Choáng chuyện luồn lách chạy trường cho con

,
Chia sẻ

Một gia đình đã chi 12 "vé" để con được đặc cách vào trường mà không qua thi tuyển..., câu chuyện về "chạy trường" được một số hiệu trưởng "hé lộ".

"Chạy trường" vào đâu?

Đón em vào lớp 1. (Ảnh minh họa: Bích Ngọc)

Nhiều năm liền là hiệu trưởng một trường tiểu học được đánh giá là "điểm" trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), áp lực tuyển sinh vào đầu cấp đối với bà Hằng là những câu chuyện dài, buồn vui lẫn lộn.

Năm nào, cũng có người hỏi chạy vào trường mất chục "vé" hay mười mấy triệu...

"Tôi nghĩ có thể là có nhưng bằng cách nào đó mà trường không thể biết. Số tiền đó, chẳng bao giờ đến tay hiệu trưởng", bà Hằng phân trần.

Hàng năm, số HS trái tuyến vào trường thường chiếm đến 50% chỉ tiêu. Những HS trái tuyến  sẽ do hiệu trưởng duyệt trực tiếp và ghi vào sổ tuyển sinh. Vì vậy, chỉ cần nói tên HS là trường có thể tìm ra "tiền" này rơi vào đâu.

Có HS sau khi đã vào học, ông bố đến đón con nói rằng, bố là bộ đội, mẹ làm nghề bán hàng. Trong khi, theo hồ sơ ghi nhớ thì HS đó, mẹ là giáo viên mầm non.

Vậy là, "tôi lập tức gọi anh này đến gặp, sự việc vỡ lở. Hiệu phó của một trường mầm non nọ đã đứng tên là mẹ để xin học cho HS này. Sau khi bị phát giác, vợ chồng của người chứng nhận, người xin học và người được xin học vội vàng đến nhà tôi nhận lỗi", bà Hằng ví dụ.  

Cũng là một hiệu trưởng lâu năm và kinh qua nhiều "trận mạc" tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Hiền, Trường dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) kể một vụ "chạy trường" bị phát hiện: Một gia đình đã chi 12 "vé" để con được đặc cách vào trường mà không qua thi tuyển. HS này đã được nhận.

Nhưng số tiền này lại qua quá nhiều cầu nối nên đã bị bà Hiền phát hiện do thông tin phụ huynh cung cấp không thống nhất...

Bất ngờ hơn khi người đến trường "xin" cho HS này là một người từng làm trong ngành giáo dục, nhưng  người này cũng lại đi "xin hộ" cho một người  khác (người này cũng là cán bộ ngành giáo dục)...

Thậm chí, ở một trường cấp 2 dân lập, một HS đã được "chạy" vào trường  bằng cách làm giả bảng điểm. Gia đình HS này đã mất gần 10 triệu đồng cho "cò mồi" nhưng cuối cùng, con mình vẫn không được nhận. 

Áp lực thì... lách

Đến mùa tuyển sinh, nhiều hiệu trưởng "trường điểm" cũng rất... "vui". Số máy lạ không nghe, người quen gọi thì bảo đi nghỉ mát Tam Đảo, Quảng Ninh... Do các trường hợp xin hộ, xin cho... rất nhiều nên nhiều khi bà Hằng... kín lịch các cuộc hẹn.

Ví dụ, UBND hẹn vào 1 buổi sáng. Vậy là, một buổi sáng có đến hơn chục xe ô tô xuống trường như đi... họp ủy ban. Giải quyết cho các trường hợp "đối ngoại" này, có khi đã chiếm hơn 1 lớp (60 HS).

Thậm chí, với những người thân quen, bà Hằng phải giao hẹn trước, nếu xin cho con, cho cháu thì phải "đặt lịch" sớm, từ tháng 4 để trường sắp xếp. Nếu đến tháng 6 mới xin thì đa phần  phải từ chối, vì không thể "nhồi" thêm được.

Một hiệu trưởng khác hiện đang quản lý một trường điểm ở quận Đống Đa cho hay, trường cũng phải dành một số suất cho các thầy cô giáo để họ còn trả ơn người này, người kia.

Tuy nhiên, để có  cơ hội này thì giáo viên phải đạt được những yêu cầu khá gắt gao như: phải đạt được thành tích giáo viên dạy giỏi, có những đóng góp tích cực trong dạy và học của nhà trường, đi dạy không vào muộn, không ra sớm...

Ngoài ra, dù chỉ tiêu tuyển sinh đã đủ nhưng do giải quyết quá nhiều "suất trái tuyến", "suất đối ngoại" nên nhiều trường phải cố gắng xin thêm vài chục chỉ tiêu, với lí do đảm bảo được cơ sở vật chất.

Cũng chính vì thế, nên những hiệu trưởng năng động đã dùng đến chiêu thức "lách" luật mà không ai "kêu" được.

Chẳng hạn, trong khi thành phố quy định, lớp 1 không vượt quá 40 HS/lớp, trường tuyển đúng 15 lớp 1, mỗi lớp 40 HS.

Nhưng với lớp 2, quy định kia "hết hiệu lực", trường dồn 15 lớp 1 thành 10 lớp 2. Như vậy, sẽ thừa ra một số phòng học để xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh.

Dĩ nhiên, với cách làm này, sĩ số các lớp trên sẽ bị đội lên. Thời kỳ cao điểm nhất, ở trường của bà Hằng, sĩ số 1 lớp lên đến 73 HS.

Có con cháu nên đành để vậy?

Biết vậy, nhưng nhiều nhà quản lý không có căn cứ để phạt. Mặt khác, nhiều cán bộ cũng có con, cháu đang học trong trường nên "đành" để vậy (?).

Bên cạnh đó, phụ huynh dù biết lớp đông nhưng cũng không ai chịu rút con ra hoặc chuyển trường cho con.

Đối với giáo viên, hiệu trưởng cũng có cách "lấy lòng" để họ không kêu ca. Một mặt, tăng cường thêm giáo viên khác hỗ trợ, mặt khác, lớp đông HS thì giáo viên sẽ thêm thu nhập nên việc dạy và học vẫn đảm bảo.

Nhận HS trái tuyến, nhiều trường còn "điều tra" để biết gia cảnh cũng như vị trí của mỗi phụ huynh trái tuyến để có thể nhờ giúp đỡ khi có việc.

Vì HS trái tuyến thường là những HS có học lực và điều kiện khá tốt, nên trường nào cũng muốn có tỷ lệ này. Hơn nữa, tâm lý phụ huynh cũng muốn cho con vào các trường điểm vì tin rằng ở đó con mình sẽ có điều kiện học tốt. Do đó, việc "chạy trường" đến hẹn lại lên, và "cung" thì thường  không đủ "cầu".

Theo Bảo Anh
Vietnamnet
Chia sẻ