Con tôi từng là chuột bạch!

Theo Seatimes,
Chia sẻ

Khi cha mẹ cuồng loạn lên với các phương pháp dạy con kiểu Nhật, kiểu Tây, rất có thể con sẽ thành nạn nhân. Con gái tôi cũng từng là chuột bạch của mẹ, lúc tôi hăm hở áp dụng mớ lý thuyết nuôi con vào đứa con đầu lòng.

Đến bây giờ, khi Nhím – con gái đầu của tôi – đã học lớp 5, tôi vẫn thường nói với ba đứa con của mình là: “Chị Nhím thiệt thòi nhất, vì lúc đó mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhím thành chuột bạch của mẹ!”.

Một trong những điều kinh khủng nhất mà con chuột bạch này phải thử nghiệm, đó chính là nồi cháo mang tên “hiện đại” của mẹ, thực ra chẳng khác nào nồi cám lợn.

Thôi thì đậu, ngô, rau, thịt... hổ lốn đủ thứ, tôi cho cả vào một nồi. Tôi đinh ninh rằng ăn uống như vậy mới đủ chất, mới tốt cho con, mặc dù bản thân mẹ thì không dám ngửi, không dám ăn, chỉ dám nêm nếm xem mặn, nhạt thế nào! (Thế mà hồi đó nấu xong nồi cháo thấy tự hào lắm, rằng mình cũng giỏi, hiện đại, không giống như các bà mẹ ngày xưa).

Con tôi từng là chuột bạch! 1
Con gái đầu lòng của tôi (mặc áo da cam) từng là chuột bạch của mẹ.

Lúc đầu, Nhím phản đối kịch liệt. Nhưng nhìn chung, nàng là một cô bé dễ bảo, không ương bướng như các em nàng sau này. Chỉ sau khoảng 3 thìa đầu tiên, nàng ăn thun thút, tất nhiên sau đó không chắc là giữ được trong người. Thi thoảng nàng nôn ra hết, không biết có phải vì cháo ghê quá hay không.

Suốt từ 5 tháng đến lúc 3 tuổi, Nhím vẫn ăn cháo xay. Số lần ăn trong ngày của nàng, giơ cả bàn tay cũng không hết bữa. Đủ sữa chua, hoa quả, váng sữa, pho mai, thiếu đi thứ gì là mẹ sợ không đủ chất.

Mãi đến lúc Nhím sắp đi nhà trẻ, tôi mới nhận ra rằng mình đã cho con ăn hổ lốn quá. Đến lúc đó, Nhím đã là nạn nhân chuột  bạch 2 năm trời.

Cô em gái sau – Sóc – may mắn hơn, mà đúng ra là cô nàng không cho mẹ cơ hội biến nàng thành chuột bạch thế hệ 2. Nàng không bao giờ đồng ý làm điều gì mà bản thân nàng không muốn, đã quyết gì thì không thay đổi. Tôi không thể ép Sóc ăn ngon lành chỉ nhờ công thức đơn giản “quảng cáo + nịnh nọt” như con gái đầu.

Từ lúc 1 tuổi cho đến 4 tuổi, dù tôi làm đủ mọi cách, Sóc vẫn không chịu uống sữa. Những lúc con không muốn ăn, nếu mẹ vẫn cố đút vào miệng, nàng sẽ ngậm cả buổi, cho đến lúc người lớn thò thìa vào miệng nàng, lấy thức ăn đã chảy nước ra. Nàng truyền đến người lớn thông điệp đanh thép rằng: Ép con ăn là vấn đề của người lớn, người lớn phải tự giải quyết lấy.

Sóc – con gái tôi – là một đứa trẻ lạ lùng, ngay từ lúc sinh ra. Hai mẹ con trải qua thập tử nhất sinh khi trở dạ, con lại ốm yếu, suy dinh dưỡng, hay đau ốm từ nhỏ. Khi đi học, nàng trở thành học sinh “cá biệt”, khóc suốt tháng đầu tiên ở trường mẫu giáo, giả vờ đau bụng, đau đầu, đau đủ kiểu để xuống phòng y tế trong suốt tháng đầu ở trường tiểu học. Nhưng cũng chính con đã đưa mẹ và mọi người xung quanh từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, đã dạy cho mẹ bài học lớn nhất về việc làm mẹ: Không cần phải đọc thật nhiều sách, không cần phải thuộc làu thật nhiều lý thuyết, không nhất thiết phải áp dụng mọi thứ mình biết để biến con thành chuột bạch trong hỗn loạn.

Điều quan trọng nhất là nhìn vào con. Và hãy học chính đứa con của mình.
Chia sẻ