Cơn bệnh: “Con phải là số 1”

,
Chia sẻ

Nếu có ai trêu hay nói đùa: “Xíu xấu nhất nhà!” là bé hét lên hoặc lăn ra khóc ăn vạ, dỗ thế nào cũng không được.

1. Bé Xíu sinh ra đã có đôi mắt to tròn, đen lay láy. Hai hàng lông my cong vút, còn dài hơn cả lông my giả. Gia đình, hàng xóm, bạn bé của bố mẹ Xíu, ai gặp cũng phải khen: “Xíu xinh quá, cả mặt chỉ toàn thấy mắt”.  Mưa dầm thấm lâu, mới 4 tuổi nhưng bé đã ý thức được điều này. Buổi chiều chơi ở dưới sân, bé không thèm nhìn ai. Khi có cô hàng xóm gọi tên, bé quay đi chỗ khác hoặc là lơ đi như không quen biết.

Về nhà bé lúc nào cũng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, trong khu nhà mình, ai xinh nhất ạ?” rồi lại tự trả lời: “Con xinh nhất mẹ nhỉ. Ai cũng bảo thế. Cô Hương bảo con xinh xắn, sạch sẽ chứ không bẩn bẩn như bạn Mỳ đâu”. Nếu có ai trêu hay nói đùa: “Xíu xấu nhất nhà!” là bé hét lên hoặc lăn ra khóc ăn vạ, dỗ thế nào cũng không được.

2. Cả gia đình Hùng Anh rất tự hào vì có một cậu con trai học giỏi và thông minh. Ngay từ hồi mẫu giáo, bé đã là người chuyên đọc truyện cho các bạn trong lớp nghe. Nhưng cũng chính vì thế mà bé lúc nào cũng muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý. Trong lớp, cô giáo đặt câu hỏi nào, bé cũng xung phong trả lời ngay. Nếu cô gọi bạn khác là mặt bé xị xuống, mắt rưng rưng chực khóc. Cô giáo có khen bạn khác viết đẹp, làm toán nhanh là bé bĩu môi, bé cũng “ấm ức” lắm, tỏ vẻ bất cần.
Nếu ai chê xấu, bé Xíu dỗi ngay

3. Trong mắt cha mẹ, con lúc nào cũng giỏi nhất, thông minh nhất. Muốn con luôn vươn lên trong học tập và cuộc sống là tâm lý chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Đó cũng là điều mẹ nên khuyến khích bé. Thế nhưng, nhiều bé lại chỉ muốn mình là số 1, không bạn nào được phép “vượt qua”. Khi đã đạt những thành tích nhất định, bé trở nên kiêu căng và tìm mọi cách để củng cố vị trí số 1 của mình. Đó lại là điều các bé nên tránh.

Thông thường, tính xấu này không phải là tính cách “bẩm sinh” của bé. Cách cư xử của những người trong nhà cũng khiến bé bị ảnh hưởng. Điều này có thể bắt nguồn do bố mẹ quá phấn khởi, có thái độ đề cao, coi trọng những gì bé đạt được. Đặt vào con niềm hy vọng quá lớn, bố mẹ hay khiến bé ảo tưởng, nghĩ rằng mình lúc nào cũng giỏi, lúc nào cũng là nhất.

Để tránh điều  này, tốt nhất, bố mẹ nên tìm cách đưa bé “trở lại mặt đất”. Không nên tỏ ra quá vui mừng trước những thành tích con đạt được và cũng không nên tỏ ra quá thất vọng về những gì con chưa làm được. Chính thái độ tự hào hay thất vọng thái quá của bố mẹ khiến con lúc nào cũng nghĩ mình luôn phải là người số 1.

Để điều trị bệnh tự cao của con, bạn có thể giao cho bé làm những việc không thuộc thế mạnh của bé. Chắc chắn bé sẽ không thể làm tốt ngay được. Lúc đó, mẹ hãy góp ý những điểm chưa được và động viên bé tiếp tục cố gắng, giúp bé nhận ra rằng những gì bé đã làm được chưa phải là tất cả. Còn rất nhiều việc bé phải học hỏi. Ngoài việc học ở trường, bố mẹ nên giao cho bé một số việc nhà mà bé có thể làm được. Điều đó sẽ làm cho bé ý thức được mình không phải là cục cưng chỉ biết học và chơi.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thái độ chừng mực trong cách ứng xử của cha mẹ là giải pháp tốt nhất để giúp con không trở nên quá tự kiêu. Bố mẹ hãy khen thưởng con, không phải vì thành tích mà con đạt được, mà vì sự cố gắng của bé. Từ 3 tuổi trở đi, nhân cách của bé vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Vì vậy bé dễ dàng bị ảnh hưởng từ mọi người xung quanh dù tốt hay xấu. Điều quan trọng là cha mẹ biết cách hướng cho con mình có những suy nghĩ tích cực.

 
Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ