Con gái đi lấy chồng vẫn phải dạy

,
Chia sẻ

Tiễn con đi lấy chồng, bà mẹ nào cũng thấy buồn buồn, tủi tủi. Thương nhớ con, lo lắng về những mới mẻ trong cuộc sống làm con hoảng sợ… khiến các bà mẹ chẳng lúc nào yên tâm.

Nhưng thể hiện tình yêu thương đó như thế nào? Cách ứng xử, giải quyết của mẹ đẻ chính là những bài học làm người có giá trị cho con gái lớn lúc này.

Ảnh minh hoạ

Điềm nhiên nhận sự chăm sóc

Vừa thấy bóng mẹ về, bé Bông đang nằm chơi với bà nội liền khóc toáng lên đòi theo mẹ. Mặc kệ, Thúy đủng đỉnh lấy quần áo đi tắm. Bà Hòa, mẹ chồng Thúy, dỗ dành mãi con bé không được, đành phải bế cháu ra tận đầu ngõ.

Chiều nào cũng vậy, đi làm về, việc đầu tiên của Thúy là vào phòng tắm tắm gội thỏa thích gần tiếng đồng hồ rồi mới ra bế con. Nếu con bé có khóc mấy đòi theo mẹ, cô cũng mặc kệ, vì cô nghĩ “đã có bà nội rồi còn gì”.

Mấy tháng nay, sáng nào bà Hòa cũng tất tả từ 5 rưỡi sáng đi chợ mua thức ăn rồi đón xe buýt sang nhà cậu con trai thứ. Thúy, con dâu bà sinh bé gái, vừa đi làm lại cần bà giúp sang chăm cháu. Lấy cớ con quấy đêm, Thúy đề nghị mẹ chồng hàng ngày đi chợ ở bên nhà bà rồi bắt xe buýt sang bên này luôn.

Sáng nào cũng vậy, khi chuông cửa reo, biết là mẹ chồng sang, Thúy mới đủng đỉnh ra khỏi giường. Lý do đi làm đúng giờ hợp lý quá còn gì, cô trang điểm rồi diện áo váy dắt xe đi làm mặc kệ cho bà nội rửa ráy, thay quần áo rồi cho bé Bông ăn sữa.

Đến trưa, Thúy được cơ quan tạo điều kiện về nhà cho con bú, sẵn cơm canh mẹ chồng nấu, cô điềm nhiên ngồi vào ăn trước rồi cho bé Bông ti, ôm con ngủ cho đến tận giờ đi làm.

Trông cháu vất vả cả sáng rồi cơm nước, đến trưa bà Hòa lại lọ mọ mang bát đũa đi rửa, chẳng có thời gian để nằm nghỉ. Vậy mà chiều đi làm về, sau khi tắm rửa sạch sẽ, lấy cớ trông con, Thúy bế bé Bông sang nhà hàng xóm ngồi tán chuyện với chị Lý để mặc mẹ chồng tất bật nấu cơm.

Nhiều hôm, ăn cơm xong, Thúy lừng khừng không chịu rửa bát. Phần vì thấy bề bộn, phần vì muốn xong việc còn về nhà nên bà Hòa lại lẳng lặng đem bát đũa đi rửa.

Đến sáng ngày hôm sau, bà Hòa sang vẫn thấy chậu quần áo chất đống để trong bồn tắm. Ru cho cháu ngủ say, bà Hòa phải lê đôi chân đau nhức vì đau khớp lên tận sân thượng tầng 3 để cho quần áo vào máy giặt, rồi phơi phóng.

Hôm nào bé Bông mệt sốt, sợ con quấy đêm, viện lý do mới sinh lần đầu chưa có kinh nghiệm, Thúy lại năn nỉ mẹ chồng ở lại qua đêm trông cháu cùng mình. Nếu bé Bông mà thức giấc, quấy khóc đòi đi rong, thế nào cô cũng gọi mẹ chồng, lấy cớ không biết phải xử trí thế nào rồi về phòng ngủ ngon lành, mặc kệ hai bà cháu chăm nhau.

Con gái lớn, vẫn phải dạy bảo

Mấy hôm nay, bà Mai phải thu xếp công việc đến chăm cháu ngoại vì bà nội của bé Bông ốm không sang trông cháu được.

Thúy vẫn giữ đúng thói quen cũ. Đến ở với con gái mấy hôm, bà Mai mệt lử người vì bận, nào là trông cháu, cơm nước, nhà cửa. Thương con gái út, bà cũng cố giúp con mọi việc, nghĩ rằng mấy khi con gái nhờ đến mẹ, chẳng qua là mẹ chồng nó mệt, nó mới cậy nhờ đến mình.

Trưa nay, sau khi gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà thông gia xong, cúp máy điện thoại, bà Mai tự hỏi liệu hàng ngày con gái bà cư xử với mẹ chồng ra sao, nó cũng để bà nội bé Bông lo hết mọi việc như vậy sao.

Nghĩ vậy, nhân tiện con rể đi công tác vắng, bà Mai gợi chuyện Thúy xem quan hệ giữa mẹ chồng con dâu thế nào. Nghe con gái sung sướng kể hết mọi chuyện, nào là từ ngày có mẹ chồng, cô nhàn hạ hẳn, mọi chuyện đã có mẹ chồng lo, từ việc chăm cháu, nhà cửa cho đến tiền bạc, bà Mai mới vỡ lẽ. Tối đó, hai mẹ con trò chuyện đến khuya.

Bà lựa lời khuyên nhủ con gái, dạy bảo con cách cư xử, không được sống ích kỉ, ỷ lại mà phải biết sẻ chia, thông cảm với người khác, nhất là với mẹ chồng, một phụ nữ đã gần 60 tuổi, cũng già yếu như bà vậy.

Thúy giật mình khi nghĩ nếu chị dâu cũng đối xử như vậy với mẹ, mình biết được chắc thương bà thắt ruột và bực mình với chị dâu lắm. Ngay sáng hôm sau, Thuý mua gà, sườn, tim cật, hoa quả sang thăm mẹ chồng. Cô còn mua một hộp cao dán để “mẹ dán cho nhanh khỏi”.
 
 
Theo Mộc Miên
TGPN
Chia sẻ