Con ghét về quê vì bẩn và chán...

,
Chia sẻ

Em chả biết hết rồi. Về quê, tối đến 9h phải đi ngủ. Điện ở quê cứ tối om om. Ở thành phố không có lúc nào buồn vì được đi ăn gà rán, khoai tây chiên và uống coca

Không thiếu tiền để cho 2 con du lịch nước ngoài, nhưng chị Huỳnh Mai, một đại gia bất động sản ở Hà Nội, hè nào cũng đưa con về ngoại. Trái ngược với mong muốn của mẹ, hai đứa con lứa tuổi cấp 1 và 2 có khẩu khí chống về quê rất mạnh mẽ.

Mô tả ảnh.
"Nhào lộn nghệ thuật sau lưng trâu". Ảnh: Lê Anh Dũng

Cậu con trai lớn nhà chị rất sợ cái toa-let ở quê. Chị lập tức xây một cái đầy đủ tiện nghi để phục vụ con. Nhưng thứ mà chị không làm được là đuổi hết ruồi muỗi.

Tuy nhiên, chị cũng công nhận rằng, những trò nghịch ngày bé mình hay chơi như trèo cây, bơi ở dưới ao bằng cây chuối, đi mò cua, bắt ốc, cất vó tôm.. thì chị lại cấm các con. Năm nay, hai đứa con tuyên bố thẳng thừng là nếu phải về quê dịp hè thì sang năm không phấn đấu trong học tập nữa.

Thắng, một cậu nhóc học lớp 10 với mái tóc dựng kiểu Hàn Quốc trả lời không chút ngần ngại khi được hỏi vì sao không thích về quê:

“Ngày nào em không vào mạng để chat với chơi game là không chịu được. Quê em chán lắm, chả có gì chơi, net ở quê thì chậm, máy tính lại đời cũ, đi tắm sông thì nắng cháy, làm sao sướng bằng đi bơi buổi chiều ở thành phố. Đã thế tắm xong đói, chẳng có hàng quà vặt ăn ngon như ở Hà Nội. Tụi em chơi là phải có hội, có cùng sở thích thì nói chuyện với nhau mới đã, về quê em chẳng gặp được ai hợp”.

Mới có lớp 2 nhưng bé Ngọc đã có khẩu khí chống về quê rất mạnh mẽ. Năm nào, mẹ cũng dụ Ngọc về xem con mèo, con chó, con trâu.

"Em chả biết hết rồi. Về quê, tối đến 9h đã phải đi ngủ. Điện ở quê cứ tối om om. Ở thành phố không có lúc nào buồn vì được đi ăn gà rán, khoai tây chiên và uống coca". Ngọc thích được đi siêu thị, đọc truyện tranh, xem hoạt hình. Năm nay, nếu được đi du lịch Singapore thì thích hơn nhiều.

Chị Huỳnh Mai tâm sự với một nỗi buồn thực sự: “Các con tôi không thiếu một thứ gì về điều kiện vật chất, nhưng khiếm khuyết lớn nhất là sự què quặt về tâm hồn.  Đưa cháu về quê, tôi hy vọng cháu gần gũi với sự vất vả, lam lũ để hiểu giá trị đồng tiền. Gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống làng quê nghèo ở Kiến Xương, Thái Bình. Mảnh đất này đã cho tôi nhiều sức mạnh, và tôi hy vọng nó cũng truyền sức mạnh cho các con tôi. Nhưng năm nay, chúng nó phản ứng rất quyết liệt”.

"Nhà trường thứ hai"?

Theo nhà tư vấn tâm lý Hoàng Nhân, gần đây, các cuộc gọi tư vấn về gia đình thường xoay quanh câu hỏi: có nên hè năm nào cũng cho trẻ về quê không. Nếu trẻ phản đối thì phải giải thích như thế nào?

Anh Hoàng Nhân cho biết, đặc trưng của trẻ là thích khám phá, chinh phục. Nếu đã biết rồi thì sẽ chuyển sang tìm hiểu những cái mới, có như thế, trẻ mới trưởng thành. Nếu trẻ chán về quê thì đó là dấu hiệu ở quê không còn điều gì mới mẻ cho các em tìm hiểu nữa.


Ảnh: Lê Anh Dũng.


Bên cạnh đó, cũng phải xem lại tâm lý cha mẹ. Liệu có phải cho trẻ về quê vì không có thời gian trông nom hay vui chơi với các con hay không? Chính xác là muốn “tống” đi cho rảnh nợ vì người lớn thường điên đầu bởi những mè nheo khi tụi trẻ không có gì để làm. "Về quê lúc ấy giống như cái trường thứ hai để ‘nhốt’ chúng" - anh Nhân nói.

Lũ trẻ sợ bẩn, sợ nhàm chán vì người lớn đã dạy chúng phân biệt. Chẳng hạn, con mình theo lũ trẻ quê đi tắm ao, đi chăn trâu, chăn vịt thì sợ nó bẩn, nó đen, nó bị nguy hiểm. Nếu không hòa mình với cuộc sống của dân quê thì về quê còn có ý nghĩa gì?

Anh Nhân nói thêm, có bà mẹ đã gọi điện đến để xin tư vấn làm thế nào để không phải về quê chồng vào dịp này dịp nọ. "Cha mẹ còn sợ về quê, huống chi con cái. Nhiều người thành phố tâm sự về quê rất vui, rất thích, nhưng sống ở đó lâu lâu chắc không chịu nổi".

Anh Trần Định, một Việt kiều ở Bỉ có 5 đứa con trong lứa tuổi đi học phổ thông ở nước này cho biết: giáo dục ở đây hướng trẻ hòa mình với thiên nhiên và mọi hoàn cảnh. Thỉnh thoảng, các cô giáo dẫn trẻ vào rừng chơi, cắm trại ở một hai ngày trong đó.

Nhà trường có chương trình đưa trẻ về các trang trại để xem người nông dân thu hoạch và trồng trọt, nuôi gà, lợn, bò... Các em cũng được tự tay cho động vật và gia súc ăn, tham gia lùa bò đi ăn cỏ.

Qua những chuyến đi, các em học được những bài học cuộc sống rất sống động và hiểu được để có thực phẩm ăn hàng ngày, người nông dân phải lao động cực nhọc ra sao. Sau những chuyến đi như thế, các em nhỏ viết văn rất hay và rất cảm xúc.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ