Cảnh giác trước thịt, trứng nhập lậu

Beau - Tổng hợp,
Chia sẻ

Ngày 8/9, cơ quan chức năng Hải Phòng đã tiêu hủy 25.000 trứng Trung Quốc nhập lậu. Bên cạnh đó, các cấp Bộ, Ngành đang tích cực phòng chống thịt không được kiểm định.

Vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ nóng hổi như lúc này. Những nguy cơ tiềm ẩn từ các mặt hàng lậu, giả đang rình rập đe dọa sức khỏe người dân.

Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh là những địa bàn trọng điểm diễn ra tình trạng nhập lậu thịt gia súc, gia cầm.


Cục Thú y - Bộ NN-PTNT ngày 12/9 cho biết, thời gian qua, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật qua các tỉnh biên giới diễn biến rất phức tạp.

Theo đó, việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ Trung Quốc vào Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn thường xuyên diễn ra, nghiêm trọng nhất là ở địa bàn 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Tại Cao Bằng, mỗi tháng có khoảng 2.000 con trâu, bò và ngựa nhập lậu được hợp thức hóa bằng cách xin giấy xác nhận về việc mua bán của chính quyền xã sau khi thuê người dân địa phương dắt qua biên giới.

Tiêu hủy hơn 25.000 trứng gà Trung Quốc nhập lậu

Sáng 8-9, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường và Chi cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng đã kiểm tra xe tải BKS 14M-3991, thu giữ 8.400 trứng gà Trung Quốc nhập lậu đóng trong 20 thùng carton.


Lái xe Dương Ngọc Quang (ngụ quận Ngô Quyền) khai nhận chở số trứng gà trên từ cửa khẩu Móng Cái về Hải Phòng tiêu thụ.

Trước đó, đêm 7-9, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra một xe tải khác, thu giữ 40 thùng carton đựng 16.800 trứng gà Trung Quốc nhập lậu qua cửa khẩu Móng Cái chở về Hải Phòng tiêu thụ. Các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính lái xe, đồng thời ra quyết định tịch thu, tiêu hủy hơn 25.000 trứng gà nhập lậu.

Cận thận rau củ quả nhiễm phải thuốc bảo vệ thực vật giả

Mặc dù đã có những quy định về kiểm soát chặt chẽ nguồn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhưng với nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là chế tài xử lý chưa đủ mạnh, hiện nay các loại thuốc BVTV giả, kém chất lượng vẫn được bày bán phổ biến ngoài thị trường.


Theo bà Phùng Mai Vân - Phó Chánh thanh tra Cục BVTV thì có đến 12 - 14% số lượng các cơ sở sản xuất, gia công và cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV vi phạm các quy định quản lý của Nhà nước. Trong đó, các trường hợp vi phạm về quản lý hành nghề chiếm 60 - 65%, còn lại từ 35 - 40% vi phạm do buôn bán thuốc BVTV bất hợp pháp (gồm kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc...).

Đặc biệt, trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, số lượng buôn bán thuốc BVTV giả đang có chiều hướng gia tăng.


Chia sẻ