Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại gọi là "BUỒN CƯỜI" - Tra từ điển mới biết từ "BUỒN" có nghĩa khác xa tưởng tượng

Thanh Hương,
Chia sẻ

Nếu biết nghĩa chính xác của từ này thì kiến thức của bạn cũng phong phú lắm đấy!

Trong cuộc sống khi gặp một sự việc thú vị, hài hước, chúng ta thường có câu cửa miệng "Buồn cười quá", "cái này buồn cười thật đấy". Dù hay nói nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu nghĩa của từ này. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại nói là "buồn cười" mà không phải "vui cười"? Sự việc vui mà sao lại dùng từ "buồn"?

Thực chất từ "buồn" ngoài nghĩa "không vui, rầu rĩ" thì còn có nghĩa khác. Theo cuốn Việt Nam tự điển (xuất bản năm 1931, dày 663 trang) của Hội Khai Trí Tiến Đức (một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20) thì từ buồn có nghĩa: Muốn, không nhịn được.

Chẳng hạn "buồn cười", nghĩa là "muốn cười", "không nhịn được cười", "buồn ngủ" nghĩa là "muốn ngủ", "chán chả buồn làm" nghĩa là "chán chả muốn làm",...

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao lại gọi là "BUỒN CƯỜI" - Tra từ điển mới biết từ "BUỒN" có nghĩa khác xa tưởng tượng - Ảnh 1.

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao lại gọi là "BUỒN CƯỜI" - Tra từ điển mới biết từ "BUỒN" có nghĩa khác xa tưởng tượng - Ảnh 2.

Lý giải nghĩa từ "buồn" trong cuốn Việt Nam tự điển (xuất bản năm 1931, dày 663 trang) của Hội Khai Trí Tiến Đức.

Ngoài nghĩa "không vui, rầu rĩ" và "muốn, không nhịn được" thì từ "buồn" còn có nghĩa khác là: "bị người ta cù mà nhột, không nhịn được cười". Chẳng hạn trong cuộc sống, chúng ta hay nói "cù buồn quá". 

Ngoài từ "buồn cười", Tiếng Việt còn rất nhiều từ khác mà bạn sẽ "ố á", ngạc nhiên khi biết nghĩa. Chẳng hạn như một loạt từ dưới đây:

- Nghèo rớt mồng tơi: Mồng tơi (mùng tơi) là phần trên của áo tơi dùng để che mưa nắng. Từ này hiện vẫn được dùng ở một số tỉnh miền Trung.

Mồng tơi thường được kết dày bằng các dọc lá tốt nên khi tơi rách thì mồng tơi vẫn còn nguyên. Áo tơi mà rớt mồng tơi là rách nát hoàn toàn, không thể che mưa nắng được nữa. Người mà dùng loại áo tơi này hẳn là rất nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

- Cún (chó con): "Cún" là một điệp thức của chữ "khuyển", nghĩa là "chó". Chữ này có phát âm trong tiếng Quan Thoại là "quăn", trong tiếng Quảng Đông là "hun", trong tiếng Mân Bắc là kụing, ít nhiều có sự gần gũi với từ "cún".

- Gà qué: Theo sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1, "qué" trong "gà qué" là một từ tiếng Thanh Hoá với nghĩa là "gà". "Gà qué" được Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giảng là "gà" (nói khái quát).

- Chỉ vàng: Theo Tầm nguyên từ điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ, từ "chỉ" trong "chỉ vàng" bắt nguồn từ tiếng Khmer là từ "chêk". Đây là một đơn vị có trọng lượng là 3,675 gram. Như vậy, "chỉ" là một đơn vị đo khối lượng, tương tự như tấn, tạ, kilogram, gram,… thường được sử dụng trong việc đo khối lượng vàng tại thị trường Việt Nam và có xuất xứ từ tiếng Khmer.

- Làm thinh: Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê là chủ biên có giải thích: "Làm thinh là cố ý im lặng, không nói năng hay tỏ thái độ gì".

Chúng ta sẽ hiểu như sau: "Thinh" = "nín thinh", "lặng thinh". Chữ "thinh" là biến âm của từ "thanh", nghĩa là tiếng động. Như vậy, "nín thinh" là nín tiếng, "lặng thinh" là lặng tiếng. 

Chia sẻ