Cuộc đua khốc liệt vào lớp 10 công lập

Thanh Hằng - Hoàng Khánh - Thu Hương,
Chia sẻ

Tại Hà Nội và TP HCM, khu vực nội thành đông dân nhưng ít trường khiến cuộc đua vào lớp 10 công lập khốc liệt, nhiều học sinh 7-8 điểm mỗi môn vẫn trượt.

Nhiều năm nay, Hà Nội chia 30 quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10. Năm 2022, mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai bắt buộc đăng ký tại trường thuộc khu vực mà thí sinh đăng ký thường trú, nguyện vọng ba được đặt ở bất kỳ trường nào.

Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt, các em được xét nguyện vọng hai, ba nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn 1-2 so với điểm chuẩn của trường. Các nguyện vọng đã đăng ký không được thay đổi.

Việc giới hạn lựa chọn của thí sinh khi đăng ký nguyện vọng một và hai tạo ra sự cạnh tranh gay gắt tại các khu vực đông dân nhưng ít trường.

Tại nội thành Hà Nội, 12 quận có số dân là 3,74 triệu (số liệu được sử dụng trong các thông báo đánh giá cấp độ dịch của thành phố đầu năm 2022). Mức này chiếm gần một nửa (44,6%) trong hơn 8,3 triệu dân của thành phố, dù diện tích nội thành bằng 1/10 cả Hà Nội.

Trong khi đó, tổng số trường THPT công lập ở 12 quận này là 36, còn các huyện, thị ngoại thành có 71 trường. Số trường ít hơn một nửa nhưng khu vực nội thành năm nay có 44.628 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chiếm gần 42% tổng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tỷ lệ chọi trung bình ở nội và ngoại thành Hà Nội lần lượt là 1/1,89 và 1/1,35.

Xét quy mô từng quận, Cầu Giấy có mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập khốc liệt nhất với tỷ lệ chọi 1/2,66. Hơn 3.700 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 tại Cầu Giấy, trong khi quận chỉ có hai trường THPT, tổng chỉ tiêu 1.395 - chưa bằng một nửa số lượng đăng ký.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Cầu Giấy nằm trong khu vực 3 (cùng hai quận Thanh Xuân, Đống Đa). Đây đều là những quận có mật độ dân số cao hàng đầu Hà Nội. Cầu Giấy còn là quận "trẻ" (được thành lập năm 1996), mức độ gia tăng dân số nhanh, người nhập cư nhiều.

Tình trạng của Cầu Giấy cũng xảy ra tương tự với các quận Hà Đông (tỷ lệ chọi 1/2,2), Ba Đình, Hoàn Kiếm (1/1,97), Đống Đa (1/1,9), Thanh Xuân (1/1,98). Trong số này, không quận nào có quá bốn trường THPT công lập, số thí sinh đăng ký đều gấp đôi "sức chứa" của các trường.

"Dễ thở" hơn một chút, các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có tỷ lệ chọi thấp hơn nhưng vẫn rơi vào khoảng 1/1,58 - 1/1,7.

Các quận nội thành cũng là nơi tập trung nhiều trường chất lượng cao với đội ngũ giáo viên giỏi, thường xuyên góp mặt trong top 10 trường lấy điểm chuẩn cao nhất hàng năm.

Ở chiều ngược lại, khu vực ngoại thành Hà Nội gồm 18 huyện, thị xã, chiếm tới 9/10 diện tích thành phố nhưng dân số chỉ hơn 12 quận nội thành 900.000 người. Tỷ lệ chọi tại khu vực ngoại thành phổ biến mức 1/1,2 - 1/1,3 - thấp hơn đáng kể so với nội thành. Mỗi huyện, thị cũng thường có 4-5 trường THPT.

Gia Lâm là huyện là có tỷ lệ chọi 1/1,64, cao nhất khu vực ngoại thành, thậm chí vượt hai quận nội thành là Long Biên, Nam Từ Liêm. Lý do có thể đến từ việc huyện này nằm giáp nội thành và chỉ bốn trường, trong khi dân số gần 300.000.

Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa rồi, tám trường THPT có số thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu, đồng nghĩa mọi học sinh đăng ký sẽ trúng tuyển nếu không vi phạm quy chế. Khi công bố điểm chuẩn, 10 trường thấp nhất thành phố chỉ lấy trung bình 3-3,8 điểm mỗi môn, đều nằm ở ngoại thành.

Trong 5 năm qua, chênh lệch giữa tổng số thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội dao động từ hơn 18.600 đến hơn 31.400 em. Năm 2022, mức chênh lệch lên đến 29.500, mức cao nhất trong 4 năm gần đây.

Tại TP HCM, không quận nào có tỷ lệ chọi 1/2,66 như Hà Nội nhưng tình trạng "7 điểm trượt, 3 điểm đỗ" vẫn diễn ra.

Tại TP HCM, diện tích của khu vực nội thành bằng 1/5 toàn thành phố. Tuy nhiên, dân số của khu vực này lên tới 7,1 triệu, chiếm 77% trên tổng 9,33 triệu dân TP HCM (theo số liệu của Cục Thống kê cuối năm 2021). Tỷ lệ này cũng xuất hiện trong số lượng nguyện vọng mà học sinh đăng ký: nội thành 78%, ngoại thành 22%.

Tỷ lệ chọi trung bình của TP HCM tại khu vực nội thành là 1/1,52, ngoại thành 1/1,01 - gần như "ai nộp cũng đỗ".

Theo hướng dẫn tuyển sinh lớp 10, học sinh được đăng ký ba nguyện vọng vào các trường THPT (trừ chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Phổ thông Năng khiếu). Dù không phân chia khu vực như Hà Nội, thành phố vẫn khuyến cáo thí sinh chọn trường gần nơi cư trú, tránh trường hợp trúng tuyển nhưng không học.

Những trường THPT top đầu TP HCM có thể kể đến Trưng Vương, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Hiền. Tỷ lệ chọi ở các trường này dao động 1/2-1/2,5, nghĩa là số thí sinh đăng ký gấp hơn hai lần chỉ tiêu của trường.

Những trường kể trên thuộc các quận 1, 3, 5, 11, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, Phú Nhuận - khu vực trung tâm của TP HCM, tập trung nhiều địa điểm vui chơi, giao thông thuận tiện nên thu hút người dân chuyển đến sống và làm việc. Trung bình mỗi quận này có khoảng 200.000 người, riêng TP Thủ Đức hơn một triệu.

Các quận nội thành khác như 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú với số dân 200.000-700.000 người. Tỷ lệ chọi của các trường THPT tại những quận này cũng thuộc nhóm cao, dao động 1/1,5 - 1/2.

Trong khi thí sinh phải cạnh tranh gay gắt để giành một suất vào trường THPT trong nội thành, những trường ở ngoại thành (thuộc năm huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn) lại bị "ế" khi số học sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu.

Chẳng hạn, trường THPT Trung Lập lấy chỉ tiêu 540 nhưng chỉ 274 thí sinh đăng ký; Phước Kiến tuyển 630, số đăng ký là 343. Thậm chí ở những trường thuộc huyện Cần Giờ, giáo viên phải vận động học sinh đi học.

Về tổng thể, chênh lệch giữa tổng số thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu vào lớp 10 tại TP HCM trong 5 năm gần đây thấp hơn so với Hà Nội. Điều này có nghĩa số thí sinh không thi được vào trường công lập ở TPHCM thấp hơn ở Hà Nội. Tuy nhiên, số thí sinh được cho là "trượt" công lập năm 2022 lại ở mức cao nhất trong 5 năm qua ở thành phố này, với hơn 21.000 em.

Ông Đỗ Đình Đào, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM), cho rằng khu vực ngoại thành có mật độ dân cư thấp nên số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng một không nhiều. Ngoài ra, tâm lý chung của phụ huynh là mong muốn con em vào học tại các trường ở trung tâm, có điểm chuẩn cao để trải nghiệm chất lượng đào tạo tốt, thuận tiện đi lại, đưa đón.

Cũng theo ông Đào, nhiều phụ huynh, học sinh không tìm hiểu kỹ, đăng ký "bừa" nguyện vọng hai và ba tại một trường ngoại thành. Khi trượt nguyện vọng một, gia đình lại không muốn cho con em ra ngoại thành học, nếu có chỉ cho học một hoặc hai kỳ, rồi tìm cách chuyển về những trường trong thành phố.

"Chúng ta không thể cấm cản việc lựa chọn nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, nhưng cần phân tích cho các gia đình hiểu tầm quan trọng của việc chọn trường phù hợp với sức học, khả năng tài chính và sự thuận tiện trong di chuyển", ông Đào nói và cho rằng công tác tư vấn cho học sinh lớp 9 và phụ huynh cần được quan tâm sát sao hơn.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ gợi ý các trường tại khu vực ngoại thành nên có những chính sách vận động học sinh, đồng thời trường nội thành cũng nên mở rộng quy mô tuyển sinh nếu có điều kiện để giảm sức cạnh tranh.

Còn tại Hà Nội, hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành cho rằng thành phố nên "cởi trói" cho thí sinh bằng cách để các em tự do đăng ký nguyện vọng một và hai, tương tự cách làm của TP HCM.

"Việc bắt buộc học sinh đăng ký tại khu vực cư trú đã ngăn cản những em có lực học tốt dự thi các trường top đầu, chỉ vì em đó ở ngoại thành. Ngược lại, nhiều em ở Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, nếu lực học không ổn, hoàn toàn có thể đăng ký các trường vừa sức hơn tại huyện Mê Linh, Đông Anh mà không ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển", bà nói.

Hiệu trưởng này cũng nhấn mạnh đến công tác tư vấn cho học sinh lớp 9 và gia đình, đồng thời khuyên phụ huynh "không nên gắn ước mơ của mình cho con cái, kỳ vọng các em vào trường top đầu chỉ để hãnh diện với xã hội". Thành phố và các huyện, thị cũng nên có thêm chính sách thu hút giáo viên giỏi về ngoại thành giảng dạy. "Khi chất lượng giáo viên được cải thiện, tôi tin chất lượng đào tạo cũng được nâng cao", bà nói.


Chia sẻ