Chất tẩy trắng làm sạch thực phẩm thối

,
Chia sẻ

Những "mánh khóe" lạm dụng lưu huỳnh chống nấm mốc, làm màu; chất tẩy trắng làm sạch thực phẩm thối... sẽ tích tụ lâu dần chất độc trong cơ thể người dùng.

Sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm nếu tuân thủ đúng liều lượng sẽ giúp bảo quản và giữ các thuộc tính về mùi, hương vị hay màu sắc của thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, đã có không ít người lạm dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm, ngấm ngầm góp phần hủy hoại sức khoẻ của người tiêu dùng.

Lưu huỳnh chống nấm mốc, làm màu

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học công nghệ sinh học thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), một trong các "mánh khóe" dùng hóa chất trong chế biến thực phẩm là việc lạm dụng lưu huỳnh.

Thực ra, một số sản phẩm được sử dụng lưu huỳnh nhưng rất hạn chế với tỉ lệ cực nhỏ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở tư nhân dùng lưu huỳnh tràn lan để chống nấm mốc, làm màu...

Nhiều cơ sở cho măng khô vào dung dịch có lưu huỳnh để chống nấm mốc và làm màu. Ảnh minh họa Thu Hằng

Ví dụ cho măng khô vào dung dịch có lưu huỳnh để chống mốc và làm màu. Mặc dù, trước khi nấu sẽ phải ngâm và nấu bỏ nước nhiều lần nhưng cũng không thể hạn chế tác hại của hóa chất này.

TS La Thế Vinh, khoa Hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, lưu huỳnh có thể gây mùi sốc đối với cơ quan hô hấp, nhẹ có thể gây ho, viêm mũi họng, hay nặng hơn là các bệnh về hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi, thậm chí ở mức độ nặng có thể gây tổn hại hệ thần kinh.

Lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo, sử dụng lưu huỳnh bừa bãi và quá mức cho phép trong thực phẩm sẽ gây độc suy thận, bệnh phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của não...

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho hay, đã xuất hiện tình trạng sử dụng chất chống nấm mốc của gỗ, gạch vào thực phẩm. Chất này bị cấm đưa vào thực phẩm vì các tác hại như gây biến dị tế bào, sản sinh ra các tế bào có nguy cơ ung thư...

Thực phẩm có dùng lưu huỳnh hay hóa chất để bảo quản, tạo màu hay tẩy trắng, sau khi rửa sạch sẽ đảm bảo an toàn. Trong trường hợp sử dụng quá nồng độ, người dân có thể phát hiện bằng cảm quan như sau: Nếu bằng lưu huỳnh sẽ có mùi hắc, khó chịu khiến người ngửi dễ hắt hơi, khó thở. Còn hóa chất tẩy trắng như Natri Sunphít… sẽ có vị nồng kim loại.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội)

Chất tẩy trắng làm sạch thực phẩm thối

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay nhiều nơi sử dụng các chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, sunphít magiê, sunphua dioxit, natri oxit... để làm sạch thực phẩm đã hư hỏng, ôi thối. Về nguyên lý, các chất này đều được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng không được phép lạm dụng trong việc gian lận thương mại.

Thực phẩm bị ôi thối có rất nhiều chất độc, nhất là chất histamin được sản sinh trong quá trình chuyển hóa do ươn. Nếu ăn lượng cao chất này có thể gây nên ngộ độc như đau bụng đi ngoài, đau đầu nôn mửa, thậm chí gây chết người tức thì. Ở mức độ nhẹ, nếu không có biểu hiện tức thì, về lâu dài chất độc sẽ nhiễm vào cơ thể gây nên nguy cơ mù mắt, đau xương, thậm chí gây ung thư...

Nhiều người cũng hoang mang, lo lắng khi nghe tin đồn để chống nấm mốc, tẩy trắng thực phẩm, nhiều cơ sở cá nhân làm ăn không uy tín hoặc bà con ở chợ đã sử dụng chất chlorin cho thực phẩm.

ThS Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng Thực nghiệm (TTCN Sinh học và Thực phẩm Hà Nội) nhấn mạnh rằng chất chlorin thực chất là những chất có chứa gốc clo. Nếu thuộc dạng nguyên chất, chlorin có khả năng oxy hóa khử mạnh với vật liệu khi tiếp xúc, có khả năng tẩy mất màu ví dụ như nước javen.

Về cơ bản, chất này ít được sử dụng trong thực phẩm vì nó có tác hại nếu không được làm sạch trước khi sử dụng. Tùy vào từng loại sản phẩm, độ tồn dư hóa chất này có thể được đưa vào cơ thể gây nên ngộ độc cấp tính, cơ thể không đào thải được, hại cho gan thận...    

Những hóa chất độc hại sử dụng trong chế biến thực phẩm không tác dụng trong ngày một ngày hai mà nguy hại là sự tích tụ lâu dần trong cơ thể. Các độc chất này ngấm vào cơ thể dù với hàm lượng nhỏ, nhưng chưa kịp đào thải hết lại được tích tụ thêm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và gây nguy cơ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ.

TS La Thế Vinh

Theo Hiền Lê
Bee
Chia sẻ