Bệnh dại diễn biến phức tạp

Ban Thời sự,
Chia sẻ

Mặc dù đã có vaccine, huyết thanh phòng ngừa nhưng bệnh dại vẫn là một bệnh nguy hiểm không thể xem thường.

Tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã phải huy động nguồn lực tiêm ngừa cho hơn 1300 con chó trên địa bàn.

Theo địa phương này, sau nhiều năm không có ổ bệnh dại nào trên chó mèo thì đến cuối năm 2022 có 1 ca tử vong. Và đến nay đang theo dõi 5 ổ dịch bệnh dại trên chó và 3 ổ dịch trên người.

Theo các cán bộ thú y chia sẻ, virus dại sẽ tấn công vào hệ thống thần kinh và tùy theo vị trí vết cắn mà thời gian ủ bệnh sẽ khác nhau. Có người vài ngày, có người vài tháng.

Điều tra dịch tễ cho thấy: đa số ca bệnh dại trên chó tại Đồng Nai vào các tháng đầu năm nay là thể dại câm, tức không có biểu hiện bệnh, số ít ca bệnh là thể dại điên cuồng, con vật bỏ nhà đi và thường không trở về. Đến nay mầm bệnh đã lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rất rộng. Do đó, các cơ quan đơn vị đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại còn thấp

Theo thống kê của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, cả nước có hơn 7.2 triệu chó mèo nuôi. Theo Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, số chó, mèo được tiêm phòng chỉ đạt 45% so với tổng đàn, tức là chưa được một nửa. Chỉ có 10 tỉnh, thành phố, chiếm gần 16% đạt tỷ lệ tiêm phòng từ 70% trở lên.

Như vậy, công tác quản lý đàn chó, mèo và tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo ở hầu hết các địa phương chưa được triển khai quyết liệt.

Luật chăn nuôi và Luật Thú y đều có quy định rất rõ về việc chủ vật nuôi phải khai báo và tiêm phòng bệnh dại. Nếu không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo có thể bị xử phạt với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối cá nhân và từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên cả nước có 46 ca tử vong do bệnh dại (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái) tại 21 tỉnh, thành phố trong đó, tỉnh có số ca bệnh dại trên người cao nhất là Gia Lai, Nghệ An và Điện Biên.

Trước tình hình này, việc rà soát đàn chó mèo nuôi và nâng tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 70% là yêu cầu cấp thiết. Cùng với đó là nhiều biện pháp đang được các địa phương tập trung thực hiện để tăng cường phòng chống bệnh dại.

Tăng cường phòng chống bệnh dại từ chó, mèo

Để phòng chống bệnh dại trên chó, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết sẽ mở rộng số lượng điểm tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, giá thành thấp, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, chó, mèo thả rông sẽ được tạm giữ trong 48 tiếng và chủ nuôi muốn nhận lại phải nộp phạt vi phạm hành chính. Nếu không có người đến nhận sẽ được giao cho đơn vị có chuyên ngành thú y để nghiên cứu khoa học hoặc xử lý theo quy định.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng từ các điểm tiêm ngừa dại trên toàn thành phố thì trong tháng 1 năm nay vẫn có hơn 10 ngàn người đến tiêm phòng dại, trong đó có hơn 9000 người có vết thương.

Ngoài công tác xử lý chó mèo thả rông, hiện nay TP Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ người nuôi quản lý, chăm sóc đàn chó mèo, như tuyên truyền tập huấn công tác quản lý, chăm sóc vật nuôi, hỗ trợ 5 huyện ngoại thành 50% chi phí vaccine phòng bệnh dại,…

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2030 không còn người tử vong do bệnh dại. Vì vậy bên cạnh việc bảo đảm tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người thì một điều quan trọng là truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời và đúng cách.

Xử lý và phòng ngừa bệnh dại đúng cách

Virus bệnh dại rất nguy hiểm, dù là vết cắn hay vết xước nhỏ nhưng một khi virus đã xâm nhập vào cơ thể con người thì có thể kéo dài đến 1 năm rồi phát bệnh. Bệnh dại cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa bệnh dại ngay sau khi bị vật nuôi hoặc chó mèo tấn công.

Để chủ động ngăn nguy cơ bị lây bệnh, Cục chăn nuôi khuyến cáo: các địa phương và chủ nuôi cần tự giác tuân thủ quy định tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi. Mức giá hiện là 20 đến 50 nghìn đồng/mũi. Điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn, cào, liếm sẽ phòng được bệnh dại. Chi phí cho điều trị dự phòng này hiện là khoảng 2 triệu đồng. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang để chữa bệnh dại.

Chia sẻ