Công sở: Nơi vắt kiệt sức lao động

Minh Anh,
Chia sẻ

Bóc lột sức lao động – cụm từ mà khi nghe đến người ta nghĩ tới những công nhân nghèo khó, rách rưới đang phải lao lực ngày đêm ở các nhà máy, xí nghiệp. Nào có ai ngờ những nhân viên công sở hào nhoáng, sáng sủa, ngồi phòng máy lạnh vù vù cũng đang bị bóc lột nặng nề, thậm chí còn hơn rất nhiều so với những người lao động chân tay.

Em họ của tôi, 23 tuổi, mới tốt nghiệp Đại học.

Con bé hăm hở, xông xáo đi nộp đơn kiếm việc khắp nơi, mong chờ sẽ chứng minh được tài năng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ. Ước ao được làm việc đúng chuyên ngành Ngân hàng, mục tiêu của con bé là đủ loại ngân hàng lớn nhỏ.

Sau 1 loạt các cuộc phỏng vấn, thi thố, em tôi đỗ vào ngân hàng Z. – 1 ngân hàng tư nhân thuộc loại trung bình. Họ cho con bé 2 tháng thử việc, đè nặng lên 1 số chỉ tiêu phải hoàn thành để có thể trở thành nhân viên chính thức. Tính sơ sơ ra thì em tôi phải huy động hoặc cho vay được khoảng 4 tỉ, hoặc là làm được khoảng 1 trăm cái thẻ mỗi tháng.

Để được ở lại, con bé chạy vạy khắp nơi. Còn trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế, lại không được đào tạo nghiệp vụ (ngân hàng đó nói chỉ đào tạo khi đã là nhân viên chính thức), em tôi không tài nào lo đủ chỉ tiêu mặc dù cố gắng suốt.

Công sở: Nơi vắt kiệt sức lao động 1

Nào có ai ngờ những nhân viên công sở hào nhoáng, sáng sủa, ngồi phòng máy lạnh vù vù cũng đang bị bóc lột nặng nề, thậm chí còn hơn rất nhiều so với những người lao động chân tay

Con bé nhờ tới cả đồng nghiệp, bạn bè của bố mẹ. Nhưng thời buổi khó khăn này làm gì có ai có tiền mà gửi, vay thì lại càng không có nhu cầu mấy. Em tôi đành nhờ người ta làm mấy cái thẻ. Khổ nỗi ngân hàng đó bắt đóng phí, nên nhiều người không muốn làm. Gần đến cuối kỳ thử việc, em tôi lo sợ, tự bỏ ra 1 số tiền để đóng phí làm thẻ thay cho mọi người, cố cán mức chỉ tiêu.

Cuối cùng thì con bé không hoàn thành được và bị cho thôi việc. Toàn bộ số vốn huy động được, số thẻ làm ra, ngân hàng hưởng. Em tôi được hưởng 1 khoản lương kinh doanh nhỏ nhưng chẳng đủ để bù đắp khoản tiền nó bỏ ra để đóng phí làm thẻ. Nhìn con bé vất vả đến rạc người suốt 2 tháng trời mà trắng tay, thấy thương vô cùng.

Bạn cùng nhà của tôi, 25 tuổi, đi làm được gần 2 năm.

Tốt nghiệp bằng giỏi 1 trường Đại học loại 2, cô nàng làm kế toán cho 1 công ty phân phối vật liệu xây dựng. Mỗi tháng, trừ đi các khoản lặt vặt, nàng ta lĩnh về được hơn 4 triệu. Công ty này có 1 khoản 500 ngàn trợ cấp ngoài giờ cho nhân viên mỗi tháng. Vì thế, khi nhiều việc bề bộn, bạn tôi phải è cổ ra làm tới tận 9h tối mà chẳng có thêm trợ cấp.

Năm ngoái, lấy cớ kinh tế khó khăn, sếp của công ty nó quyết định cắt lương của nhân viên bằng cách cho nghỉ sáng ngày thứ 7. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn tôi vẫn bị sếp đột ngột gọi đến công ty lấy báo cáo tài chính cho sếp xem vào ngày chủ nhật. Tất nhiên là không có 1 đồng phụ cấp nào vì tất cả đã được tính vào 500 ngàn phát mỗi tháng.

Công sở: Nơi vắt kiệt sức lao động 2

Chốn công sở văn minh, hiện đại, hào nhoáng nhưng lại là nơi mà con người đang đối xử với nhau như thời phong kiến, những chủ nô tìm mọi cách lợi dụng, bóc lột triệt để nô lệ của họ.

Đầu tháng 7, khi Nhà nước có quyết định tăng lương cơ bản thêm 100 ngàn, công ty bạn tôi cũng ra chính sách giảm phụ cấp tiền ăn trưa. Từ 40 ngàn/ngày, tiền ăn trưa của nó còn 30 ngàn/ngày. Tính ra lương của nó sau đợt tăng lương cơ bản tăng 250.000, nhưng phụ cấp ăn trưa giảm 280.000, lỗ mất 30 ngàn/ tháng.

Nhiều đồng nghiệp của bạn tôi không chịu nổi sự bóc lột “bẩn bựa” của công ty đã chạy thoát thân. Bạn tôi cũng đang cố làm nốt năm cho hết hợp đồng rồi "lượn" ngay ra khỏi công ty coi nhân viên như nô lệ ấy.

Chị gái tôi, 30 tuổi, đi làm được 7 năm.

Và thu nhập của chị tôi dậm chân tại chỗ 5,5 triệu sau 7 năm bán sức lao động cho công ty. Kinh tế khó khăn, công ty bà ấy cũng tìm đủ mọi cách để hạ chi phí lương cho nhân viên. Nào là cắt làm thứ 7, nào là giảm giờ làm, đã vậy tháng tháng còn nợ 30% lương của nhân viên, nợ mãi mà chẳng thấy trả.

Công việc thì ngày càng nặng hơn. Chị tôi vốn làm mảng kế toán, sau sếp giao luôn cho làm vài việc liên quan tới nhân sự vì đằng nào cũng liên quan tới tính lương cho nhân viên. Một thời gian nữa sếp chuyển chị ấy ra 1 phòng sát cổng công ty, kiêm luôn việc phân phát, gửi chuyển công văn.

Dạo gần đây khó khăn, công ty có thêm chính sách mỗi người đều là nhân viên bán hàng, khoán 1 số lượng sản phẩm phải tiêu thụ mỗi tháng cho tất cả các nhân viên. Nhiều khi lương đã ít, đã nợ mà còn phải bỏ ra để mua sản phẩm cho khỏi bị phạt, khổ không đâu kể xiết.

Công sở: Nơi vắt kiệt sức lao động 3

Kiêm nhiệm 1 lúc nhiều công việc, vị trí mà lương thì vẫn dậm chân tại chỗ

Hiện tại không thể định nghĩa nổi chị tôi đang làm vị trí gì trong cơ quan nữa. Kế toán kiêm nhân sự kiêm văn thư kiêm nhân viên kinh doanh. Việc thì gấp 10 mà tiền lương thì vẫn thế.

Chị tôi mấy lần tính nhảy việc mà không được vì chưa tìm được chỗ nào chắc chân. Thời buổi này kiếm được 1 công việc thật chẳng dễ dàng gì, không có việc là không có tiền, không có tiền thì chỉ có chết. Vì thế nên dù biết đang bị bóc lột, chị tôi vẫn cắn răng đi làm, chờ thời cơ chuyển công việc.

Vẫn biết kinh tế khó khăn, các ông chủ cũng đau đầu với bài toán lợi nhuận. Nhưng để tiết kiệm chi phí mà vắt kiệt nhân viên về cả trí tuệ lẫn sức lực thì thật phi nhân tính. Chốn công sở văn minh, hiện đại, hào nhoáng nhưng lại là nơi mà con người đang đối xử với nhau như thời phong kiến, những chủ nô tìm mọi cách lợi dụng, bóc lột triệt để nô lệ của họ.

Chia sẻ