Chàng Tiến sĩ mang mô hình mua bán, ký gửi túi xách "chanh xả" đi gọi vốn được Shark Liên và Shark Hưng đề nghị đầu tư gần 7 tỷ đồng

Froggy,
Chia sẻ

Kinh doanh hàng hiệu đã qua sử dụng đang là xu hướng được chú ý ở Việt Nam lẫn thế giới bởi những lợi ích và tác động tích cực mà giải pháp này mang lại.

Vừa mới đây, Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 4 đã lên sóng tập thứ 12 của chương trình, mang đến những startup vô cùng đặc biệt: Một StarGlobal 3D tích hợp trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nhằm mang đến những giải pháp số hóa trên nền tảng 3D, một Tanca giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý nhân sự của mình, đặc biệt hơn cả là Joolux – một startup cổ vũ xu hướng thời trang bền vững và bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng hàng hiệu, đặc biệt là túi xách.

Đến với Shark Tank Việt Nam, nam founder kiêm CEO Tạ Xuân Hiền của Joolux kêu gọi số vốn 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) để đổi lấy 10% cổ phần của công ty. Thông điệp mà Joolux muốn nhắn nhủ đến cộng đồng đó chính là việc tái sử dụng hàng hiệu là cổ vũ thời trang bền vững, qua đó giảm việc sản xuất hàng mới nhằm tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.

Chàng Tiến sĩ mang mô hình mua bán, ký gửi túi xách "chanh xả" đi gọi vốn được Shark Liên và Shark Hưng đề nghị đầu tư gần 7 tỷ đồng - Ảnh 1.

Toàn bộ những sản phẩm được cung cấp bởi Joolux sẽ được kiểm định một cách chặt chẽ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trước khi đến tay những người chủ mới. Nguyên tắc kiểm định những chiếc túi hiệu bằng công nghệ sẽ dựa trên 4 đặc điểm: lớp da bề mặt bên ngoài, lớp da bề mặt bên trong, logo in trên bề mặt da và logo in trên bề mặt kim loại. Những thông tin này sau khi được thu thập và gửi lên cơ sở dữ liệu, thuật toán AI sẽ tiến hành so sánh và đưa ra kết quả, với độ chính xác lên đến 99,1%.

Người sử dụng hàng hiệu trên thế giới đang khá lãng phí vì có những sản phẩm chỉ được sử dụng 1 đến 2 lần. Do đó, sự xuất hiện của Joolux sẽ làm cầu nối giúp những món hàng hiệu này có một "cuộc sống" mới, đến tay những cá nhân có nhu cầu. Mô hình chính mà Joolux mang đến đó chính là mua bán, ký gửi, bên cạnh dịch vụ kiểm định cũng như phục chế hàng hiệu.

Chàng Tiến sĩ mang mô hình mua bán, ký gửi túi xách "chanh xả" đi gọi vốn được Shark Liên và Shark Hưng đề nghị đầu tư gần 7 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ở thời điểm hiện tại, startup này đang hoạt động theo mô hình OTO (online to offline). Bên cạnh việc giao dịch trực tuyến, Joolux sở hữu hệ thống các cửa hàng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Cung cấp giải pháp có ý nghĩa và mang tính xu hướng đối với Việt Nam và thế giới, đồng thời đánh đúng tâm lý của chị em phụ nữ, Joolux nhanh chóng gây được thiện cảm và sự chú ý của hai "cá mập nữ" là Shark Liên và Shark Linh, riêng các Shark nam cũng vô cùng hứng thú với background khủng của Tạ Xuân Hiền vì trong phần giới thiệu, anh chàng có chia sẻ mình từng theo học Tiến sĩ tại Mỹ. Tuy nhiên, sau màn "hỏi thăm" để làm rõ tình hình sản xuất kinh doanh cũng như định hướng sử dụng vốn và phát triển startup trong tương lai, các "cá mập" bắt đầu nhận ra không ít vấn đề đến từ startup này.

Nhận thấy mô hình kinh doanh mang tính truyền thống của startup không hợp với "khẩu vị" công nghệ và chuyển đổi số của mình, Shark Bình nhanh chóng nói lời từ chối. Shark Linh cũng như Shark Phú cũng lần lượt nói lời từ chối vì không nhận thấy được tiềm năng cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của startup này trong tương lai.

Về phần mình, Shark Liên và Shark Hưng "song kiếm hợp bích", đưa ra offer 300.000 USD đổi lấy 60% cổ phần công ty. Trong đó 100.000 USD sẽ được góp bằng tiền và 200.000 USD còn lại sẽ được đóng góp bằng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, mức offer này quá thấp so với kỳ vọng của Tạ Xuân Hiền nên founder này đành nói lời từ chối hợp tác đầu tư cùng các Shark.

Chia sẻ