Càn Long trăng hoa khiến Phú Sát ôm hận đến chết, chuyện tình Đế - Hậu trong sử sách liệu có ngôn tình như “Diên Hi Công Lược”?

Ngọc Ah NF,
Chia sẻ

Bộ phim “Diên Hi Công Lược” đã khiến người xem ngưỡng mộ với mối tình khắc cốt ghi tâm của vị Hoàng đế đào hoa Càn Long với Hoàng hậu Phú Sát – người phụ nữ khiến ông nặng tình nhất giữa chốn hậu cung vốn không thiếu các phi tần mỹ nữ. Tuy nhiên, sự thật phía sau đó lại là một câu chuyện đầy day dứt.

Càn Long là một trong những ông vua nổi tiếng đa tình trong lịch sử triều đại nhà Thanh, Trung Quốc. Theo sử sách, trong suốt thời gian trị vì, vua Càn Long lập tới 3 hoàng hậu, hơn 40 hậu phi, chưa kể hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác. Giữa chốn hậu cung toàn những mỹ nhân xinh đẹp bậc nhất thiên hạ, ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho người vợ đầu tiên của mình – tức Phú Sát Hoàng hậu.

Hoàng hậu xinh đẹp, đức hạnh chiếm trọn trái tim của vị hoàng đế đào hoa

Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu (1712 – 1748) có xuất thân quyền quý nhưng lại có lối sống vô cùng giản dị, tiết kiệm. Năm 16 tuổi, bà lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Ung Chính và được chỉ định làm vợ của Tứ hoàng tử Hoằng Lịch – người sẽ trở thành Càn Long đế của Đại Thanh trong tương lai.

Càn Long trăng hoa khiến Phú Sát ôm hận đến chết, chuyện tình Đế - Hậu trong sử sách liệu có ngôn tình như “Diên Hi Công Lược”? - Ảnh 1.

Chân dung Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu - Phú Sát thị.

Tuy không sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành như nhiều vị phi tần khác nhưng Phú Sát Hoàng hậu lại được vua Càn Long hết mực yêu thương nhờ tính tình hiền lành, thục đức đoan trang. Không những quán xuyến hậu cung, giúp vua tập trung chuyện triều chính, bà còn là tri kỉ thấu hiểu mọi suy tư, phiền muộn của vua. Suốt thời gian tại vị, bà luôn cư xử hòa nhã, tốt bụng, ít thị phi, tranh sủng nên được các phi tần vô cùng yêu mến.

Sử sách ghi chép, một lần vua Càn Long mọc nhọt trên người, phải thay thuốc đều đặn trong 100 ngày. Vì lo lắng, Phú Sát Hoàng hậu đã tự tay chăm sóc mà không cần nhờ tới cung nữ, cho đến khi nhà vua hoàn toàn bình phục mới thôi. Ngoài ra, cách đối xử cung kính, một mực lễ phép với Thái Hậu - dù bà vốn có xuất thân thấp hèn - khiến trong cung kẻ trên người dưới đều tâm phục khẩu phục Phú Sát Hoàng hậu. Vì thế, không khó hiểu khi Phú Sát Hoàng hậu lại có một vị trí quan trọng trong lòng vị vua đào hoa mà không mỹ nhân nào có thể thay thế như vậy.

Đau thương chồng chất: Mất con, bị chồng phản bội, ôm nỗi u uất đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay

Phú Sát Hoàng hậu sinh Công chúa đầu lòng nhưng không may chết yểu khi mới 2 tuổi. Hai năm sau, bà hạ sinh tiểu Hoàng tử Vĩnh Liễn. Vì thông minh, sáng dạ nên vua Càn Long hết mực yêu thương đứa con này, thậm chí còn có ý lập Hoàng thái tử kế vị. Bất hạnh thay, lên 8 tuổi thì Vĩnh Liễn cũng chết yểu, để lại nỗi mất mát to lớn trong lòng nhà vua và Hoàng hậu.

Càn Long trăng hoa khiến Phú Sát ôm hận đến chết, chuyện tình Đế - Hậu trong sử sách liệu có ngôn tình như “Diên Hi Công Lược”? - Ảnh 2.

Phú Sát Hoàng Hậu do Tần Lam thủ vai trong "Diên Hi Công Lược".

Sau này, Hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử Vĩnh Tông, vua Càn Long lại dự định lập Vĩnh Tông làm Hoàng thái tử. Không ngờ, đứa bé cũng không sống được bao lâu vì bệnh đậu mùa. Việc liên tiếp mất con khiến Phú Sát Hoàng hậu phải chịu nhiều cú sốc tinh thần, ngày đêm chìm trong đau buồn, dẫn đến sức khỏe cũng suy kiệt. Càn Long đế muốn xoa dịu nỗi đau của người vợ mà ông hết lòng sủng ái nên đã đưa Hoàng hậu đi tuần du Giang Nam. Không ngờ đây cũng là chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của bà. Phú Sát Hoàng hậu không may nhiễm thương hàn và qua đời, hưởng thọ 37 tuổi.

Tuy nhiên, cũng theo sử sách ghi chép, sau cái chết đột ngột của Hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần, trong cung bắt đầu đồn đoán nhiều câu chuyện liên quan đến sự u uất của Hoàng hậu bấy lâu. Có tin đồn rằng, căn nguyên cái chết tức tưởi đó xuất phát từ sự trăng hoa của vị vua phong tình.

Chuyện kể rằng một ngày, vua Càn Long đưa Thái hậu và Hoàng hậu ra vườn chơi nhưng vô tình lại bị hớp hồn bởi một mỹ nhân với nhan sắc rực rỡ như hoa nở, thân hình uyển chuyển như cành liễu, khiến ông không còn thiết tha ngắm cảnh nữa. Nhà vua không thể rời mắt khỏi người đẹp, trong lòng lại nôn nóng muốn biết danh tính, đúng lúc này, cô gái mới bước ra thỉnh an, tự xưng là vợ của em trai Hoàng hậu, đại thần Nội vụ phủ Phó Hằng.

Càn Long trăng hoa khiến Phú Sát ôm hận đến chết, chuyện tình Đế - Hậu trong sử sách liệu có ngôn tình như “Diên Hi Công Lược”? - Ảnh 3.

Theo sử sách, căn nguyên cái chết tức tưởi của vị hoàng hậu đức hạnh một phần xuất phát từ hành động loạn luân của vị vua phong tình (Ảnh minh họa).

Vài ngày sau, nhân dịp sinh nhật Hoàng hậu, Càn Long hạ lệnh mở yến tiệc trong cung, cho mời tất cả họ hàng thân thích của Hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần đến tham dự, muốn nhân cơ hội này để triệu Phó phu nhân vào cung. Tại bữa tiệc, vua Càn Long cao hứng yêu cầu mọi người ngâm thơ, nếu ai không biết ngâm sẽ phạt uống rượu. Phó phu nhân không biết uống rượu nên vài chén mặt đã ửng hồng, đầu óc choáng váng, ngồi không vững, vì thế được thị nữ dìu đến cung khác nghỉ ngơi. Không lâu sau đó, Hoàng thượng cũng lặng lẽ biến mất.

Hoàng hậu không thấy nhà vua nên sai người đi tìm, sau đó nhận được tin báo cửa cung mà em dâu bà đang nghỉ ngơi đã bị khóa chặt, không thể vào trong. Lúc này bà mới lờ mờ nhận ra sự thật. Kể từ đó, tình cảm mà bà dành cho vua Càn Long cũng không được trọn vẹn như trước. Tuy không hề một lời trách móc nhưng bà lại nhìn vua bằng ánh mắt ai oán khiến ông vô cùng khó xử.

Cũng tại thời điểm này, Phú Sát Hoàng hậu liên tiếp chịu nỗi đau mất hai người con, trong lòng đau đớn khôn nguôi. Không lâu sau, bà mất khi ngồi thuyền trong chuyến đi tuần du với nhà vua.

Tình yêu day dứt đến tận cuối đời nhưng vẫn trải qua không ít cuộc tình phong lưu

Sự ra đi của Phú Sát Hoàng hậu để lại vết thương sâu sắc trong lòng Hoàng đế Càn Long. Ông đích thân đặt thụy hiệu cho Phú Sát Hoàng hậu là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu và tổ chức lễ truy điệu không dứt. Mọi đồ vật ở cung Trường Xuân – nơi ở của Hoàng hậu vẫn được giữ nguyên trạng. Càn Long Đế không cho tần phi nào vào ở nữa, mãi cho đến những năm cuối cùng trị vì, do thoái vị mà đành chấp nhận để tân phi tần vào đó ở.

Càn Long trăng hoa khiến Phú Sát ôm hận đến chết, chuyện tình Đế - Hậu trong sử sách liệu có ngôn tình như “Diên Hi Công Lược”? - Ảnh 4.

Càn Long đế thương nhớ Phú Sát Hoàng Hậu đến cuối đời nhưng vẫn trải qua không ít cuộc tình phong lưu (Ảnh minh họa).

Trong nửa năm đầu sau khi hoàng hậu mất, vua Càn Long ngủ không yên giấc, hay tỉnh dậy nửa đêm. Cũng trong quãng thời gian đó, nhà vua làm rất nhiều thơ. Với số lượng tác phẩm hơn 40 nghìn bài, trong đó những bài thơ tưởng nhớ Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu được đánh giá cao vì chân thành và xúc động. Ông làm thơ khi nhìn căn phòng cũ, quần áo và đồ đạc mà Hoàng hậu để lại. Mỗi năm tới ngày giỗ Hoàng hậu, vua Càn Long đều tới cung Trường Xuân tưởng niệm, một mình ngồi trầm ngâm trong khoảng thời gian dài. Ông vẫn giữ thói quen đó đến tận khi thoái vị.

Gia Khánh nguyên niên tức năm 1796, Càn Long - khi đó đã trở thành Thái thượng hoàng - đến thăm Hoàng hậu lần cuối cùng. 48 năm âm dương cách biệt, vua Càn Long cũng đã bước vào tuổi xế bóng của đời người, nhưng chưa lúc nào ông có thể quên bóng dáng của Phú Sát Hoàng hậu.

Nhưng dù có day dứt và nhớ nhung người vợ đầu tiên của mình đến đâu thì vua Càn Long vẫn được người đời biết đến là một trong những vị Hoàng đế đào hoa, đa tình nhất lịch sử Trung Hoa. Những cuộc tình phong lưu ngoài nhân gian, tiếng sét ái tình với không biết bao mỹ nữ xinh đẹp bậc nhất thiên hạ, những cuộc vui hoan lạc thông đêm với kĩ nữ, những chuyến xuất cung tìm kiếm giai nhân "đổi gió"… khiến người ta đôi khi lại thấy mâu thuẫn với vị vua vừa chung tình nhưng cũng không kém phần trăng hoa này.

Chia sẻ