Cho trẻ uống nhiều nước ngọt: Coi chừng mắc gan nhiễm mỡ

BS. Trung Hưng,
Chia sẻ

Bệnh gan nhiễm mỡ (GNM) không chỉ gặp ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể mắc.

Gan là một trong những cơ quan chuyển hóa quan trọng nhất, đã từng được ví “là nhà máy hóa chất” lớn nhất của cơ thể. Những tổn thương trên gan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận khác. Chính vì vậy, cha mẹ không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh.

Dấu hiệu bệnh GNM ở trẻ

GNM ở trẻ thường có dấu hiệu không rõ ràng nên rất khó để phát hiện. Đa số bệnh nhân được phát hiện thông qua những bất thường nhẹ về chỉ số AST hoặc ALP khi đi khám bệnh. Ở trẻ mắc GNM, chủ yếu nguyên nhân là do chế độ ăn uống quá dư thừa chất, thói quen ăn nhiều đồ ngọt, lười vận động làm trẻ thừa cân, béo phì. Dấu hiệu GNM ở trẻ có biểu hiện như:

Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị đau sườn phải. Tuy nhiên, trẻ sẽ dễ dàng quên đi khi đang vui chơi. Và tất nhiên con không nói thì cha mẹ sẽ không thể biết.

Ở mức độ nặng hơn, trẻ sẽ có một số biểu hiện như: mệt mỏi, bỏ ăn, sưng bụng, buồn nôn, khó tăng cân... Trẻ có những dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa (đầy hơi, khó tiêu...)

Cho trẻ uống nhiều nước ngọt: Coi chừng mắc gan nhiễm mỡ - Ảnh 1.

Trẻ uống nhiều nước ngọt có ga, tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Nguy cơ GNM do uống nhiều nước ngọt đóng chai

Nhiều người thường cho rằng, chỉ uống rượu mới có thể ảnh hưởng tới gan, nhưng thực ra đường trong các loại thực phẩm cũng hủy hoại gan. Đường và rượu thực tế được chuyển hóa gần như hoàn toàn giống nhau trong gan, rượu chính là đường lên men.

Khi ăn quá nhiều đường từ các loại thực phẩm, đồ uống, đường được hấp thụ qua ruột đi thẳng vào gan. Đường bao gồm đường đơn glucose và fructose trước khi vào máu. Glucose chuyển hóa ở mọi tế bào trong cơ thể. Trong khi đó, fructose có trong chế độ ăn uống, chỉ chuyển hóa ở gan. Nếu ăn lượng vừa phải, fructose sẽ biến thành glycogen sau đó được lưu trữ ở gan. Nhưng ăn quá nhiều fructose sẽ làm gan quá tải, gan sẽ đầy glycogen buộc biến fructose thành chất béo tích tụ ở gan và các bộ phận khác trong cơ thể gây GNM và hội chứng chuyển hóa.

Do vậy, trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ lượng lớn fructose (thường là từ nước ngọt) dễ bị GNM. Căn nguyên sâu xa do hàm lượng fructose tiêu thụ trong loại thực phẩm này. Nhiều nghiên cứu chỉ rõ khẩu phần fructose trong chế độ ăn dẫn đến tăng nồng độ axít uric trong máu và nồng độ cao của cả fructose và axít uric đã được xác định ở những người bị GNM không do rượu. Nồng độ axít uric và tiêu thụ fructose trong chế độ ăn liên quan độc lập và tỷ lệ thuận với GNM không do rượu. Từ kết quả sinh thiết gan, các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng 37,6% số trẻ em và vị thành niên bị GNM. Trong số này, 47% có nồng độ axít uric cao, so với 29,7% số trẻ không bị GNM. Nhóm nghiên cứu đã tính toán lượng fructose chế độ ăn của các em và phát hiện ra rằng: Thực chất soda và các đồ uống có đường khác là nguồn cung cấp fructose chủ yếu; gần 90% số trẻ cho biết có uống soda và các loại nước ngọt khác ít nhất 1 lần mỗi tuần.

Cách phòng ngừa GNM cho trẻ

Sự phát triển của GNM ở trẻ em có thể ảnh hưởng rõ rệt đến tuổi thọ và chất lượng sống ở người bệnh. Do đó, việc hiểu được các yếu tố nguy cơ gây GNM ở trẻ là rất quan trọng. Hiện tại, chưa có loại thuốc nào đặc trị riêng cho bệnh GNM. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do bệnh lý như béo phì, mỡ máu... thì cần phải chữa khỏi những căn bệnh ấy trước. Điều trị GNM cần nhiều thời gian, vì vậy, ngay từ bây giờ, nên lưu ý cách phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Cách phòng ngừa GNM hiệu quả nhất cho trẻ là có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Hạn chế cho bé ăn những đồ cay nóng, đồ chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Và đặc biệt hơn là cha mẹ phải cho bé ăn nhiều rau xanh, củ quả. Các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể phải cân bằng, không được quá dư thừa sẽ dẫn tới béo phì. Tốt nhất nên giảm tiêu thụ soda và các loại nước ngọt khác để không dung nạp fructose.

Cho bé thường xuyên tập thể dục thể thao với các bài tập nhẹ nhàng. Với những em thừa cân thì cần tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ ăn và tập luyện phù hợp, kiểm soát cân nặng.

Nên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, làm các xét nghiệm thăm dò: xét nghiệm máu, men gan AST, ALT, siêu âm, có thể phát hiện ra bệnh về gan và mức độ tổn thương gan. Khi trẻ mắc bệnh thì cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ