"Chủ nợ" nghìn tỷ lên tiếng về các khoản vay của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC

PHA LÊ,
Chia sẻ

Không chỉ FLC, cá nhân ông Trịnh Văn Quyết cũng dùng không ít cổ phần Bamboo Airways thế chấp tại các ngân hàng này.

Chủ nợ nghìn tỷ lên tiếng về các khoản vay của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC - Ảnh 1.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đang có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021.

Trong cơ cấu nợ vay, ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại ngày 31/12/2021, FLC vay của Sacombank với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng.

Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.

Liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự, mới đây, Sacombank đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Thông báo cho biết, ngày 29/03/2022, Chủ tịch FLC Group - ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại Sacombank. Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính Phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid–19.

Cùng với đó, Sacombank khẳng định, hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.

Chủ nợ nghìn tỷ lên tiếng về các khoản vay của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC - Ảnh 2.

Lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways. Nguồn: Sacombank.

Ngoài Sacombank, FLC còn có các khoản nợ khác như tại NCB với dư nợ 584 tỷ đồng, OCB 573 tỷ đồng, BIDV 405 tỷ đồng, nợ trái phiếu ngắn hạn 150 tỷ đồng với Công ty Chứng khoán MBS và vay 80 tỷ đồng từ Agribank. Phần lớn hợp đồng vay vốn của FLC được ký kết trong hai năm 2020 - 2021. Các khoản vay của FLC có lãi suất thả nổi, theo từng khế ước nhận nợ, hoặc trong khoảng 7,5-10,5%/năm.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT, cho biết tổng dư nợ cả ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp "họ" FLC khoảng 8.400 tỷ đồng (chưa bao gồm Bamboo Airways do không công khai số liệu tài chính).

Chủ nợ nghìn tỷ lên tiếng về các khoản vay của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC - Ảnh 3.

Ảnh: VNF

Về phía FLC, tập đoàn này cũng khẳng định, vụ việc có liên quan đến việc cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức.

"Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Theo đó, vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn", phía FLC thông tin.

https://soha.vn/chu-no-lon-nhat-cua-ong-trinh-van-quyet-va-tap-doan-flc-len-tieng-ve-cac-khoan-no-nghin-ty-20220330093116242.htm
Chia sẻ