“Chồng ơi, em không muốn là con dâu hư”

,
Chia sẻ

"Con cho vợ con về ăn Tết với ông bà ngoại. Không cho vợ con về gặp mẹ và cũng đừng để mẹ phải giáp mặt vợ con. Như thế đã quá đủ đối với mẹ rồi”.

Em đã cố gắng rất nhiều… nhưng “Nhà này cấm cãi mẹ”

Em và anh thuộc về những thế giới tôn giáo khác nhau. Mặc cho bố mẹ hai bên phản đối kịch liệt, em và anh đã cố gắng rất nhiều để đi tới cái đích cuối cùng là hôn nhân.

Hòa nhập vào cuộc sống gia đình nhà chồng, em không dám chê trách điều gì, chỉ thấy rằng “khái niệm” về sự quây quần và đầm ấm trong gia đình hình như không có.

Ban đầu em lạ. Cứ khoảng 1 tháng được mẹ gọi ra để “nói chuyện”. Mẹ phàn nàn đủ thứ: quét nhà không sạch, lau nhà còn sót chỗ nọ chỗ kia, sao mấy ngày nay làm gì mà lười thế…

Em tự thấy mình không lười, cũng chưa vụng đến mức làm việc nhà không xong. Em có giải thích vài câu, mẹ chỉ đáp lại: “Sao mày cứ cãi tao thế. Nhà này là cấm cãi lại mẹ, cứ làm để chứng minh đi". Lúc đó, em cũng chỉ tự nhủ mẹ thấy mình làm việc chưa xong thì nhắc nhở, có gì đâu và em sửa theo ý mẹ.

Duy chỉ có một điều. Từ nhỏ tới giờ, em chưa bao giờ phải trải qua hay chỉ tưởng tượng rằng mẹ ngồi trên bục cao giảng giải, con cái ngồi sụp dưới sàn để nghe như ở nhà mình.

Em cũng đã cố gắng tìm kiếm, học hỏi để rút kinh nghiệm giữa quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Đôi khi em nghĩ, cuộc đời mẹ đã quá vất vả nên hơi kỹ tính một chút. Nếu nhường mẹ để gia đình mình được êm ấm thì em luôn sẵn sàng.

Nhưng dần dần, em hiểu rằng mẹ không nói gì nhưng luôn xét nét không rời mắt những hành động và lời nói của em. Những suy luận của mẹ về lời nói của em thì không thể tưởng tượng nổi.

Dần dần em sợ mỗi khi nghe đến câu: “Ra mẹ nói chuyện” với tần suất không hề thay đổi. Em biết, mẹ muốn tất cả mọi điều em đều phải nghe theo ý mẹ. Lúc nào em cũng tự nhủ: “Nhờ có mẹ mà em có anh” nên em luôn cố gắng nghe lời, cố gắng sửa chữa mọi thứ để mẹ không phiền lòng.

Thỉnh thoảng mẹ lại bảo em: “Có người nói với tao rằng mày…”. Em có giải thích, mẹ lại phủ đầu: “Nhà này cấm cãi, không có đính chính gì hết”.

Em sợ mỗi khi nghe thấy "điệp khúc" : "Ra mẹ nói chuyện"

Và em không thể lúc nào cũng “nhịn”

Nhớ lại tết năm ngoái, hai vợ chồng mới cưới khấp khởi định đi mua đồ sắm tết. Mẹ đã “quán triệt” luôn: “Sắm sửa nhiều làm gì? Bánh kẹo không ai ăn. Hoa quả bày bừa ra”. Em chỉ muốn làm cho nhà mình có không khí Tết mà thôi.

Cuối cùng, hai vợ chồng cũng không dám mua gì hết. Chỉ mua thức ăn như ngày bình thường. Không đào, không quất, không bánh chưng xanh.

Chiều 30 tết, hai vợ chồng đi chợ hoa. Em nhìn thèm lắm mà không dám mua gì. Cuối buổi mua hai khóm cúc hết 10 ngàn. Về phải nói dối mẹ là họ vứt đi, con nhặt ngoài đường. Không cơm tất niên, không chúc mừng năm mới… Tóm lại là không có Tết.

Sắp đến Tết rồi, nhớ lại, em chỉ muốn khóc.

Lâu lâu gặp người bà con hay hàng xóm của gia đình mình, họ thường nhìn em với con mắt dò xét, khó hiểu và kết luận: “Con dâu cũng dễ thương đấy chứ, đâu có giống lời mẹ chồng nói”. Mấy cô bác họ hàng còn thương em, dặn em mẹ chồng khó tính lắm, em phải cố gắng sống và cẩn thận mọi điều. Đến ngay cả việc có thương bố mẹ đẻ cũng chỉ để trong lòng, “chứ bà ấy mà biết được thì khổ đấy!”.

Lúc em mang bầu gần 3 tháng, mẹ suốt ngày gọi em mắng mỏ về chuyện dọn dẹp nhà cửa chưa sạch sẽ, sao đợt này không lau nhà, lau cầu thang thường xuyên, sao không chà sàn nhà cho sạch… Hôm sau em tất tả đi dọn dẹp, mẹ ngồi trên võng nhìn em, rồi ra mở rộng hai cánh cửa sắt nhắc nhở em lau cả chỗ đó.

Em đã làm xong hết mọi việc… Rồi phải nhập viện… và điều kinh khủng nhất đã xảy ra. Em không còn giữ được đứa con của mình. Âu cũng là cái số chứ em không hề trách mẹ một lời nào. Nhưng điều em đau đớn hơn cả là mẹ hình như không thấy đó là một chuyện đáng đau buồn hay sao.

Về làm dâu của mẹ, em đã làm mọi việc theo ý mẹ: từ việc kinh kệ, mặc quần áo đi lễ, lời ăn tiếng nói… Tất cả em đều thực hiện đầy đủ và làm rất đúng mực. Duy chỉ có một điều, em không đeo cây thánh giá như lời mẹ dạy.

Vì em không thích đeo. Vì em không thích bị ép buộc.

Em đã xin mẹ trong mười điều, miễn cho em một điều cũng được. Em đơn giản nghĩ đấy là một chuyện nhỏ. Nhưng mẹ lại vin vào cớ đó, không ăn cơm, không nói chuyện với em, cho rằng em coi thường mẹ. Bài ca “mày đi, tao ở” được bắt đầu và mẹ cho thời hạn em trong một tuần. Vậy tất cả những gì em cố gắng đến này đều là con số 0 hết sao?

Em giật mình khi sáng sớm nhìn thấy những dòng chữ của mẹ để trên bàn: “Mẹ chỉ cho hạn hai vợ chồng con đến chủ nhật. Nếu không làm theo đúng lời mẹ dạy, con cứ việc tự do. Nhưng mẹ xin con một điều: tết này con phải ở nhà chở mẹ đi công việc riêng. "Con cho vợ con về ăn Tết với ông bà ngoại. Không cho vợ con về gặp mẹ và cũng đừng để mẹ phải giáp mặt vợ con. Như thế đã quá đủ đối với mẹ rồi”.

Và anh là người con có hiếu hay người đàn ông nhu nhược?

Anh là người chồng yêu chiều em hết mực và chia sẻ với em mọi điều.

Nhưng em có nên thất vọng về anh không? Một người đàn ông 30 tuổi còn sợ hãi tím mặt, run cầm cập và nước mắt lã chã mỗi khi bị mẹ mắng. Không dám lớn tiếng để bảo vệ vợ trước cái đúng.

Em có nên thất vọng về anh không?

Em biết anh là người người hiền lành chứ không phải nỗi nhu nhược. Hai vợ chồng mình đều sống trên tinh thần yêu thương và tôn trọng nhau, luôn bàn bạc để cùng giải quyết. Tuy nhiên, sao anh lại giống như "bị bắt vía" khi đối diện với mẹ.

Đa số mọi vấn đề, anh đều thuận theo ý mẹ. Anh cũng thỉnh thoảng cãi lại vì những áp đặt vô lý của mẹ. Nhưng từ ngày anh lấy em, nếu anh giải thích hoặc biện minh cho em, mẹ lại phản đối: “Mày cấm được to tiếng với tao. Mày bênh vợ mày. Từ ngày mày có vợ mày hỗn với mẹ chứ trước đây mày ngoan, mày thương mẹ, mày đâu có thế...”

Cũng thật khó cho anh. Biết làm thế nào giữa bên tình – bên hiếu?

Anh cũng đưa cho em giải pháp là ra ngoài ở riêng. Nhưng anh sẽ không ở với em thường xuyên được. Vì anh còn phải về với mẹ.

Em muốn anh hiểu rằng em chưa bao giờ có ý định chia cắt mẹ con anh. Em cũng chưa bao giờ ghét mẹ hay có ý nghĩ về cuộc chiến với bà, cũng chưa bao giờ có ý nghĩ hoặc việc làm để giành giật anh khỏi tay bà.

Tận trong thâm tâm, lúc nào em cũng thích anh săn sóc quan tâm mẹ nhiều hơn. Em chỉ mong mọi sự nhịn của mình có thể giải quyết ổn thỏa mọi sự khó chịu của mẹ để nhà cửa êm ấm.

Chuyện lần này, em quyết tâm làm theo ý mình, và sẽ ra ở riêng dù biết rằng là mẹ có thể từ mặt em. Em chỉ mong mẹ hiểu rằng em vẫn là con của mẹ. Em không làm theo ý mẹ lần này không phải là em chống đối hay có ý ăn thua với mẹ. Nhưng việc gì cũng có giới hạn của nó. Em cũng mong anh từ từ tác động tới mẹ để mẹ không còn ghét em. Và em sẽ làm tất cả để “chinh phục” mẹ từ đầu.

Có lúc em lại nghĩ hay em nên “giải thoát’ cho anh? Nhưng em cũng không muốn gia đình ta đi vào vết xe đổ của hai chữ "li dị"... Em đã cố gắng để không có gì phải ân hận. Em yêu hết mình, dám bỏ hết cả gia đình, công việc, tương lai hứa hẹn ở thời điểm đó để theo anh…

Biết đâu anh sẽ tìm được người vâng phục mẹ anh hơn em. Biết đâu...

T.H

(Tổng hợp)

 

Chia sẻ