Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não

Hoảng Lê,
Chia sẻ

Thiếu nữ đến bệnh viện vì dị ứng mũi nhưng nhân viên y tế hỏi mãi không trả lời. Lúc này, BS mới lờ mờ nhận ra cô gần như bị điếc vì lý do khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Cách đây không lâu, Giang (15 tuổi, ngụ TP.HCM, tên đã thay đổi) được cha đưa đến một cơ sở chăm sóc sức khỏe vì mũi có dấu hiệu bị viêm và dị ứng. Tại đây khi BS hỏi triệu chứng, ban đầu bệnh nhân còn gật gù nhưng sau đó cứ ngẩn ra như người mất hồn.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 1.

BS khám cho bệnh nhân gặp vấn đề ở tai.

Suýt mất thính lực vì nghe head phone hết cỡ

BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường TP.HCM cho biết, với kinh nghiệm chữa trị triệu chứng lâu năm, nhìn biểu hiện của nữ sinh lớp 9 trên, bà nghi ngờ bệnh nhân gặp vấn đề ở tai.

Tiến hành kiểm tra thính lực, kết quả trả về đúng như BS dự đoán: Giang bị suy giảm thính lực ở mức độ 2, nếu để kéo dài có thể điếc vĩnh viễn.

Lúc này khi khai thác bệnh sử, gia đình cho biết Giang rất mê âm nhạc và có mơ ước làm một DJ. Do đó mà cô gái thường xuyên đeo headphone và vặn âm lượng hết cỡ ở nhà để nhún nhảy theo điệu nhạc. Lâu dần, cô mắc chứng bệnh lãng tai, thỉnh thoảng trong tai nghe có tiếng ù nhưng gia đình cho là không có vấn đề gì nên không bận tâm.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 2.

Nhiều người đến cầu cứu BV vì tai gặp sự cố liên quan đến tiếng ồn.

Sau khi nắm được tình trạng trên, BS ngay lập tức yêu cầu người nhà phải cách ly ngay nguồn âm thanh khiến tai bệnh nhân bị tổn thương, đồng thời sử dụng ngay máy trợ thính.

"Căn bệnh khiến chức năng nghe của bệnh nhân ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống, sinh hoạt bị xáo trộn. Gia định có dự định đưa cô bé đi du học nước ngoài nhưng vì không còn nghe rõ nên việc học ngoại ngữ của bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Dự tính cho tương lai cũng bị gián đoạn" – BS Tâm nói.

Theo BS, mục đích chính của việc chữa trị là làm cho thính lực của bệnh nhân không giảm thêm, vì khó mà trở về như bình thường.

Đây không phải là trường hợp duy nhất bị tai nghe làm tổn thương thính lực. Những năm gần đây, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường TP.HCM từng tiếp nhận những trường hợp người dân là nhân viên tư vấn khách hàng, trực tổng đài bị điếc một số tần số hoặc điếc hẳn một tai.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 3.

BS Tâm cảnh báo người dân về các vấn đề liên quan đến sử dụng headphone, tai nghe.

"Có trường hợp âm thanh đang nhỏ bất ngờ tăng lên với âm lượng "khủng" khiến bệnh nhân nhức tai, thậm chí thủng màng nhĩ. Có bệnh nhân dù không thủng màng nhỉ nhưng chức năng nghe cũng giảm" – BS phân tích.

Chuyên gia cảnh báo, tai nghe sử dụng lâu có thể làm tắc nghẽn đường lưu thông không khí trong ống tai. Tai nghe không được vệ sinh kỹ, dùng chung tai nghe sẽ khiến tai có nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm ống tai.

Ô nhiễm tiếng ồn – Tình trạng ngày càng phổ biến

BS Tâm chia sẻ, giảm thính lực do đeo tai nghe là một trong những biểu hiện của ô nhiễm tiếng ồn.

Nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn có thể đến từ âm thanh từ các công trường, nhà máy, xí nghiệp đến các sinh hoạt hằng ngày của người dân. Làm việc trong môi trường liên tục chịu ô nhiễm tiếng ồn sẽ khiến người lao động gặp những vấn đề như đau nhức tai, viêm tai, tai bị tê cóng, điếc một bên hoặc điếc hoàn toàn. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới não.

Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả học từ ngữ, tâm sinh lý, người lớn bị giảm hiệu quả lao động.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 4.

Khoa Bệnh nghề nghiệp vệ tinh, BV Quận 2.

Tại Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, mỗi tháng nơi đây đều có công nhân xí nghiệp, thợ xưởng cưa, DJ… đến khám vì các bệnh lý do tiếng ồn phát ra. Nếu nhẹ thì bị mệt mỏi, stress, rối loạn tiền đình còn nặng là mất khả năng nghe.

BS Tâm cho biết, thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp rất cao. TP.HCM hiện có hơn 5 triệu lao động, riêng quận 2 có 2.200 doanh nghiệp.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 5.

Đây là lần đầu tiên một BV tuyến quận tại TP.HCM có khoa điều trị bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, mới chỉ có 3 cơ sở y tế công lập có chuyên môn trong lĩnh vực này là Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường TP.HCM (Trung tâm, quận 1), Viện Y tế công cộng TP.HCM và BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8).

"Xét thấy BV Quận 2 là đơn vị tuyến quận hạng 2 có đội ngũ y BS chuyên môn tốt và có nhu cầu phát triển lĩnh vực khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Trung tâm mạnh dạn triển khai khoa bệnh Nghề nghiệp tại BV, với mô hình khoa vệ tinh.

Quyết định này nhằm đưa công tác chăm sóc, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp đến gần người lao động hơn, với chất lượng chuyên môn được đảm bảo" – BS Tâm nói trong ngày khánh thành khoa Bệnh nghề nghiệp vệ tinh và Đơn vị Phẫu thuật tim mạch lồng ngực của BV.

Bị giảm thính lực đến mức gần như điếc do làm việc mà bạn trẻ nào cũng thích: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến não - Ảnh 6.

Khoa Bệnh nghề nghiệp tại BV Quận 2 thành lập đưa công tác chăm sóc, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp đến gần người lao động hơn.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 thông tin, đây cũng là lần đầu tiên có một BV tuyến quận tại TP.HCM thành lập khoa khám và điều trị bệnh nghề nghiệp.

Khoa Bệnh nghề nghiệp vệ tinh sẽ là đầu mối triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phòng chống bệnh nghề nghiệp; Tổ chức khám phát hiện, tham gia giám định bệnh nghề nghiệp; tổng hợp tình hình mắc bệnh nghề nghiệp của các đơn vị tham gia khám về cơ quan quản lý.

Chia sẻ