Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ xâm nhập Mers vào Việt Nam khá cao

Bài và ảnh: Hà Hương,
Chia sẻ

“Nếu chủ quan, lơ là, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh trong buổi tập huấn về giám sát, điều trị, phòng chống dịch Mers gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung đông do virus Corola (Mers-CoV).

Chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Y tế có tham gia buổi tập huấn về dịch Mers, đến dự còn có các lãnh đạo, bộ ban ngành liên quan. Bộ trưởng chia sẻ: "Hiện nay, tình hình dịch Mers đang có diễn biến phức tạp đặc biệt là tại Hàn Quốc khi đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong và 87 trường hợp mắc căn bệnh này. Không chỉ có vậy, hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc và ngược lại".

Virus nguy hiểm Mers –CoV không ngừng tăng về số ca mắc tại Hàn Quốc khiến các chuyên gia lo ngại. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện tại Việt Nam cho biết, đã có phương án cách ly nếu phát hiện bệnh nhân Mers-CoV.

bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng dịch MERS sẽ không vào Việt Nam.

Mers lây ra tiếp xúc, qua giọt bắn, qua không khí trong trường hợp có làm thủ thuật tạo khí dung (đặt nội khí quản, hút dịch đường thở,…). Mers ủ bệnh từ 2 – 14 ngày. Triệu chứng khởi phát là sốt, ho, ớn lạnh, đau họng, đau cơ khớp, khó thở, viêm phổi, nôn tiêu chảy… Mers-CoV là bệnh viêm đường hô hấp do virus corona lần đầu được phát hiện tại Ả Rập Xê Út vào 9/2012. Nguồn gốc từ dơi, ổ chứa chính là lạc đà. Đường lây bệnh từ Dơi – Lạc đà, lạc đà – người qua tiếp xúc. Lây từ người sang người qua tiếp xúc. Nguy cơ cao  là người già, có bệnh mãn tính, hiện chưa có vacxin điều trị. Hiện bệnh lưu hành chủ yếu tại vùng Trung Đông (85% ca bệnh ghi nhận). 

Tới nay, Hàn Quốc ghi nhận thêm 23 trường hợp nâng tổng số mắc lên 87 trường hợp, 6 người tử vong. Đặc biệt, tại Hàn Quốc hiện có tới hơn 53.000 lao động Việt Nam đang làm việc đứng trước nguy cơ lây nhiễm Mers-CoV.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có phương án cách ly nếu phát hiện bệnh nhân Mers-CoV. Trước mắt, bệnh viện chuẩn bị 2 phòng cách ly tại Khoa Cấp cứu để tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Sau đó, tùy theo mức độ tiến triển của bệnh dịch, sẽ bố trí thêm phòng cách cách ly, mức độ cao nhất là toàn bộ bệnh viện sẽ trở thành đơn vị cách ly.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 1 trong 2 cơ sở trong cả nước có hệ thống xét nghiệm chuẩn quốc tế. 12 máy xét nghiệm của bệnh viện có khả năng xét nghiệm được virus Corona gây ra hội chứng Mers, cho kết quả sau 4 giờ đồng hồ.

mers
Bệnh Mers đang khiến Hàn Quốc vô cùng lo ngại (Ảnh minh họa)

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, quy mô hơn 30 giường bệnh, ngoài việc trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho cán bộ, nhân viên y tế đã bố trí khám cho bệnh nhân hô hấp tại phòng khám riêng.

Theo phương án đối phó với dịch Mers-CoV của bệnh viện, nếu có từ hơn 10 bệnh nhân Mers-CoV trở xuống sẽ cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, khi có thêm nhiều bệnh nhân và trường hợp mắc bệnh nặng thì sẽ chuyển tuyến trên điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện nâng cao mức độ cảnh giác và ứng phó với dịch Mers-CoV. Bệnh viện phải tăng cường và đảm bảo cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nếu phát hiện nghi ngờ, đặc biệt cần tập huấn và cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, bệnh viện không ngừng thông tin tuyên truyền tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng chống dịch bệnh Mers-CoV của Bộ Y tế. Đặc biệt, triệu chứng lây bệnh của Mers-CoV rất giống với các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt, chính vì vậy đối với khu vực phòng khám và các khoa khám bệnh phải bố trí phòng khám cách ly.

Bình quân, mỗi ngày có gần 2.000 người Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và gần 1.000 người qua sân bay Nội Bài. Vì vậy, Bộ Y tế đã triển khai  không chỉ Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà tất cả các cửa khẩu quốc tế đều được tăng cường kiểm tra giám sát, thực hiện giám sát thân nhiệt hành khách. 

Theo bộ trưởng Tiến, bệnh lây từ người sang người nên việc phòng chống cần được quan tâm và tích cực chủ động. Tuy nhiên, bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh người dân không nên quá hoang mang, tuy hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc xin nhưng Bộ Y tế đã có những kế hoạch kĩ lưỡng để ứng phó trong trường hợp xấu nhất là dịch bệnh lây lan đến Việt Nam. 

Bộ Y tế đã có những cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ ban ngành, các chuyên gia và các tổ chức y tế thế giới để đưa ra các giải pháp cần thiết và cấp bách. 

Cách phòng tránh mà Bộ y tế khuyến cáo:

Thứ nhất không nên du lịch hoặc ký kết làm ăn với các nước Trung Đông và Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn này.

Khâu kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tất cả khách du lịch từ Trung Đông và Hàn Quốc phải khai rõ tình trạng sức khỏe của mình với cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình bằng cách vệ sinh tay chân, răng miệng sạch sẽ, tránh tập trung ở những nơi đông người, nhất là trẻ em.

Đối với Ban chỉ đạo và phòng chống dịch bệnh, phải có sự cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, phải thực hiện giám sát cộng đồng những ca bệnh nghi ngờ hoặc những ca đi về từ vùng có dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch trong việc tập huấn cho cán bộ y tế trên khắp 63 tỉnh thành trong việc giám sát, xử lý các ca bệnh nếu có xuất hiện.

Chia sẻ