"Chung cư không chồng" Đà Nẵng: Con đói mà mẹ không có gì ngon cho con ăn

Phan Hằng,
Chia sẻ

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết âm lịch, vậy mà không khí ở khu chung cư không chồng vẫn vắng lặng.

Cuộc chiến của người mẹ và đứa con 8 tuổi với căn bệnh động kinh

Trong khi nhà nhà nô nức đón tết đến thì có một nơi dường như cái tết trở thành một cái gì đó xa xỉ mà họ chưa bao giờ có được trọn vẹn. Người ta gọi nơi ấy là “chung cư không chồng”, là nơi cư ngụ của 144 người mẹ đơn thân. Trong không khí tết cận kề nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn không có gì để sắm sửa, chuẩn bị cho Tết.

Góc sân quanh hiu của "chung cư không chồng".

Chúng tôi đến thăm nơi đây vào chiều ngày 23 tháng Chạp, ngày mà nhà nhà trong khắp đất nước Việt Nam tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo công việc một năm qua của các gia đinh. Khu chung cư mới xây cách đây tầm 7 tháng nên vẫn còn khá là mới. Ở khu Hòa Minh, Liên Chiểu này có khá là nhiều khu tái định cư mới xây nhưng khi hỏi “khu chung cư không chồng” ở đâu thì ai cũng biết.






Niềm vui lớn nhất Tết này của những chị em nơi đây là có một mái nhà khang trang mà trong mơ họ chưa bao giờ dám nghĩ tới...

Một số người nói rằng trước đây vì nơi ấy tập trung toàn những phụ nữ đơn thân nên gọi là chung cư không chồng, bây giờ thì nơi ấy đã có bóng dáng đàn ông rồi nên một số người gọi vui là “khu tái sinh”.

Nằm ngay sát ngoài đường ập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ tật nguyền đang chăm sóc một đứa bé còi cọc. Thấy vậy, chúng tôi liền tới hỏi thăm và được biết một câu chuyện hết sức đáng thương. Người phụ nữ ấy là Dương Thị Huệ (41 tuổi), còn bé tên là Dương Bình An (8 tuổi). Bé bị bệnh động kinh từ khi sinh ra đến nay. Chị Huệ cho biết đã đổ không biết bao nhiêu tiền thuốc để chữa cho Bình An nhưng bệnh của bé càng ngày càng nặng.


Chị Huệ và bé Bình Anh.

Trước đây chị Huệ buôn bán lặt vặt nhưng tiền mua thuốc ngoại mỗi lần tốn gần cả triệu bạc, số tiền ấy quá lớn trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn. Suốt ngày chạy khắp nơi vay mượn nên đã nghèo lại càng nghèo hơn. Vì bé sinh thiếu tháng nên sức đề kháng kém, đau ốm liên miên. Một lần bé sốt cao tới mức nguy hiểm tới tính mạng và thần kinh của bé bắt đầu có vấn đề từ đó.



Tiền thuốc men cho con khiến chị Huệ kiệt quệ

Chị Huệ cho chúng tôi xem những toa thuốc ngoại đắt đỏ giá hơn 700 ngàn, thuốc thì đắt nhưng không hiểu sao càng uống thì tay chân của bé càng teo lại. Chị vội cấp tốc đưa bé đến bệnh viện tâm thần để khám thì bác sĩ bảo không được dùng thuốc đó nữa, bắt đầu chuyển sang dùng thuốc nội. Thế là suốt 8 năm qua lúc nào chị cũng lo nơm nớp mỗi khi con mình lên cơn, lúc ấy chị chỉ biết khóc ròng mà nhốt con vào trong chiếc khung củi.

Chị nức nở nói với chúng tôi rằng : “Cô thật sự phải cám ơn chủ tịch thành phố Đà Nẵng, nhờ có ông mà những gia đình như cô đây có một mái ấm khang trang hơn. Cô đã xin được một chiếc xe lăn, chiều chiều cô thường hay dắt cháu ra ngoài chơi, có mỗi một đứa con nhưng lại bị thế này cô chẳng biết than trách ai bây giờ”.


Chị Huệ tận dụng mảnh đất nhỏ trước chung cư để trồng rau nuôi con.



Chị Huệ tăng gia thêm rau và mở cửa hàng để có đồng ra đồng vô cho con đi chữa bệnh.

Được biết ngay sau khi cô sinh con ra, rồi con bị thần kinh thì chồng cô bỏ đi biền biệt. Rơi vào hố sâu tuyệt vọng nhưng nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra của mình cô đành chấp nhận số phận. Hiện nay vì con ốm liên tục nên cô ở nhà, mở một tiệm nho nhỏ lấy tên là Bình An làm đồ chay để bán, tuy lâu lâu mới có đơn đặt hàng nhưng cũng có đồng ra đồng vô.

Ở khu chung cư này ai cũng đều có một hoàn cảnh đặc biệt, người thì bị chồng bỏ, người thì chồng chết, người thì già cả neo đơn… nhưng tất cả họ đều rất hạnh phúc kể từ khi được sống trong khu chung cư mới này, có một mái nhà khang trang vào tuổi xế chiều là một niềm vui rất lớn đối với họ.

Con đói mà mẹ không có gì ngon cho con ăn


Có những người phụ nữ một mình mà phải nuôi 2,3 đứa con cùng mẹ già cả. Cực khổ trăm bề, ở họ ngày qua ngày không biết thế nào là niềm vui. Niềm vui với họ rất giản đơn chỉ cần không phải lo miếng cơm manh áo là đủ rồi, không cần phải dư dả gì nhiều.

Khi đặt chân vào căn hộ của chị Nguyễn Thị Huyền, 48tuổi, thì tiếng khóc của trẻ con khiến chúng tôi phải nhói lòng. Nhà của chị khá lộn xộn, hơi bừa bãi một chút. Chị bảo rằng suốt ngày phải đi bán chuối ngoài đường. Hôm nay chị phải nghỉ vì đứa nhỏ bị ốm. 

Chị có 2 đứa con và đứa lớn thì đã nghỉ học nên ở nhà trông em. Bản thân chị cũng đau ốm liên miên. Nhìn khuôn mặt ốm yếu, gầy mòn của chị thật đáng thương, đứa bé thì cứ khóc lóc đòi mẹ cho ăn mà chị không có gì ngon cho con. Ít người cầm được nước mắt trước cảnh tượng này.


Chị Huyền ôm con khóc vì con đói mà chị không có gì ngon cho con ăn.

Chị kể rằng trước dây chị bán giải khát nhưng bị lỗ vốn. Sau đó, chị chuyển sang buôn bán cá nhưng rồi cũng chẳng lời được bao nhiêu. Chị đổi không biết bao nhiêu nghề nhưng vẫn không khá lên nổi.

Chị chỉ có một mong ước, đó là “chỉ muốn no bụng thôi”. 

Mặc dù mới có nhà mới nhưng chị cũng không có tiền sắm sửa. Trong nhà đến nổi một cái bàn, một cái tủ cũng không có. 

“Tháng này cắt trợ cấp nên nhà cửa cũng thiếu thốn đủ thứ, Tết nhất tới nơi rồi mà cô không có gì sắm sửa cho tụi nhỏ. Mới hôm qua cô nhận được 2 
bao gạo thay cho tiền trợ cấp”, chị nói trong nước mắt.


Chị Liên mừng vì Tết này có 15 kg gạo trợ cấp.

Chị Đặng Thị Kim Liên (56 tuổi) nhà hàng xóm với chị Huyền cũng không có chồng. Chị có 2 đứa con nhưng đứa con lớn (33 tuổi) bị thần kinh. Bản thân chị cũng bị tật nguyền ở tay nên cũng không lao động nặng được. Kể từ ngày chồng mất vì bị tai nạn thì một mình chị nuôi 2 đứa con. Chị cũng làm nhiều nghề mà hiện nay chị bán thuốc lá, giải khát vỉa hè. Chị kể buôn bán cũng tạm được, cũng có lời lỗ nhưng cũng sống đủ qua ngày. So với những gia đình khác thì gia đình chị cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Chung cư đã... có chồng

Ở chung cư không chồng này có những người phụ nữ thui thủi với đứa con tật nguyền của mình. Họ coi đứa con như một cái gì đó sót lại của niềm vui. Đa số những hộ nơi đây đều thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn, nuôi con tự túc. Thế nhưng trong số 144 hộ gia đình ấy vẫn có những người phụ nữ may mắn tìm được người bạn đời cho mình.

Chị Đặng Thị Mai (50 tuổi) đã tìm được bến đỗ của mình bên anh Lê Văn Thành (44 tuổi). Chị kể rằng chị có hai người con, 1 đứa thì 23 tuổi, 1 đứa 28 tuổi mới cưới vợ xong. Hai đứa đều không ở chung với chị. Chị bảo chị với anh Thành không làm giấy kết hôn vì hai bên gia đình không đồng ý. Thế là chị và anh ấy dọn về sống chung đã được 10 năm trời. Chị thì làm phụ hồ, còn chồng thì làm thợ nề. Chị tự thấy rằng so với hàng xóm trong chung cư, cuộc sống của gia đình chị thế này là không quá khó khăn và chị hạnh phúc vì vợ chồng yêu thương nhau.

Chúng tôi vào nhà chị đúng lúc gia đình chị đang tổ chức tất niên sớm, chị không có bà con gần nên làm một mâm cơm nhỏ rồi mời bạn bè về nhà ăn uống, nhậu nhẹt, âu đó cũng gọi là cho có không khí Tết.




Niềm vui bữa cơm tất niên sớm ở nhà chị Đặng Thị Mai

Chị nói tết năm nay gia đình chị sẽ sum họp, cả hai con của chị sẽ về đây ăn Tết cùng với chị nên chị khá là vui. Chị đã chuẩn bị tươm tất ngày Tết. Mặc dù mới dọn qua khu chung cư này vài tháng và đây là lần đầu tiên chị có được một cái Tết trong ngôi nhà đẹp như thế này. Chị hy vọng rằng sang năm mới mọi người ở khu chung cư này sẽ đỡ vất vả hơn.

Mặc dầu không được đón một cái tết sung túc, trọn vẹn nhưng tình người nơi đây rất ấm áp. Một cái Tết đơn giản chỉ là những người hàng xóm, láng giềng quay tụ bên nhau, cùng nhau kể những buồn vui suốt một năm qua và hy vọng về một điều gì đó tươi sáng hơn trong năm mới.
Chia sẻ