Châu Á: Gia đình lung lay trong khủng hoảng

,
Chia sẻ

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động mạnh mẽ đến nền tảng và những giá trị truyền thống thuần túy trong các gia đình ở châu Á.

Trụ cột lung lay

Ở Trung Quốc, đại bộ phận thanh niên nông thôn đều đổ ra thành phố kiếm việc làm để nuôi gia đình. Tuy nhiên đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố, chỉ trong thời gian ngắn chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 20 triệu lao động nhập cư tại các thành phố lớn đã mất việc làm do hàng loạt các nhà máy đóng cửa và công ty phá sản. Dự đoán, con số này còn sẽ còn tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân trong vài tháng tới. Không thể tiếp tục trụ lại thành phố, họ phải trở về nông thôn và kéo theo một loạt hệ lụy cho cả gia đình.

Theo tạp chí “Outlook Weekly” của Tân Hoa Xã tháng 1/2009, việc bị sa thải và tranh chấp tiền lương đang khiến nhiều người dân lao động và gia đình họ rơi vào vòng xoáy của một loạt những rắc rối. Trong năm 2008, trên toàn Trung Quốc, số vụ liên quan đến giải quyết mâu thuẫn gia đình phải nhờ đến sự can thiệp của tòa án đã tăng gấp 10 lần so với năm 2007.

Tại một vùng nông thôn của tỉnh Tứ Xuyên, khi 90% đàn ông và thanh niên trở về nhà, họ đã trở thành “gánh nặng” cho gia đình do không còn nguồn chi tiêu từ khoản lương họ gửi về từ thành phố, đồng thời họ cũng không có nhiều việc làm ở quê hương để tăng thêm thu nhập.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông, những bi kịch gia đình phát sinh từ mâu thuẫn do thất nghiệp, tuyệt vọng về tương lai cũng có chiều hướng gia tăng. Chan Kiu-hung (người Hàn Quốc) đã trở thành nạn nhân của vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản khi toàn bộ số tiền mà cô cùng chồng đã dành dụm nhiều năm tan thành mây khói. “Tôi thực sự suy sụp, đau đớn và chỉ muốn tìm đến cái chết”, Chan nói trong nước mắt.

Những con số thống kê cho thấy tỉ lệ tử tự ở khu vực châu Á từ cuối năm 2008 đang tăng lên cùng với đà trượt dốc của khủng hoảng kinh tế. Gánh nặng đè lên vai cả gia đình do các thành viên người mất việc làm, người tiêu tan tài sản do chứng khoán rớt giá... đã tạo nên những áp lực về tâm lý không dễ dàng giải tỏa.
 
Paul Yip, một chuyên gia tư vấn phòng chống tự tử ở Hồng Kông cho biết, việc làm thực sự là một yếu tố sống còn tại các quốc gia châu Á, bởi hệ thống an sinh xã hội không tốt như các quốc gia phát triển, và quan trọng hơn cả là tâm lý “sợ ê mặt vì bị sa thải” của đại bộ phận đàn ông châu Á. “Ở phương Tây, việc tìm đến nhà tư vấn tâm lý khi có vấn đề là rất bình thường, nhưng ở châu Á, việc đi gặp một bác sĩ tâm thần là điều điên rồ”, Paul nói.
 
Kiếm tiền bằng nhiều cách để vượt qua khủng hoảng.

Phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân

Khi những người đàn ông không thể tự mình thoát ra khỏi những hệ lụy của việc mất việc làm hoặc phá sản, gánh nặng gia đình và những nỗi đau khổ tuyệt vọng hiển nhiên dồn lên vai phụ nữ và trẻ em. Đầu tháng 1 vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo rằng sẽ có thêm hàng chục nghìn trẻ em khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và châu Á Thái Bình Dương tử vong do hậu quả của khủng hoảng kinh tế.

Các quốc gia nghèo và đang phát triển ở châu Á chưa có đủ tiềm lực để thực hiện các gói cứu trợ như ở các quốc gia phát triển khác, do đó, nguy cơ sẽ có thêm nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng hoặc bị thiếu cân do các bà mẹ thiếu ăn trong giai đoạn mang thai là điều không thể tránh khỏi.

Tổ chức phi chính phủ Common Dreams cũng đã có bài phân tích “Khủng hoảng tài chính đe dọa những quyền lợi nhỏ nhoi của phụ nữ” dựa trên những nhận định về tác động của cuộc khủng hoảng đối với người phụ nữ trong gia đình, tại một hội nghị do LHQ tổ chức đầu tháng 3.

Ông Sha Zukang, phụ trách về các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ phân tích: “Suy thoái kinh tế luôn đặt một gánh nặng quá sức lên vai người phụ nữ. So với nam giới, phụ nữ phải làm nhiều công việc dễ bị tổn thương, nguy cơ thất nghiệp cao hơn, thiếu sự bảo vệ của xã hội và ít cơ hội tiếp cận cũng như quản lý các nguồn lực kinh tế”.

Theo ước tính của LHQ, 42-47 tỉ USD mỗi năm là tổng chi phí mà khu vực châu Á Thái Bình Dương phải bỏ ra để giải quyết những hậu quả của việc bất bình đẳng về cơ hội việc làm đối với phụ nữ, bởi phụ nữ chính là trụ cột trong nhiều gia đình tại châu Á, quản lý chi tiêu và chăm sóc con cái.

Bài toán này được Thelma Kay, Giám đốc bộ phận phát triển xã hội của Ủy ban Kinh tế và xã hội LHQ tại châu Á Thái Bình Dương chỉ rõ: “Phụ nữ đang phải một mình chăm sóc cho cả gia đình của họ với đồng lương eo hẹp hơn, nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, nhưng những nguồn này lại tương đối thấp hơn so với thu nhập của đàn ông”.

Phụ nữ châu Á  không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận những công việc rủi ro, chấp nhận bạo lực trong công việc, chỉ đơn giản bởi một nghịch lý: họ là trụ cột của gia đình. Thế nhưng, phụ nữ lại có nguy cơ đối mặt với nạn sa thải lao động hàng loạt cao hơn nam giới vì các ông chủ luôn có xu hướng cho rằng lao động nữ tốn kém hơn.  

Theo Gia đình/NY Times, Reuters, THX

Chia sẻ