Cuối năm, gia tăng các bệnh hô hấp và viêm da ở trẻ

,
Chia sẻ

Đặc biệt với thời tiết thất thường, lạnh vào buổi sáng, ban đêm nhưng lại ấm nóng vào ban ngày, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có triệu chứng ho, hay ngứa dị ứng.

Bệnh đường hô hấp

Theo các bác sỹ BV Nhi Đồng 1 - TPHCM do hời tiết hiện nay trên cả nước đang trong giai đoạn chuyển mùa, rất ẩm ương, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh nhau gần 10 độ C nên phụ huynh cần lưu ý các bệnh về đường hô hấp như: suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản cấp. Hiện bệnh nhi hô hấp tại BV Nhi Đồng 1 đang quá tải trầm trọng với khoảng 320 ca nội trú, 40 ca ở độ tuổi dưới 12 tháng phải thở oxy. 60% bệnh nhi nội trú đến từ các tỉnh, thành lân cận.

Theo thống kê, tại BV Nhi Đồng 2, từ 1/10 đến 28/11 đã có hơn 120.000 trẻ đến khám bệnh hô hấp. Trong đó, hơn 5.000 trẻ phải nhập viện chủ yếu do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suyễn. Đặc biệt, đa số bệnh nhi viêm phổi rơi vào các bé dưới 2 tuổi nên việc điều trị trở nên khó khăn lâu khỏi, do trẻ còn quá nhỏ.Trẻ mắc bệnh hô hấp thường có các triệu chứng như: ho (có thể kèm sốt), khó thở, thở nhanh, mũi khô, mặt tím tái…

Việc điều trị các bệnh đường hô hấp cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi đòi hỏi phải kịp thời vì chỉ với những triệu chứng nhẹ như ho, khó thở, khò khè cũng dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi do các cơ quan ở trẻ non nớt, phát triển chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu. Vì vậy, nếu trẻ có các triệu chứng trên, phụ huynh cần cho trẻ nhập viện vì viêm hô hấp biến chứng nặng có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.

Để đề phòng bệnh suyễn ở trẻ trong mùa lạnh, các bác sỹ BV Nhi Đồng 1 đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con bị suyễn cần lưu ý những điểm sau: (1) Đảm bảo trẻ được giữ ấm; (2) Tránh các yếu tố khởi phát cơn suyễn; (3) Sử dụng thuốc dự phòng theo đúng chỉ định của bác sĩ; (4) Điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp; (5) Đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi cháu vẫn còn khó thở sau khi đã sử dụng thuốc cắt cơn.

Phòng bệnh hô hấp cho trẻ, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho con nhất là giữ ấm mặt, cổ, tay, gan bàn chân và đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Với trẻ sơ sinh, cần đảm bảo cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục duy trì đến 12-18 tháng tuổi. Mẹ thường xuyên cho bé bú cũng là một cách giữ ấm cho bé sơ sinh.

Viêm da

Nhiệt độ giảm, độ ẩm xuống thấp làm da mất nước, các chất bảo vệ, bã mồ hôi giảm đi, dẫn tới khô da và nứt nẻ.

Ở trẻ nhỏ, da rất mỏng manh, cấu trúc chưa ổn định nên dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Nếu trẻ bị mẩn đỏ, da khô, nứt nẻ, cha mẹ không nên chủ quan cho rằng một vài ngày sau sẽ tự khỏi mà cần chú ý vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé. Khi cho bé ra ngoài trời cần đảm bảo bé được đủ ấm, không tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ lạnh ngoài trời, tránh cho bé ra ngoài buổi sáng vì dễ nhiễm sương, lạnh gây nứt nẻ da. Mặc cho bé các chất liệu bằng cotton, khô thoáng để tránh dị ứng da và hăm da.

Khi da trẻ bị nứt nẻ, tuyệt đối không cho trẻ gãi ngứa hay sờ vào vùng nứt nẻ. Cha mẹ nên sử dụng các loại kem bôi ngoài da theo chỉ định của bác sỹ để trị viêm, nẻ cho trẻ.

L.A
(Tổng hợp)
Chia sẻ