét nghiệm máu trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa và được chỉ định an thần, thở máy chỉ số cao, điều trị kháng sinh. Đây được coi là trường hợp đặc biệt vì bệnh nhi có tiền sử bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật hai lần, ngoài ra bệnh nhi còn mắc Hội chứng Down.

Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận cùng hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Có nhiều thể viêm phổi khác nhau, trong đó có viêm phổi do hít, sặc phải xăng dầu.

Viêm phổi do hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut gây nên các tổn thương ở phổi. Các tổn thương này phụ thuộc vào số lượng và đáp ứng của bệnh nhân đối với chất hít và số lần bệnh nhân bị sặc.

Xăng dầu thuộc nhóm hóa chất bay hơi, có đặc tính sức căng bề mặt thấp nên dễ lan rộng kích thích niêm mạc gây các triệu chứng ho sặc sụa, nôn, ngạt thở ngay khi uống vào. Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho xăng dầu khả năng dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi. Biểu hiện khi uống phải xăng dầu thường là: Thở nhanh, co lõm ngực, khò khè. Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Bé gái bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa: BS khuyến cáo việc tuyệt đối không được làm khi con uống nhầm xăng dầu - Ảnh 2.

Lượng xăng dầu nuốt vào cũng có thể gây tác dụng tại chỗ, làm đau bụng, tức ngực, buồn nôn. Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não. Xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê.

Qua câu chuyện của bé Ngọc Anh, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyến cáo các gia đình hãy thật cẩn thận trong việc trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, cả nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ, những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo: Khi tai nạn xảy ra, người nhà hay xử trí đầu tiên là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể, nhưng đây lại là việc tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC làm. Lý do là vì nếu nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý phù hợp.

Chia sẻ