Cái kết cổ tích cho câu chuyện "chú chó mù nằm trong giỏ đánh giày"?

Hương Thu,
Chia sẻ

Sau khi bức ảnh về người đánh giày và chú chó mù lan truyền, thì nhanh chóng đã có rất nhiều người đã tìm đến thăm hỏi, giúp đỡ hai nhân vật trong câu chuyện ý nghĩa này.

Bức ảnh về chú chó nhỏ nằm gọn gàng trong túi xách của người đánh giày đã khiến bao người thú vị với sự đáng yêu. Càng cảm động hơn khi biết được chú chó con đã mù hai mắt từ khi mới sinh, và chính người chủ cũng bị câm, tay bị liệt và chân mang tật. Chủ làm nghề đánh giày, sống vạ vật via hè, góc đường gần 20 năm ròng. 

Người đánh giày tên Trần Khắc Ân này rất yêu chó. Dù nghèo, dù chú cún có bị mù anh vẫn chăm sóc ân cần. Và có người trả cả tiền triệu để mua chú chó anh cũng không bán. Chủ đâu, tớ đó, cuộc sống một mình, không gia đình càng khiến người đánh giày yêu thương, xem chó như một người bạn tri kỉ. 

danhgiay1
Sau khi câu chuyện được đăng tải, đã có rất nhiều người đến vỉa hè đường Thái Văn Lung (quận 1) để tìm người đánh giày và chú chó mù nhằm thăm hỏi, giúp đỡ.

danhgiay2
Người dân ở đây cho biết, từ sáng đã có nhiều người, nhất là các ban trẻ hỏi tìm anh đánh giày Trần Khắc Ân cùng chú chó mù. Càng về tối lại càng nhiều người tìm gặp. Cả một góc vỉa hè trở nên đông đúc, tấp nập.

danhgiay3
Họ mang theo đồ ăn nhanh, bánh mì, xúc xích, sữa, đồ ăn, đồ chơi cho chó... đến tặng người đành giày tốt bụng.

danhgiay4
Bạn Lương Bảo Ngọc (áo tím) tặng thêm quần áo, đồ ăn và biếu anh Ân 300 ngàn đồng.

danhgiay6
Một số người khác thì mang giầy của mình đến nhờ anh Ân đánh và trả dư số tiền công. Anh Ân diễn tả bằng ngôn ngữ cơ thể, cả ngày hôm nay không đi đâu được, chỉ ngồi góc này đánh giày.

danhgiay7
Bạn Trần Lê Quân (22 tuổi, đeo kính) chia sẻ: "Em biết câu chuyện này sáng nay. Đọc xong mà em rưng rưng nên muốn giúp đỡ một phần dù rất nhỏ cho chú chó và người chủ. Em có mang theo đôi giày nhớ anh Ân đánh giùm. Thay vì trả 15 ngàn thì em trả công 50 ngàn luôn ạ".

danhgiay8
Hình ảnh chú chó mù hai mắt gây xúc động cho nhiều người. Vì vậy, ai cũng muốn âu yếm, vuốt ve và mang nhiều đồ chơi, thức ăn cho chú chó.

danhgiay9
Bạn Trương Ngọc Đỗ Quyên âu yếm chú chó mù.

dangiay
Và càng về tối, lại càng nhiều người tìm đến người chủ và chú chó mù.

danhgiay10
Các thành viên nhóm Cứu trợ động vật mang theo quần áo, thức ăn đến tặng và xem tình hình chú cún. Nhóm dự định sang tuần sẽ  đưa chú cún đi chích ngừa và khám mắt. Các bạn cũng gom góp để có thể tìm xuất cơm hàng ngày cho anh Ân.

danhgiay11
Vì có quá nhiều người ẵm bế, âu yếm nên chú cún tỏ ra khá mệt, nằm nép vào chân người chủ đang đánh giày.

danhgiay12
Đến tối, đã có rất nhiều người tặng quà. Nhân viên khách sạn gần đó phải ra đường hỗ trợ anh mang quà tặng đi cất.
Anh Cao Quang Minh (nhân viên khách sạn) chia sẻ: "Anh em nhân viên cố gắng sắp xếp một góc dưới hầm để anh đánh giày để đồ".

danhgiay14
Gầm thang của khách sạn này cũng là nơi anh Ân được nhân viên cho ngủ nhờ suốt 4 năm nay. Họ cho biết, rất vui mừng khi anh được nhiều người quan tâm, giúp đỡ.

danhgiay15
Anh Ân tươi cười khoe các món quà mà những tấm lòng thơm thảo tặng mình. 

Hai số phận khốn khó nương tựa vào nhau - người đánh giày bị câm và chú chó nhỏ không được nhìn thấy ánh sáng - một câu chuyện tưởng như chỉ tồn tại trong cổ tích đang có thật tại Sài Gòn, bên một mái hiên trú tạm, người chủ nghèo vẫn hàng ngày chia sẻ miếng cơm manh áo vốn đã chẳng đủ no, đã không đủ lành cho chú chó, rồi hàng ngày xách nó đi cùng những lần mình đánh giày mưu sinh.

Người đàn ông và chú chó mù từ ngày hôm nay đã không còn cô đơn nữa. Họ nhận được nhiều giúp đỡ, nhiều yêu thương. Nhưng, giúp đỡ ra sao cho đúng, yêu thương thế nào cho phải, để số phận những con người khốn khó tốt lên, không xáo trộn những an lành cũ, lại là một chuyện cần phải nghĩ, phải tính toán kĩ càng. Sẽ là rất vui nếu thi thoảng, các nhóm bạn dừng lại và chơi cùng anh với chú cún. Nhưng việc cứ đòi mang em cún đi khám bệnh, đi tiêm phòng có thể sẽ khiến em cún mệt thêm và đổ bệnh. Một nhóm bảo vệ động vật nào đó có thể đứng ra, giúp anh khám cho chú cún khoẻ hẳn. Rồi các bạn khác có thể đưa lời khuyên để anh bảo vệ chú cún của mình khỏi kẻ xấu muốn bắt chú đi. 

Anh đánh giày dù nghèo và vất vả, nhưng tuyệt nhiên không ngửa tay xin tiền của ai và thậm chí còn khó chịu khi quá nhiều người tìm đến tặng cái này, cho cái kia. Vậy thì việc cứ ồ ạt kéo đến và cố dúi vào tay anh nào tiền, nào quần áo liệu có phải là đúng? Anh đang sống một cuộc sống chân chính của một người lao động chân chính, và sẽ là một sự thiếu tôn trọng nếu ta cứ cố nhìn anh giống như một "trường hợp đáng thương cần giúp đỡ". Thay vào đó, tuần sau tháng sau hay thậm chí lâu nữa, thi thoảng bạn hãy tạt qua để đánh một đôi giày, hẳn anh sẽ rất nhiệt tình đánh giày cho bạn và vui vẻ mà nhận tiền công.

Bởi vì, suy cho cùng, đây là một câu chuyện đẹp về hai người bạn nương tựa vào nhau giữa Sài Gòn bận rộn, share đi để thêm yêu thêm thương Sài Gòn, chứ không phải một câu chuyện về hai mảnh đời bất hạnh đang cần bạn dang tay cứu vớt.
Chia sẻ