Các loại hoa hay được dùng ngày Tết nhưng lại chứa chất độc chết người, lưu ý cắm đón năm mới

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Nhiều loại hoa đẹp nhưng có độc, được khuyến cáo không nên bày vào dịp Tết vì có thể gây hại sức khỏe.

Vào đầu năm mới, nhiều gia đình giữ thói quen cắm hoa để hi vọng những điều may mắn sẽ đến cho cả gia đình. Nhiều loại hoa cắm vào dịp Tết được cho rằng sẽ đem lại vượng tài cho gia chủ. Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít loại chứa chất độc, thậm chí cả chất kịch độc có thể gây tử vong.

4 loại hoa hay được dùng ngày Tết nhưng lại chứa chất độc nguy hiểm

1. Hoa cẩm tú cầu

Hoa cẩm tú cầu, còn được biết đến với tên khoa học là Hydrangea, có chứa một chất độc gọi là glycoside cyanogenic. Khi các phần của cây bị phá hủy, chất này có thể giải phóng axit cyanidric là một chất rất độc.

Nếu nuốt phải, nó có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, ngứa ngáy, nôn ói, đổ mồ hôi. Trong một số trường hợp nhiễm độc nặng có thể dẫn đến hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu và tử vong.

2. Hoa thủy tiên

Hoa thủy tiên chứa chất độc alkaloid. Khi ăn phải, chất này có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây co giật hoặc suy tim. Đặc biệt, củ của hoa thủy tiên chứa hàm lượng chất độc cao hơn so với các phần khác của cây.

Ngoài ra, rễ cây thủy tiên còn chứa khoảng 0,06% narcissin. Đây là chất độc thay đổi theo độ tuổi của cây. Nếu ăn phải chúng trước khi cây ra hoa thì người dùng sẽ bị giãn đồng tử, tim đập nhanh. Ăn sau khi cây ra hoa sẽ có triệu chứng tiết nước bọt, toát mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy.

3. Hoa đỗ quyên

Hoa đỗ quyên cũng như tất cả bộ phận của cây này đều chứa chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Chất độc andromedotoxin nếu ăn phải có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn mửa, yếu đuối, chóng mặt, mất phương hướng, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.

Trong khi đó, chất độc arbutin glucoside có khả năng gây hại cho gan và thận nếu được tiêu thụ ở liều lượng cao hoặc trong thời gian dài. Tiêu thụ arbutin có thể dẫn đến các triệu chứng như kích ứng dạ dày, đau bụng, ở mức độ cao hơn có thể gây ra tổn thương gan và thận. Do đó cần tránh việc ăn phải hợp chất này và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có dấu hiệu ngộ độc.

4. Hoa phi yến

Hoa phi yến trồng hoặc cắm trong nhà vào mùa xuân. Tuy nhiên, loại hoa này chứa các alkaloid diterpenois, bao gồm cả methyllycaconitine - có độc tính rất cao. Hoa phi yến cũng như các bộ phận của nó đều độc, trong đó phần độc hại nhất là chồi mọc vào mùa xuân. Cây trở nên ít độc hơn khi chúng trưởng thành vào thời gian tiếp theo.

Ở một số nước như Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng. Lượng 2mg chất alkaloid có thể gây tử vong ở người lớn. Còn trẻ em có thể bị viêm da nghiêm trọng khi chạm vào hoa, hoặc phản ứng ngộ độc nếu ăn.

Ngoài các loại hoa nói trên, cây kim tiền cũng được xếp vào danh sách cây để trong nhà có độc mà mọi người cần cẩn trọng.

Cây kim tiền không chứa chất độc mạnh nhưng các phần của nó vẫn có thể gây kích ứng nếu ăn phải hoặc tiếp xúc. Cây có chứa canxi oxalat, nếu chẳng may ăn phải có thể gây kích ứng niêm mạc miệng và cổ họng, gây sưng và đau. Trong quá trình nuốt vào dễ bị bỏng rát, nôn mửa, đau dạ dày và tiêu chảy.

Lưu ý cắm hoa chơi Tết tránh nhiễm độc đáng tiếc

Giới chuyên gia khuyến cáo, cắm hoa, chơi hoa dịp Tết tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người nhưng chú ý đảm bảo an toàn. Chị em cần chú ý loại hoa, vị trí đặt bình hoa, chậu hoa, nhất là trong gia đình có trẻ con, thú cưng...

Sau khi cắm hoa hoặc tiếp xúc với bất cứ loại hoa, cây cảnh nào cần chú ý rửa sạch tay, tránh tiếp xúc với nhựa hoặc dịch của cây, hoa. Bạn cũng có thể lựa chọn các loài hoa truyền thống và an toàn cho dịp Tết như hoa mai, hoa đào, cúc, lan... tránh những rủi ro đáng tiếc.

Chia sẻ