Bệnh viện nhi quá tải vì trẻ sốt xuất huyết

,
Chia sẻ

So với tháng 10-2007, số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tại đây tăng gấp đôi (700 ca), trong đó hầu hết là trẻ em.

11.500 người mắc bệnh, đã có sáu người chết. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có ba ca chết do sốt xuất huyết, đều là người lớn.

Tính đến cuối tháng 10, TP.HCM đã có khoảng 11.500 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2007, trong đó có sáu ca chết. Có 322 phường, xã của 24 quận, huyện bị phát dịch.

Sợ sốc nên chuyển lên tuyến trên

Sáng qua (30-10), bệnh nhi NĐĐ (ba tuổi, ở Bình Dương) được chuyển vào phòng Cấp cứu, khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Các bác sĩ chẩn đoán em bị sốc độ ba ngày thứ năm. Bốn ngày trước, bệnh nhi Đ. chỉ sốt nhẹ kèm theo ói, người nhà tự mua thuốc cho uống nhưng không khỏi. Bác sĩ ở Bình Dương chẩn đoán em bị viêm họng, theo dõi sốt xuất huyết. Gia đình đã yêu cầu chuyển viện khi em bị sốt xuất huyết độ một nhưng đến ngày thứ năm em trở sốc nặng mới được cho chuyển viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi NVS (10 tuổi, ở Bạc Liêu) cũng vừa nhập viện và trở sốc độ ba. Người nhà bệnh nhi cho biết các bác sĩ ở tỉnh bảo nhập viện điều trị nhưng không yên tâm nên gia đình tự chuyển lên TP.HCM.

Bệnh nhi NVA (năm tuổi, quận Tân Phú) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng vừa cấp cứu, sốc độ ba, đau bụng, ói... “Nếu để một ngày nữa, bệnh nhi sẽ chuyển sang độ bốn, khả năng chết sẽ cao hơn nhiều” - bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, nói. Bác sĩ Liên cho biết hôm qua (30-10), tại bệnh viện có 35 ca sốt xuất huyết phải cấp cứu, thêm năm ca mới nhập viện. Trong đó, bệnh nhi ĐTMD (14 tuổi, quận Bình Tân) và bệnh nhi QHL (quận Tân Phú) bị sốc nặng phải truyền dịch. Mỗi ngày, tại bệnh viện có 167 bệnh nhi nằm điều trị (số cộng dồn), tăng khoảng 70% so với tháng 10-2007 (gần 100 ca). Trong đó có 20 ca sốc độ ba, bốn (chiếm 10%).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi sốt xuất huyết đang nằm điều trị khoảng 100 em. Mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 40 ca mới, số ca sốc nặng chiếm 10%-12%. Bác sĩ Liên cho biết năm 2007, bệnh nhi sốt xuất huyết từ các tỉnh đổ về chiếm khoảng 60% thì năm nay, số bệnh nhi ngay tại TP lại chiếm đến 60%.


Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng quá tải

Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết từ đầu tháng 10 đến ngày 29-10 đã có 1.400 ca nhập viện vì sốt xuất huyết. So với tháng 10-2007, số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tại đây tăng gấp đôi (700 ca). Trong đó, người lớn chiếm 1.200 ca, 52 trường hợp sốc độ ba, hầu hết là trẻ em. Trong tháng 9, bệnh viện này đã tiếp nhận 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng gấp ba lần so với tháng 9 năm ngoái, chiếm hơn 40% tổng số ca nhập viện ở tất cả các khoa.

Theo một bác sĩ tại khoa Sốt xuất huyết, tuy số bệnh nhân tăng đột biến nhưng số ca chết lại có chiều hướng giảm so với năm ngoái. Cả năm 2007, tại bệnh viện này có bảy, tám ca chết thì tính đến tháng 10 năm nay chỉ có ba ca, đều là người lớn. Nguyên nhân gây chết chủ yếu do xuất huyết trầm trọng trong quá trình điều trị. Hầu hết các trường hợp này đều được đưa đến nhập viện kịp thời nhưng do biến chứng diễn biến quá nhanh nên không thể ngăn chặn được. Hiện tại, có hơn 220 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện này. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm 40 ca sốt xuất huyết mới.

Theo bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết sớm là rất khó vì không đầy đủ các triệu chứng để các bác sĩ thấy ngay. Do vậy, khi thấy trẻ sốt từ hai ngày trở lên, phụ huynh phải nghi ngờ sốt xuất huyết và phải đưa con đến các trung tâm y tế khám, xét nghiệm. Khi thấy có một trong các dấu hiệu nặng sau thì đưa trẻ đi cấp cứu ngay: Trẻ hết sốt nhưng lừ đừ, mệt, bứt rứt hay trăn trở; tay chân trẻ trở lạnh và tiểu ít; đau bụng nhiều, ói nhiều và chảy máu bất thường ở mũi, miệng hay trên da...

Bệnh viện quận, huyện vẫn chữa được tốt

Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy trong 10 tháng đầu năm có 4.500 ca sốt xuất huyết vào điều trị, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Tại phòng khám Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 4.200 ca, tăng hơn 260%, nội trú chiếm hơn 3.000 ca, tăng gần 170%. Theo bác sĩ Việt, có khoảng 10% trẻ bị sốc vì nhập viện chậm hoặc do diễn biến của bệnh. Trẻ thường bị sốc từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu.

Theo bác sĩ Lê Bích Liên, hiện nay bệnh viện các quận, huyện đến bệnh viện các tỉnh, thành đều có thể điều trị sốt xuất huyết tốt. Chỉ một số ít tỉnh, thành do các năm trước đây không bùng phát sốt xuất huyết nên hơi bỡ ngỡ vì chưa được diễn tập nhiều. “Nếu phát hiện kịp thời, tuyến dưới vẫn chữa trị được bệnh này. Phụ huynh không cần chuyển con em mình lên tuyến trên” - bác sĩ Liên khuyên. Bác sĩ Liên cho biết có 70%-80% bệnh nhi sốt xuất huyết nhẹ được điều trị, theo dõi ở nhà, khi nặng mới cho nhập viện.

Bác sĩ Hoàng Sỹ Mai - Giám đốc Bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết nơi đây vẫn tiếp nhận và điều trị bệnh sốt xuất huyết rất tốt. Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận, điều trị khoảng 30 ca sốt xuất huyết, kể cả trường hợp bị sốc. 

Theo PLTPHCM


Chia sẻ