Bị cháu ngoại đụng trúng trong lúc ngoáy tai, đoạn tăm nhang ghim vào tai cụ ông suốt một năm

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Vì lỗ tai hay ngứa và bị chảy dịch, cụ ông thường lấy cây tăm nhang chọc vào. Trong một lần như vậy, cháu ngoại ông đùa giỡn đụng trúng, khiến đoạn tăm nhang dài hơn 2cm bị gãy ra, cắm sâu vào lỗ rò luân nhĩ.

Oái oăm thay, cụ ông không hề hay biết chuyện này. Thấy lỗ tai sưng lên và thường hay chảy dịch, bệnh nhân 73 tuổi, quê Long An đi khám nhiều nơi nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Khi được gia đình đưa đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM, tai bệnh nhân đã trong tình trạng chảy dịch ở cả phía trước và phía sau, đau đớn khó chịu.

"Vì đường rò thường tiết dịch hôi, gây cảm giác ngứa nên bệnh nhân có thói quen dùng cây tăm nhang ngoáy vào trong đường rò (lỗ nhỏ bẩm sinh trước vành tai). Cách đây 1 năm, do sơ ý bệnh nhân làm gãy cây tăm nhang vào sâu bên trong đường rò. Vì bị chặn đường thoát dịch, dịch tiết ra cả phần trước và phần sau tai, đồng thời xuất hiện tình trạng mưng mủ" – BS Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi BV Tai Mũi Họng TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ.

Bị cháu ngoại đụng trúng trong lúc ngoáy tai, đoạn tăm nhang ghim vào tai cụ ông suốt một năm - Ảnh 1.

Cụ ông bị mắc kẹt đoạn tăm nhang trong tai suốt một năm nhưng không biết.

Bị cháu ngoại đụng trúng trong lúc ngoáy tai, đoạn tăm nhang ghim vào tai cụ ông suốt một năm - Ảnh 2.

Dị vật khiến lỗ rò bị xuyên từ phía trước ra phía sau tai.

 Theo người thân cụ ông, khoảng 1 tháng nay, tình trạng của bệnh nhân ngày càng trầm trọng, thường xuyên sưng nề nên mới quyết định đến BV tuyến trên. Tại đây, sau khi điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, các BS phát hiện trong vùng mô xơ nhiễm trùng có một đoạn dị vật là đoạn tăm nhang dài khoảng 2cm. Đáng chú ý, đoạn dị vật làm đường rò xuyên từ phía trước ra phía sau vành tai.

Sau khi ekip điều trị lấy dị vật ra và phẫu thuật bỏ hết đường rò, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, các đau nhức không còn.

Bị cháu ngoại đụng trúng trong lúc ngoáy tai, đoạn tăm nhang ghim vào tai cụ ông suốt một năm - Ảnh 3.

Đoạn tăm nhang dài 2cm được lấy ra.

"37 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một trường hợp như vậy, vì bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, bởi trẻ thường có lỗ rò luân nhỉ nhỏ, dễ tắt và bị biến chứng áp xe. Ở đây, bệnh nhân đã lớn tuổi, lại bị tắt lỗ rò luân nhĩ nặng vì dị vật là điều khá bất ngờ"- TS.BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM chia sẻ.

Bị cháu ngoại đụng trúng trong lúc ngoáy tai, đoạn tăm nhang ghim vào tai cụ ông suốt một năm - Ảnh 4.

BS Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi BV Tai Mũi Họng TP.HCM không nên tự tiện chọc vật lạ vào tai.

 Theo BS Phúc, khoảng 1/3 bệnh nhân bị rò luân nhĩ không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên khi lỗ rò đã nhiễm trùng, việc phẫu thuật là điều bắt buộc.

"Nếu có đường rò luân nhĩ bẩm sinh thì nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò, tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò để tránh gặp hiểm hoạ" – BS Phúc cảnh báo người dân về thói quen ngoáy tai thiếu hiểu biết mà nhiều người thường mắc phải.

Chia sẻ