Bi kịch hôn nhân ép duyên của Mao Trạch Đông

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Trò chuyện với phóng viên Mỹ năm 1936, Mao Trạch Đông tiết lộ, năm 14 tuổi, cha mẹ đã cưới cho ông một người cùng huyện, nhưng hai người chưa bao giờ thực sự là vợ chồng.

Hậu thế thường chỉ biết tới Dương Khai Tuệ, Giang Thanh - hai người đàn bà tài sắc trong cuộc đời Mao Trạch Đông. Ít ai biết rằng, người vợ đầu tiên của ông lại là một phụ nữ thôn quê được cưới hỏi trong cuộc hôn nhân theo kiểu sắp đặt truyền thống.

Bà họ La, không rõ tên. Trong “Mao thị tộc phả” chỉ ghi lại vài thông tin ngắn ngủi về bà với tên gọi La thị, sinh ngày 20/10/1889, là người cùng huyện Tương Đàn với gia đình họ Mao. Năm 1908, hơn 19 tuổi, bà được gả tới nhà họ Mao, trở thành con dâu cả của Mao Di Xương.

La Thị vì nghe lời cha mẹ mà thuận lòng làm vợ Mao Trạch Đông, mới 14 tuổi. Vì có tư tưởng và nền tảng văn hóa tiên tiến, Mao Trạch Đông nhất mực không công nhận chuyện cưới gả này. Sau vài năm kết hôn, hai người vẫn chưa hề ăn ở như vợ chồng.
 
Vốn là người phụ nữ truyền thống, bà La vẫn làm tròn trách nhiệm dâu con trong nhà, giúp mẹ chồng Văn Thất Muội chuyện may vá. Nhận ra sự cách biệt về tình cảm, bà buồn tủi nhưng không than phiền nửa tiếng. Ở mãi bên làng Thiều Sơn không tiện, thi thoảng, La thị lại về nhà cha mẹ. Tới tháng 2/1910, bà lâm bệnh qua đời, an táng tại bờ phía nam Thiều Sơn.
 

Dù không công nhận người vợ đầu tiên của mình, nhưng Mao Trạch Đông vẫn dành tình cảm thương xót, cảm thông cho người phụ nữ đoản mệnh ấy. Nỗi đau do cuộc hôn nhân sắp đặt khiến Mao luôn gắng sức phổ biến những tư tưởng cấp tiến trong xã hội. Ông cũng từng giúp một bạn học tránh được tấn bi kịch tương tự như mình. Ngày 14/11/1919, tại Hồ Nam xảy ra vụ tự sát của Triệu Ngũ Trinh do phản đối cuộc hôn nhân không theo mong muốn, Mao Trạch Đông đã dốc sức trong suốt 13 ngày (từ 16/11 đến 28/11/1919) viết 9 bài và đăng trên tờ “Đại công báo” lên án hôn nhân sắp đặt Ông viết: “Hôn nhân sắp đặt có thể khiến người phụ nữ phải chết, cũng có thể làm cho đàn ông mất mạng”. Những câu này được đúc rút ra từ thực tế cuộc sống, từ chính hoàn cảnh khi xưa ông từng trải qua.

Chính vì vậy, cuộc hôn nhân của Mao Trạch Đông và Dương Khai Tuệ về sau được ca ngợi là cuộc hôn nhân đại diện cho tư tưởng tiến bộ, không bị ràng buộc bởi tục lệ sắp đặt cưới xin từng tồn tại nhiều đời tại Trung Quốc. Đó là cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu tự do của hai người. Chính vì vậy, thanh niên Hồ Nam thời bấy giờ đã ca tụng mối tình của Mao Trạch Đông và Dương Khai Tuệ là “tình yêu lãng mạn lý tưởng”.

Chia sẻ