Bí mật của may mắn

,
Chia sẻ

Người yếm thế không sẵn sàng đón nhận thời cơ, trong khi người lạc quan sẽ chủ động hơn. Còn nếu lạc quan tếu, không trên cơ sở phân tích khoa học cũng sẽ để tuột sự may mắn.

Có người luôn được thần may mắn mỉm cười, có người rất chật vật để đạt được thành công trong cuộc sống. Ai cũng muốn là người may mắn, nhưng ít ai biết được nó từ đâu đến, tại sao lại xuất hiện vào thời điểm này chứ không phải thời điểm khác?

Nguyên nhân nào tạo nên sự may mắn… và bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, thực ra, may mắn luôn ở bên bạn nếu bạn biết nắm bắt, tạo cơ hội cho nó xuất hiện?

Người lạc quan dễ gặp may

GS Richard Wiseman, Đại học Hertfordshire (Anh) đã làm một cuộc nghiên cứu công phu trên 400 người từ 18 - 84 tuổi trong suốt hơn 10 năm, để tìm hiểu về quy luật may mắn của con người. Qua nghiên cứu này, ông đã rút ra được khá nhiều điều lý thú và hữu ích cho tất cả mọi người muốn mình trở nên may mắn hơn.  


Người yếm thế không sẵn sàng đón nhận thời cơ, trong khi người lạc quan sẽ chủ động hơn. Còn nếu lạc quan tếu, không trên cơ sở phân tích khoa học cũng sẽ để tuột sự may mắn.

Sự vật có tính quy luật, người biết nhìn ra quy luật ấy là đã tạo được cho mình sự may mắn để nắm lấy thời cơ, đi đúng và đón đầu được những bước đi của kinh tế, của xã hội, thời đại.

(TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học)

Khi nghiên cứu, GS Wiseman đưa cho người may mắn và xui xẻo 2 tờ báo và hỏi họ: “Hãy tìm cho tôi có bao nhiêu tấm hình trong tờ báo này?”. Người xui xẻo mất 2 phút, trong khi người may mắn chỉ mất có vài giây. Tại sao lại như vậy? Vì ở ngay trang 2 của tờ báo có một dòng chú thích: “Đừng tìm nữa, tờ báo này có 43 tấm hình”.

Cuộc thí nghiệm được làm lại nhiều lần và người xui xẻo chẳng bao giờ nhìn ra dòng chữ ấy. Bài học rút ra là: người xui xẻo đã bỏ lỡ cơ hội vì họ quá bận rộn, quá tập trung vào những gì đang làm. Trong khi đó, người may mắn luôn biết nhận ra những gì khác biệt hơn là những gì họ tìm kiếm.

Sở dĩ GS Wiseman chia ra làm hai loại người: may mắn và không may mắn vì… chính họ đã tự nhận mình là như vậy. Cùng một sự việc, người may mắn và xui xẻo có thể nhìn dưới hai khía cạnh khác hẳn nhau. May mắn thường gõ cửa những người luôn sáng tạo và luôn biết cách làm mới mình, làm mới môi trường xung quanh mình. Và họ cũng là người biết biến sự xui xẻo thành cảm giác may mắn.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng suy nghĩ “phản thực” (counter-factual). Ví dụ, bạn bị cướp giật mất túi trong đó có tiền bạc và giấy tờ quý giá, quan điểm của người xui xẻo là: “Sao tôi xui xẻo đến thế, tự nhiên hôm nay đi qua đây đúng vào lúc gặp cướp”. Trong khi đó, quan điểm của người may mắn là: “Ôi may quá! Chỉ mất của, người không việc gì”! Chính quan điểm ấy giúp họ có một cuộc sống tràn đầy tự tin và hy vọng. Họ luôn lạc quan ngay cả khi khó khăn nhất.

May mắn thường đến với kẻ mạnh

May mắn là một phần của cuộc sống và mỗi người thỉnh thoảng trong đời đều có cơ hội nhận được nó. Nhưng may mắn lại rất quan trọng trong đời sống kinh doanh và có lẽ là phần quan trọng nhất trong đời sống doanh nhân. Nhiều doanh nhân luôn tin vào vận may bất chợt đến với họ. Nhưng sẽ tốt hơn nếu họ nhận biết được khi nào thì vận may mỉm cười. Không ai hoạch định trước điều bất ngờ nhưng có lợi sẽ đến, nên khi xảy ra thì chúng được phủ một lớp vỏ có tên gọi là “may mắn”.

Theo TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học (Viện Khoa học xã hội và Nhân văn), trong cuộc sống luôn luôn tồn tại sự may mắn, nhưng sẽ không có may mắn tuyệt đối – không có bất cứ sự chuẩn bị gì mà thành công. May mắn sẽ đến với người có sự công phu chuẩn bị, có bản lĩnh và cái gọi là may mắn thường sẽ đến với những người có bản lĩnh đó.

Cũng giống như trong thể thao, người ta thường nói: “May mắn thường đến với kẻ mạnh”. Vì thế đừng hy vọng vào sự may mắn ngẫu nhiên mà ỷ lại vào thực tại, vì quyết định bao giờ cũng là sự chuẩn bị của các cá thể, chủ thể của hành động. Nếu người ta chuẩn bị tốt, nếu được đào tạo kỹ lưỡng, các phương án được rèn luyện, trau dồi kỹ năng thì nó sẽ thành một “bản năng” máu thịt.

Như trong sáng tạo của các nhà khoa học không phải họ ngẫu nhiên, tình cờ, may mắn tìm ra được sáng chế, phát minh để đời cho nhân loại mà họ đã nung nấu ngày đêm những tri thức ngồn ngộn được tôi luyện trong mình.

Đến một lúc đạt được theo cách lượng đổi - chất đổi, người khác nhìn vào nghĩ là ngẫu nhiên nhưng thực ra tình huống là ngẫu nhiên, nhưng quá trình mang đến là tất yếu. Vì thế, muốn may mắn thì hãy chủ động tích cực nắm lấy thời cơ và tạo ra thời cơ - biết địch, biết ta, biết mình, biết người. 


Học để trở thành người may mắn

Không ai có thể bán sự may mắn của mình và may mắn cũng không thể nào mua từ bất kỳ ai. May mắn phải do chính người đó tạo ra, đừng tin vào những ai đang cố bán hay truyền nó cho bạn.



Trong những điều kiện tưởng như đầy đủ nhất - may mắn cũng vẫn không đến. Đó mới chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Giống như có người trước đây nghĩ rằng sự hiểu biết của mình là quá đủ, không cần thiết phải học thêm ngoại ngữ khi mình làm việc quá tốt với môi trường trong nước.

Và khi đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, họ đã tụt hậu và bỏ mất nhiều cơ hội may mắn so với đồng nghiệp của mình. Đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ nhất tưởng chừng như không quan trọng, nhưng cần thiết để tạo ra sự may mắn. Không bao giờ là quá trễ để bạn có thể tạo ra may mắn cho chính mình.

(TS Nguyễn Thị Kim Quý Khoa tâm lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

 TS Trịnh Hòa Bình cho biết, có người hay có “duyên” gặp may mắn, nhưng sau cái duyên ấy, nếu không tự trau dồi, hoàn thiện mình cho hợp với vai trò, chức vụ hay chức năng mình may mắn được đảm nhận, thì cầm chắc, may mắn đó không thể ở lâu với bạn. Sự may mắn do tình cờ mà đến không thể kéo dài bởi vì bạn sẽ có khuynh hướng ỷ lại và trông chờ vào may mắn tiếp theo mà không muốn làm gì hết.

Bà Nguyễn Thị Kim Quý, Trưởng Văn phòng tâm lý giáo dục trẻ em, Hội tâm lý giáo dục, giảng viên khoa tâm lý trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, mỗi người có một tiềm năng, khi có cơ hội nó sẽ bộc lộ, biến thành hiện thực. Họ đã có tố chất sẵn có biết nhìn xa, trông rộng.

Có người ban đầu chưa có định hình cho con đường công danh của mình, chỉ nghĩ rằng học để lấy kiến thức, học vì mình thích và đam mê. Rồi có một cơ hội đến, họ thấy rằng mình đã may mắn vì trước đây đã học nó mà không biết rằng, bản thân mình đã chuẩn bị đất, đủ điều kiện để hạt giống may mắn có thể nảy mầm.

“Bản thân tôi là người thích tìm hiểu khám phá về con người nên đã đầu tư thời gian vào lĩnh vực tham vấn và tâm bệnh học. Tôi học nó vào thời điểm mà rất ít người để ý đến vì nó không thể đi dạy hoặc kiếm tiền được. Thậm chí nhiều người còn nghĩ mình lẩn thẩn.

Đến nay, trong một xã hội hiện đại với nhiều sức ép về tâm lý, thì thực sự đó là lĩnh vực mà nhiều người rất quan tâm, rất cần được tham vấn, chia sẻ để giải quyết các vấn đề về tâm lý, lúc đó nhiều người lại nghĩ rằng tôi… gặp may”, bà Quý chia sẻ. 

Tìm kiếm những điều kiện tạo nên sự may mắn không có nghĩa là chỉ nhằm vào lợi ích của riêng mình. Khi bạn cho đi nghĩa là bạn đang nhận về. Vừa tìm kiếm để tìm ra những điều kiện của may mắn, vừa biết chia sẻ, giúp đỡ người khác sẽ khiến cho may mắn đến với bạn nhanh hơn. Nếu bạn trì hoãn việc tạo ra những điều kiện mới thì may mắn có thể sẽ không bao giờ đến.

Đôi khi tạo ra những điều kiện mới là một công việc thật nhọc nhằn nhưng... hay thực hiện nó ngay khi có thể. “Sự may mắn do chúng ta tự tạo ra mới là may mắn thật sự và nó sẽ có thể ở với chúng ta lâu dài. Ai cũng mong muốn có được may mắn và thành công. Nhưng chỉ có một số ít người quyết tâm theo đuổi nó. Để có được may mắn, bạn không nên chần chừ, phải cải tạo, phải tạo ra những điều kiện và môi trường tốt hơn”, TS Trịnh Hòa Bình nói.

Theo Thư

Gia đình

Chia sẻ