Cải thiện chiều cao cho bé

Phương Nam,
Chia sẻ

Một trong những điều kiện tuyển, diễn viên, MC, người mẫu,... là chiều cao. Chân dài không chỉ là ước mơ của nhiều cô gái, chàng trai mà còn là của các phụ huynh có con chiều cao khiêm tốn.

Từ thiếu hormone...

 Ngọc Thu là con một trong gia đình khá giả, mặc dù được cha mẹ chăm sóc cho ăn uống đầy đủ nhưng em vẫn thấp hơn các bạn cùng tuổi. Theo sự chỉ dẫn của người quen, gia đình đã đưa em đến Khoa nội tiết bệnh viện Đại Học Y dược TP.HCM. Sau khi chụp X-quang tuổi xương, kiểm tra kích thích hormone tăng trưởng... kết quả: Ngọc Thu bị thiếu hormone tăng trưởng. Điều trị từ năm 2004 đến nay, Thu đã cao lên được 1m52.

 BV Đại học Y dược TP.HCM đã triển khai điều trị trẻ em chậm tăng trưởng chiều cao từ tháng 9/2004. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2004 đến tháng 6/2007, có 14 em được chuẩn đoán là chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng, trong số này có 9 em (gồm 7 nam và 2 nữ) được điều trị. BS Trần Quang Khánh - bộ môn nội tiết Đại Học Y dược TP.HCM cho biết: "Sau 2 năm điều trị, chiều cao các bé tăng trung bình 20,4cm".

 Khó khăn mà BS Lê Quang Khánh nhận thấy trong quá trình điều trị là tuổi phát hiện bệnh muộn hơn nhiều so với các nước khác từ 3 - 5 năm, do sau khi điều trị nhiều nơi nhưng chiều cao không cải thiện mới tìm đến Khoa Nội tiết.

 Kế đến là khó khăn do chi phí điều trị, mỗi tháng từ 8 - 9 triệu đồng, khi chiều cao đã ổn định sẽ điều trị duy trì một tháng khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng tiền thuốc. Nhiều trường hợp ở các tỉnh miền Tây cha mẹ đành dẫn con về vì không đủ tiền chữa trị. Nếu trong 6 tháng, con cháu mình không cao quá 4cm thì nên đưa đi khám.

 ... Đến kéo dài chân

 Những trường hợp đã qua giai đoạn phát triển chiều cao, nếu muốn có chân dài thường nhờ vào phẫu thuật kéo dài chi. Em V.D. thực hiện kéo dài chi tại BV Chấn thương Chỉnh hình kể: "Phẫu thuật chỉ để đặt khung kéo dãn xương. Ngay trong thời gian hậu phẫu, em phải tập đi với nạng, tập nâng chân, co gối... 10 ngày sau mổ, em bắt đầu kéo xương theo hướng dẫn của bác sĩ, 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần 0,25mm, sao cho xương dãn ra không quá 1mm/ngày.

 Mỗi lần kéo là mỗi lần cơ thể oằn lên đau đớn, đau từ bên ngoài đến bên trong chân. Mỗi tuần em phải chụp X quang xương một lần cho đến khi kéo dãn được 1cm. Với tốc độ này, mỗi tháng chân em dài được 2-3 cm.

 Theo BS Huỳnh Bá Lĩnh - BV Chấn thương Chỉnh hình: "Cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện 22 ca kéo dài chi thẩm mỹ, với số lượng nam nữ tương đương nhau. Ngoài ra còn gần 50 em kéo dài chi vì bị di chứng sốt bại liệt, tai nạn... Kỹ thuật kéo dài chi trước đây phải trên một năm mới tháo khung, nhưng với kỹ thuật mới chỉ trên 3 tháng đã tháo khung".

 Cách tăng chiều cao hiệu quả

 Có 3 giai đoạn tăng chiều cao: Trong thai kỳ, dưới hai tuổi, và dậy thì. Để tăng chiều cao cần chú ý dinh dưỡng. BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, hướng dẫn: Thai phụ nên uống thêm 500 - 600ml sữa/ngày. Nếu không uống được sữa thì ăn cá, tép nhỏ, mè, tàu hũ. Trong giai đoạn 2 năm đầu đời, thức ăn chủ yếu của bé là sữa nên giai đoạn này bé thiếu vitamine D và A. Nên cho bé phơi nắng sớm từ 15 - 20 phút mỗi ngày, bữa ăn dặm cần cho thêm mỗi ngày, cho uống vitamine A bổ sung theo chương trình quốc gia.

 Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (10 - 16 tuổi đối với nam và 12 - 18 tuổi đối với nữ) sẽ có 1 - 2 năm chiều cao của trẻ tăng vọt từ 8 - 12 cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Giai đoạn này cần ăn thực phẩm liên quan tới sự tăng trưởng chiều cao là sắt, iốt, canxi, vitamine D, vitamine A, kẽm, protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành, cam, chanh, cà rốt...

 Theo Phương Nam
Vietnamnet 
Chia sẻ