Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Tất tần tật những thông tin, kiến thức về tiền lì xì đều được cô Thúy đưa vào bài giảng để truyền đạt cho học sinh của mình.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội). Những chia sẻ của cô về bí quyết học hiệu quả cho con rất được nhiều phụ huynh yêu thích và tham khảo. 

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội).

Mới đây, bài giảng kỹ năng sống đặc biệt của cô về Tết, đặc biệt là tiền lì xì nhận được nhiều sự chia sẻ của các bố mẹ. Theo cô Thúy, vì bài giảng cho đối tượng học sinh lớp 2 nên cô chú trọng các vấn đề sau:

- Giải thích ý nghĩa phong tục tặng lì xì và sự trân trọng khi con được nhận lì xì.

- Giúp các con hiểu và có tâm lí thoải mái khi gửi lại tiền lì xì cho bố mẹ.

- Tránh tình trạng các con khoe khoang và so sánh tiền lì xì với nhau gây tính đố kị trong lớp.

- Giúp con bước đầu hình thành khái niệm tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý.

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 2.

Bài giảng kỹ năng sống đặc biệt của cô Thúy về phong tục lì xì ngày Tết.

Ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết là gì?

Là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và một số nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến trong năm mới.

Vì sao phải để tiền trong bao lì xì?

Phong bao lì xì cũng mang đến nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho sự kín đáo – không so bì. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền, mà là lòng mong ước cầu chúc cho con cháu vui khỏe, học hành tấn tới. Còn đối với người lớn tuổi thì có thật nhiều sức khỏe để bên con cháu thật lâu.

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 3.

Cô Thúy và các học trò cùng làm phong bao lì xì.

Thái độ khi con được nhận bao lì xì?

Khi con được nhận lì xì phải có thái độ trân trọng, mừng rỡ, vui vẻ, niềm nở, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết người lì xì cho mình.

Theo con, tiền lì xì trong dịp Tết có phải do con tự kiếm được hay không? 

Tiền mừng tuổi KHÔNG PHẢI là tiền con tự kiếm được vào dịp Tết. Các con nhớ ngày hội Xuân ở trường mình chứ? Hôm ấy chúng mình tự làm đồ ăn và bán cho các thầy cô và các bạn đúng không nào? Khi con bỏ công sức để làm ra những thứ mà người khác muốn mua, người mua sẽ đưa tiền cho mình để đổi lấy sản phẩm. Như vậy gọi là "kiếm tiền" con nhé!

Vì sao mà chúng mình có được nhiều tiền mừng tuổi vậy nhỉ?

Con thử nghĩ xem, mình được nhận tiền mừng tuổi từ những ai nào?

+ Họ hàng nội, ngoại

+ Bạn bè của: bố, mẹ, ông bà, anh chị.

+ Các cô bác hàng xóm.

Những người mà con vừa kể ở trên, đều quen biết và quý mến bố mẹ con, đúng không nào? Như vậy, số tiền mừng tuổi mà con được nhận, chính là nhờ những mối quan hệ xã hội tốt đẹp của bố mẹ (ông bà) đấy con ạ!

Vì tuổi chúng mình còn nhỏ nên việc bố mẹ ngỏ ý muốn giữ hộ số tiền mừng tuổi của con cũng là bình thường thôi mà. Nếu bây giờ con đang có những dự định mua món đồ mình yêu thích thì con có thể nói trước với bố mẹ xem sao nhé!

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 4.

Cô hướng dẫn cả lớp tự làm bao lì xì.

Làm thế nào để tự quản lý tiền lì xì?

Chắc hẳn vẫn có những bạn được bố mẹ tin tưởng giao cho một phần hoặc tất cả số tiền lì xì để con tự quản lí. Cô Thúy sẽ mách con vài "chiêu" để quản lí tiền lì xì nhé!

Phương án 1: Mở một cuốn sổ tiết kiệm ở ngân hàng để giữ số tiền đó cho tương lai của mình (nhờ sự trợ giúp của bố mẹ). Đặc biệt là khi gửi tiền ở ngân hàng thì số tiền sẽ ngày càng tăng lên đấy con ạ!

Phương án 2: Gửi tiết kiệm 1 nửa số tiền mừng tuổi, số tiền còn lại con dùng để chi tiêu cho nhu cầu cần thiết của bản thân (cùng thảo luận với bố mẹ).

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 5.

Cô Thúy cho rằng, bố mẹ cần dạy trẻ phân biệt giữa muốn và cần.

"Để tránh chi tiêu vào những thứ không hợp lí dẫn đến lãng phí tiền, con phải phân biệt được thứ con muốn và thứ con cần. Quản lí chi tiêu không hề đơn giản. Đừng ngại, các con hãy mạnh dạn hỏi bố mẹ các câu hỏi mà con thắc mắc.

Sau Tết, thay vì khoe mình có bao nhiêu tiền mừng tuổi thì con hãy kể với cô và các bạn rằng: Con đã làm gì để số tiền mừng tuổi của mình trở nên có ích nhé!", cô Thúy chia sẻ.

Cô giáo tiểu học ở Hà Nội làm hẳn bài giảng tâm huyết dạy trẻ về phong tục lì xì, bố mẹ chia sẻ rần rần vì quá hữu ích - Ảnh 6.

Chia sẻ