Con yêu mẹ lắm!

Ths. Nguyễn Lập Thu,
Chia sẻ

Sự thấu hiểu, cách ứng xử đẹp và tình yêu thương là những cách hay mà bạn có thể rèn luyện để con trở thành một con người tinh tế khi trưởng thành.

Mê man trong cơn sốt virus nhưng chị Ngọc Anh vẫn cảm nhận bước chân nhẹ nhàng và sau đó là bàn tay bé xíu của Tom sờ lên trán mẹ, rồi cặp má phúng phính kề vào má chị, và tiếng con thì thầm “Con yêu mẹ lắm”. Chị Ngọc Anh bừng tỉnh, ôm con vào lòng, ấm áp trong một niềm hạnh phúc khó tả. Ai cũng khen Tôm sớm bộc lộ là một đứa trẻ tinh tế và đáng yêu. Bé rất biết làm mọi người hài lòng bằng những hành động rất nhỏ, và bé biết nắm bắt tâm lý mọi người xung quanh một cách tinh tế và đôi khi cư xử như một người lớn thực sự. Chị thấy những nỗ lực nuôi dạy con của vợ chồng chị đang được đền đáp xứng đáng.

Đang tranh luận khá căng thẳng chuyện chọn trường cho con, anh Quang và chị Thủy chợt sững người lại khi nghe tiếng con gái Vy Anh rất điềm tĩnh: “Con học trường nào cũng được, ba mẹ đừng to tiếng, ông nội con lại không ngủ được!”. Cuộc tranh luận kết thúc trong tiếng cười xòa của hai vợ chồng chị. Ông nội bé vừa ra chơi, Vy Anh đã biết ý nhắc khéo bố mẹ.

Biết tri ân, biết cư xử, biết suy nghĩ thấu đáo, hiểu tâm lý người khác đó là một trong nhiều cách ứng xử của một con người tinh tế bộc lộ ngay từ thuở bé thơ. Ngoài yếu tố tự nhiên, đó là kết quả của một quá trình giáo dục của gia đình và xã hội. Bạn hãy giúp cho con yêu tinh tế hơn bằng những phương pháp sau đây:
 

Dạy con kỹ năng “thấu hiểu”:

Bạn hãy tận dụng mọi khoảnh khắc bên con để dạy cho con biết lắng nghe người thân để người khác bộc lộ suy nghĩ. Bạn có thể nói với con: “Con trò chuyện với ông bà trong khi mẹ pha sữa cho con nhé!” hay nhắc nhở con “Con hãy im lăng để lắng nghe bố nói chuyện với con, như vậy bố sẽ yêu con hơn đấy”.

Cho bé thực hành dự đoán tâm lý của người khác qua những tình huống hàng ngày, luôn căn dặn con có thói quen nhìn vào mắt và nghe giọng nói của người khác để đoán nhận cảm xúc. Khi ông nội bé không hài lòng và nghiêm mặt với bé, bạn hãy nhắc nhẹ nhàng: “Con sai rồi, con xin lỗi ông nội đi nào!”. Nhìn thái độ nghiêm nghị của người lớn, bé sẽ học được cách đoán nhận cảm xúc của người khác một cách tinh tế. Sự thấu hiểu của bé bắt đầu từ sự quan sát, lắng nghe và thấu hiểu như vậy.

Dạy con cách ứng xử đẹp:

Ngay từ khi còn nhỏ, bạn có thể dạy cho con biết chia sẻ đồ chơi cho bạn, chuẩn bị món quà cho con tặng bạn thân, nhắc nhở con quan tâm ông bà cha mẹ, tôn trọng với người giúp việc trong gia đình….là những cách hay để con có chuẩn mực trong giao tiếp.

Hãy dạy con bày tỏ thiện chí, sự tán thành đối với người khác thông qua những gì họ đã làm cũng là một cách hiệu quả thể hiện sự tinh tế của con: hãy đặt những câu hỏi như: “Giờ mẹ con đến thăm ông bà, con cần phải làm gì đầu tiên nào?”, “Đố con biết, khi đi học về thì con phải chào những ai nào?” v.v… Con sẽ học ứng xử qua những bài học từ người thân ngay từ khi còn nhỏ.

Dạy con về tình yêu thương

Một bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc cũng sẽ là nhân tố quan trọng để dạy bé về tình yêu thương, về sự quan tâm và chia sẻ. Trong bữa cơm thì bố mẹ thường gắp đồ ngon cho con, con thấy vậy cũng bắt chước làm theo. Đôi lúc con chúng ta còn tự biết nhắc nhở ông bà một cách đáng yêu: “Bà nội ơi, bà gắp chả nóng ăn đi”, rồi: “Bà nội ơi, ớt cay đấy, bà đừng ăn”. Với con trẻ, tình yêu thương, sự sẻ chia được xây đắp từ những thứ giản dị như vậy. Theo thời gian, tình yêu thương của con sẽ là một sức mạnh gắn kết con với những người xung quanh một cách vô cùng tinh tế.

Chia sẻ