“Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” – thế giới dưới ánh Mặt Trời

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Cuốn sách khiến tôi tự nhủ, không lẽ cô gái với ngòi bút trẻ trung và hóm hỉnh này đã chán viết về những “gái trẻ” và “trai đẹp” mà chuyển sang “gái già”, “cáo già”?

Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình

Tác giả: Dương Thụy

NXB Trẻ
Giá bìa: 30.000
 
 
Xét ở một khía cạnh nào đó thì đúng là như thế thật. 12 truyện ngắn trong tập “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” vẫn chủ yếu đề cập đến chủ đề tình yêu, cuộc sống và tuổi trẻ. Nhưng tuyến nhân vật mà Dương Thụy lựa chọn đã ít nhiều đổi khác. Không chỉ là những cô cậu du học sinh, hay những chàng trai, cô gái mới kiếm được việc làm nữa, người ta bắt đầu tìm thấy bóng dáng của những người phụ nữ thành đạt, những thân phận rất “đàn bà”.
 
Họ có thể là một “gái ế” U40 (Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình), một phụ nữ thành đạt đề huề với cuộc sống gia đình nhưng lại luôn cô đơn và kiếm tìm những giấc mơ ở một phương trời xa xôi khác (Những giấc mơ của người đeo nhẫn) hay một người đàn bà với số phận éo le được cưu mang (Người phụ nữ ở nông trại Jacques Thomas).
 
 
Nhưng dù viết về “gái trẻ” hay “gái già”, thì người đọc cũng đều nhận thấy một điểm chung trong ngòi bút của Dương Thụy. Đó là cái chất “nữ quyền” hiển hiện trong mỗi một hình mẫu nhân vật. Những người đàn bà trong văn chương Dương Thụy thường là những phụ nữ có học thức, nhiều người thành đạt, giỏi giang với những suy nghĩ tân tiến trong bình đẳng giới. Những người phụ nữ ấy, dù có đôi khi bị “nam quyền” lấn át, bị phai mờ vai trò trong xã hội, nhưng kết cục thì bao giờ họ cũng tự đứng lên bằng đôi chân của mình, tự khẳng định mình, tự đi tìm tình yêu và hạnh phúc cho riêng mình. Người đọc có thể thấy điều này hiển hiện rất rõ trong câu chuyện “Những giấc mơ của người đeo nhẫn”, khi người phụ nữ Anh quốc mang tên Asuri bày tỏ niềm ngưỡng mộ với Thư – một người phụ nữ Việt Nam đã có chồng con và sang Anh công tác: “Tôi hâm mộ người biết biến giấc mơ thành hiện thực như em, darling. Còn tôi, em thấy rồi đó, tôi làm việc từ sáng sớm đến tối mịt trong căn nhà cho thuê này, từ việc nấu buổi sáng, dọn phòng, chùi cầu tiêu cho đến thức khuya mở cửa cho khách. Chồng tôi chẳng mó tay vào việc gì. Ở Anh mấy tháng qua em có thấy những người đàn bà Trung Á mặc áo choàng đen che kín từ đỉnh đầu đến gót chân, những phụ nữ châu Phi luôn gằm mặt đi sau lưng chồng, những cô gái Trung Hoa chỉ có thể kết hôn với người cùng chủng tộc? Dù sống ở một đất nước tự do luôn đề cao nữ quyền, chúng tôi đã không thoát được xiềng xích vô hình của những lề thói trói buộc phụ nữ. Có những phụ nữ bị ngược đãi, bị bạo hành, thậm chí bị giết chết. Luật pháp Anh che chở cho chúng tôi, nhưng chính bản thân chúng tôi không đủ sức bảo vệ cho chính mình. Chúng tôi cũng có những giấc mơ, rồi thất vọng với hiện thực và cuối cùng là không mơ mộng gì nữa!”.
 
 
Bên cạnh câu chuyện nữ quyền, cuốn sách của Dương Thụy còn một lần nữa mở ra cho người đọc những sự hòa trộn văn hóa vô cùng thú vị giữa phương Đông và phương Tây. Tôi đã từng đọc nhiều tác giả Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ viết về Châu Âu. Nhưng có lẽ, Dương Thụy là người duy nhất cho tôi cái cảm giác không khiên cưỡng nhất. Là một người Việt Nam, tôi yêu đất nước mình, nhưng văn chương Dương Thụy, ngoài cho tôi yêu những cảnh sắc của Sài Gòn, Hà Nội, còn cho tôi một lòng xao xuyến đặc biệt đối với một điệu nhảy flamenco trên con đường đẹp nhất Barcelona. Với Liège của những người yêu nhau khi mùa xuân về, những cội hoa hạnh đào bung cánh rực rỡ và nắng ấm phủ vàng góc phố. Với một Cambridge nên thơ, dịu dàng nhưng cũng đầy kiêu hãnh và ký ức về những cánh bươm bướm đủ màu bay chấp chới trên sông, hay những cánh đồng xanh tươi bạt ngàn của vùng ngoại ô Grenoble...
 
 
Mỗi câu chuyện của Dương Thụy như một bức tranh vẽ, một thế giới dưới nắng mặt trời ấm áp và nhiều xúc cảm. Dù cho đôi khi có những đoạn kết khiến người ta phải nhớ nhung vương vấn, phải tiếc nuối, băn khoăn... Nhưng văn chương Dương Thụy bao giờ cũng hướng con người, đặc biệt là tuổi trẻ sống đẹp hơn, lạc quan hơn, mãnh liệt hơn. Và bản thân tôi thì luôn tin rằng, đó là cái đích mà bất cứ tác phẩm văn học nào cũng phải hướng đến trong cuộc sống này.
Chia sẻ