Chiếc “xích lô bus” có một không hai

Đinh Liên,
Chia sẻ

Quốc lộ 21A một buổi trưa nắng gắt, đoàn xích lô chở hàng chục đứa trẻ lăn bánh chầm chậm. Trên xe, tiếng hát hò, cãi vã, trêu chọc lẫn nhau làm náo động cả đoạn đường vắng vẻ…

Hình ảnh những chiếc “xe bus hai bánh” ngày ngày đưa trẻ đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân thị trấn Mỹ Lộc (Nam Định) từ 5 năm nay. Mô hình “xích lô chở chữ” ở vùng quê nghèo đã góp phần vào công tác khuyến học, đảm bảo an toàn cho hàng trăm đứa trẻ khi băng qua đoạn đường nguy hiểm để đến trường.

Mô hình khuyến học cấp… làng!

Chiếc xích lô của ông Bùi Văn Hoản về đến đầu thôn, lại rẽ theo từng con ngõ nhỏ. Ngày nào cũng thế, bốn lượt ông đưa đón lũ trẻ tận nhà. Lau giọt mồ hôi ròng ròng trên gương mặt, ông nói: “5 năm nay, ngày nào tôi cũng phải thấy tận mắt bọn trẻ về với bố mẹ mới yên tâm. Xe cộ bây giờ chạy lộn xộn, chúng thì còn nhỏ, lại mải chơi, nhiều khi không biết nguy hiểm đang cận kề. Mình chở chúng đi học, trách nhiệm đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu.”

Thị trấn Mỹ Lộc không có trường tiểu học, các em nhỏ phải sang học bên xã Mỹ Hưng. Muốn sang được trường, lũ trẻ phải băng qua quốc lộ 21A và đường sắt Bắc - Nam. Thấy tụi nhỏ đi lại nguy hiểm, ông Hoản bàn với vợ bỏ nghề chở thuê than, nước… chuyển sang chở các cháu đi học. Nói là làm, ông lôi chiếc xích lô cà tàng ra tu sửa lại. Những tấm gỗ được kê làm ghế ngồi, chốt thêm thanh sắt làm lan can, tự tạo cái mui che phòng khi mưa nắng… Xong xuôi, ông gọi lũ trẻ quanh xóm lên ngồi thử, ông cháu đi một vòng quanh làng, giới thiệu về chiếc “xích lô bus” có một không hai.

Thấy mô hình đặc biệt, bà con chòm xóm đề nghị thành lập nên một đội xích lô ngày ngày đưa trẻ đến trường. “Thật tình, chúng tôi mong có những chiếc xích lô chở con, em mình đi học. Để chúng đi một mình thì không yên tâm, mà đưa đi đón về ngày bốn lượt thì bỏ bê công việc đồng áng”, anh Lê Văn Chỉnh, bố em My tâm sự.
 
Các em nhỏ lên xe chuẩn bị tới trường

Đội “xích lô khuyến học” với 12 chiếc cũng ra đời từ đó. Mỗi sáng, các bác tài phải dậy thật sớm, kiểm tra độ an toàn của xe, đúng 6 giờ sáng đi vòng quanh xóm đón từng trẻ đến trường. Xếp  đủ ghế  ngồi  đúng vị  trí  cho các  em, những chiếc  xe mới  bắt  đầu  lăn  bánh. “Gọi là đội xích lô làng, nhưng cũng có nhiều quy định cụ thể như: không được phép chở quá 12 em, không được để các em đi học muộn… Từ ngày tham gia vào đội xe này, tôi không còn rảnh rang, thoải mái như việc chở than, chở nước kiếm sống trước đây. Nhiều hôm đang ngồi trong đám cưới đứa cháu ruột, đến giờ cũng phải đi về đón các cháu,” “Bác tài” Lê Văn Tùng (thôn Quyn) kể.

Đoạn đường từ nhà tới trường học dài 3km, nhưng ngày nào cũng phải mất một tiếng đưa lũ trẻ đến trường. “Nhiều lúc, đưa chúng đi học xong, lại nhanh chóng đạp về cùng bà nhà tôi đi gặt. Sáu sào ruộng, mỗi mình bà ấy gánh vác. Gặt chưa được bao nhiêu, lại vội vã đạp xe đến trường đón các cháu. Tôi không dám đến muộn, sợ các cháu đợi lâu.”

Nhiều hôm, gặp khi trời mưa gió, một mình ông Bùi Văn Hoản không đủ sức đạp xe đưa trẻ đến trường. Vợ ông, bà Trần Thị Tú phải ra phụ giúp. Vợ đi bộ đằng sau phụ đẩy xe cho chồng đỡ mệt. Ông cười xoà: “Những lúc như thế, không chỉ mình tôi, mà cả bà nhà tôi cũng phải bỏ bê công việc. Gặt hái có thể để ngày mai, ngày kia, lúa vẫn còn ở đồng, chứ con chữ thì không ngày nào được thiếu. Tôi vẫn bảo các bạn “đồng nghiệp” rằng chúng ta đang phục vụ cho sự nghiệp giáo dục ở quê nhà. Thế nên ngày càng phải tận tuỵ với công việc của mình.”

Thấy mô hình “xích lô khuyến học” của thị trấn Mỹ Lộc mới mẻ, lại tiện ích. Thầy Đặng Xuân Trường -hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Hưng khuyến khích các thầy, cô giáo chủ nhiệm các lớp xin số điện thoại, liên hệ với các bác tài. “Nếu bão to, hay trời rét dưới 7 độ C, hoặc lớp đột xuất được nghỉ, các thầy cô giáo sẽ thông báo cho các bác tài được biết. Các bác tài sẽ thông báo lại cho các em. Tiện lợi hơn rất nhiều. Ngày trước, nhiều bậc phụ huynh đưa con đi học, mới biết được nghỉ, rất mất thời gian,” thầy Trường bày tỏ.
 
Nhân lên những niềm vui

Ngồi ở hàng ghế trên cùng, em Vũ Thị Linh (lớp 2) hồ hởi khoe: “Mẹ cháu là bác tài tốt nhất. Các bạn trong thôn Vạn Đồn đều đi xe của mẹ cháu. Chưa buổi nào mẹ cháu để chúng cháu phải muộn học cả. Đi xích lô vui lắm, ngày nào cũng có bao nhiêu bạn. Hôm nào ốm, cháu cũng mong nhanh khỏi để được đi học cùng các bạn.”

Bé Linh là con chị Vũ Thị Mùi (thôn Vạn Đồn) - người phụ nữ duy nhất trong đội xe xích lô. Ngày trước, chị chỉ chở con đi học, sau vì hàng xóm đến nhờ vả, chị vui vẻ nhận lời làm chân tài xế cho 12 đứa trẻ nghịch ngợm. Chị lo lắng: “Bọn trẻ hiếu động lắm, chúng đùa nghịch, trêu chọc nhau trên xe. Nhiều khi đang đi, có đứa nhảy phắt xuống. Tôi phải phanh gấp, nếu không sẽ đâm vào người cháu. Những lúc như thế, khiến tôi hoảng hồn.”
 
Ông Bùi Văn Hoản xem cẩn thận chiếc xe xích lô của mình trước khi chở lũ trẻ tới trường

Gắn bó với cái nghề này 5 năm, chị coi 12 đứa trẻ trên xe như con đẻ. Ngày ngày, chị dậy thật sớm, đến từng nhà đón các cháu. Chị thuộc lịch học, lịch sinh hoạt, lịch mặc đồng phục áo, mũ của chúng như lòng bàn tay. Sáng nào có em dậy muộn, ra khỏi nhà quần áo xộc xệch, quên đeo khăn quàng đỏ, chị đều nhắc nhở, hoặc chỉnh lại quần áo của chúng cho ngay ngắn. Khi nào các em đã ăn mặc tươm tất, chỉnh tề, xe chị mới bắt đầu khởi động. Hôm nào có một, hai em học thêm trên trường vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, chị cũng vui vẻ chở đến lớp.

Nhắc đến một kỉ niệm vui, ông Bùi Văn Hoản không khỏi bật cười: “xe của tôi có mấy cháu nhỏ mới bước vào lớp 1. Chúng còn sợ sệt và lạ lẫm. Sáng nào gọi đi học cũng tỉ tê khóc đòi ở nhà. Không biết làm thế nào, tôi phải mua kẹo, mang củ khoai, củ sắn luộc ở nhà thí cho cháu nín khóc. Cũng mất đến nửa năm mấy đứa nhỏ mới quen dần. Nhiều lúc thấy mình còn kiêm luôn cả chân giữ trẻ nữa.”

Tuổi đã cao, hôm nào trái gió, trở trời ốm nặng, ông phải nhờ anh con trai chở các cháu đi học. Những hôm như thế lòng ông nóng như lửa đốt. Ông lo lắng các cháu có bị trễ giờ hay không, liệu có xảy ra tai nạn trên đường đi lại… Thế nên dù có ốm nặng đến đâu, ông cũng mong cho chóng khoẻ để tự đưa các cháu đến trường. “Một ngày không trông thấy chúng, không được nghe tiếng hát, câu chuyện rất hồn nhiên, ngây thơ của lũ trẻ, tôi buồn lắm. Ngày nào đi học, ông cháu cũng tíu tít chuyện trò. Có chúng, niềm vui của tuổi già được nhân đôi.”

K
hông chỉ làm nhiệm vụ chở các cháu nhỏ đến trường, các bác tài còn kiêm luôn việc theo dõi tình hình học tập của các em. Cuối mỗi kì thi, các xe đều đua nhau về thành tích học tập. Xe nào có nhiều em được giấy khen, sẽ được tuyên dương. Nên lũ trẻ đua nhau học để được “về nhất”. Anh Lê Văn Lại (thôn Vạn Đồn) tự hào nói: “Năm 2008 xe tôi có 7 cháu được giấy khen. Có những cháu là học sinh xuất sắc. Cháu Linh nhà nghèo, nhưng năm nào cũng đứng thứ nhất trong lớp chọn. Thấy các cháu tiến bộ, tôi phấn khởi lắm. Cuối tháng đấy, lấy lương, tôi lại trích ra một ít tiền, mua cây bút, tập vở làm món quà tặng các cháu.”
 
Lên xe tới trường nào!

Đối với những học sinh mải chơi, lười học, anh Lại thường hay khuyên bảo, uốn nắn. Anh thường nói: “Làm nông dân như bác, như bố mẹ các cháu vất vả lắm, thu nhập chẳng đáng là bao. Phải cố gắng học giỏi để thoát nghèo.”

Anh cũng thường phân công các cháu học khá, kèm cặp cho các bạn học yếu hơn, cùng tiến bộ.

Sắp tới, đội “xe bus hai bánh” sẽ được mở rộng lên 20 chiếc, để phục vụ nhiều hơn cho phụ huynh có nhu cầu gửi con đi học. Biết được tin ấy, người dân thị trấn Mỹ Lộc ai cũng vui. Anh Lại  tâm sự: “anh em trong đội xe chúng tôi vẫn động viên nhau, làm tài xế thế này còn góp phần chở cái chữ đến với vùng quê nghèo. Đúng như mục tiêu “phục vụ cho sự nghiệp học tập” ở quê nhà. Thấy các cháu học giỏi, chăm ngoan, thế là tôi vui rồi.”

Nói đoạn, anh nhấn mạnh bàn đạp, dồn hết sức cho xe lên dốc. Chiếc áo bộ đội bạc màu ướt đẫm mồ hôi. Trên xe, 12 đứa trẻ lớp 1, lớp 2 hát vang vang. Tiếng cười đùa ríu rít vang lên trên con đường làng gồ ghề sỏi đá…
Chia sẻ